Sức mạnh của tình yêu

Sức mạnh của tình yêu

(ĐTCK) Giông bão lớn trong cuộc đời có thể làm cây cao ngả nghiêng, nhiều khi gãy đổ. Nhưng ngay chính từ nơi thân cây gãy đổ sẽ nhú lên những chồi non xanh vô cùng mãnh liệt. Đó là mạch nguồn sự sống, mạch nguồn yêu thương.

Chuyện nhà Dr Thanh đến tay hàng trăm nghìn người đọc chia sẻ những góc nhìn sâu sắc và chân thật về chuyện đời, chuyện nghề, con đường từ tay trắng lập nên doanh nghiệp tỷ USD của gia tộc họ Trần, trong đó có một chi tiết làm nhiều người bất ngờ.

Ðó là khi Tòa án xử vụ VNCB đã tuyên trách nhiệm trả gia sản cho gia đình Tân Hiệp Phát là một cá nhân, chứ không phải pháp nhân Ngân hàng. Thực tế này xem như 5.190 tỷ đồng, là công sức của nhiều năm lao động chuẩn bị cho việc xây 3 nhà máy mới của Tập đoàn gửi vào đó mất trắng. Ðáp lại hoàn cảnh đó, người vợ của Dr. Thanh đã đến bên chồng và nói một câu nhẹ nhàng: “Ba đừng buồn. Chúng ta sẽ làm lại”.

Vì sao một người phụ nữ mảnh mai lại có sự bình thản và tinh thần thép trước hoàn cảnh trái ngang như vậy? Bà Nụ chia sẻ, lúc biết rằng Tân Hiệp Phát bị mất khoản tiền là công sức làm việc của nhiều năm trời, bà chỉ nghĩ “có cũng được và không có cũng được”, bởi vì nó không phải cái thứ cần thiết nhất. Chúng ta còn hơi thở là còn sự sống.

Chỉ cần mình nỗ lực hơn, cố gắng làm tốt hơn, nhất là gìn giữ thái độ và năng lượng tích cực của những người xung quanh thì mình sẽ làm lại được. Trong những lúc khó khăn nhất, thách thức nhất, điều kỵ nhất là làm mất sức mạnh nội lực. Dù tất cả vật chất có mất đi thì tình yêu thương vẫn còn đó, vẫn tròn vẹn và chính nó sẽ là sức mạnh mềm để hồi phục, nhen nhóm lại nội lực cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức.

“Trải qua những biến cố cuộc sống, biến cố thương trường, tôi muốn lan tỏa một bí quyết: Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là hãy tạ ơn sự sống, nếu có thể làm được gì ngay lúc này, ngay trong ngày thì sẽ cố gắng tối đa. Làm việc bằng sự tập trung, sự biết ơn và tình yêu thương sẽ tạo nên sức bền của tổ chức, tạo nên sức mạnh nội lực, không gì là không thể vượt qua”, bà Nụ nói.

Chia sẻ về cuộc hôn nhân đầy ắp tình yêu thương sắp tròn 4 thập niên với Dr. Thanh, bà Nụ cho rằng, tình yêu không chỉ là giữa 2 người, giữa con người với con người, mà còn đối với thời gian, môi trường, xã hội nữa. Yêu là cho đi mà không cần nhận lại, yêu chân thật, yêu hết lòng. Tình yêu giống như cuộc sống, mỗi ngày mới là một món quà, một hành trình mới, một cảm thọ mới.   

Dù tất cả vật chất có mất đi thì tình yêu thương vẫn còn đó, vẫn tròn vẹn và chính nó sẽ là sức mạnh mềm để hồi phục, nhen nhóm lại nội lực cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức vượt qua mọi giông bão thương trường.

Madam Nụ, Người đồng sáng lập Tân Hiệp Phát

Cuộc sống thì trước đây 1 giờ chúng ta không thể nào quay lại được và sau đây 1 giờ thì chúng ta cũng không thể sống trước được. Chúng ta chỉ có thể sống trong giây phút hiện tại và vì thế, yêu là sống trọn vẹn với tất cả, ngay lúc này. Sống trọn vẹn sẽ thấy những người xung quanh và mọi hiện hữu đều rất dễ thương, rất đáng quý. Tình yêu đến một cách tự nhiên nếu như chúng ta biết ơn sự sống.

Làm việc là sự cống hiến, cống hiến chính là lời cảm ơn đời, cảm ơn mọi người chứ không phải một sự bó buộc. Mình được sinh ra trong cái nôi gia đình, được nuôi dưỡng trong nhà trường, trong xã hội, được học những bài học cuộc đời thì đáp lại, mình phải có sự ghi nhận và biết ơn. Hành trình xây dựng Tân Hiệp Phát, trong quan điểm của người vợ Dr. Thanh, đó là một hành trình yêu thương, yêu thương từ trong gia đình, lan tỏa đến anh chị em trong Công ty, vì tình yêu thương, nên biết cảm ơn nhau và làm việc vì nhau, cùng hướng đến những điều tốt đẹp.

Nhà bác học thiên tài Einstein từng nói: Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Ðó là tình yêu”. Trong quan điểm quản trị nhân sự, Tân Hiệp Phát cho rằng, mỗi con người đều có một giá trị đặc biệt để cống hiến. Từ một gia đình nhỏ, sau 40 năm bền bỉ nỗ lực, Tân Hiệp Phát đã trở thành một gia đình lớn của hàng chục nghìn người lao động, gắn kết với nhau bằng khát vọng, ý chí vươn lên, với tinh thần không gì là không thể.

Bên trong khát vọng là một sức mạnh mềm, như dòng chảy mát lành nâng đỡ tất cả, đó là tình yêu và sự trân trọng giá trị sống. “Tôi luôn mong Tân Hiệp Phát sẽ phát triển hơn nữa và chúng ta sẽ yêu thương nhau hơn nữa để làm bằng chứng cho tất cả mọi người về sức mạnh của tình yêu. Tình yêu thương là không bao giờ mất đi, vì yêu thương sẽ được đền đáp bằng yêu thương. Chúng ta hãy yêu thương nhau và sống với nhau chân thật để giữ được nhau và chúng ta mãi mãi là của nhau”, bà Nụ nói.