SZE và BWE: Cùng ngành, hai số phận

SZE và BWE: Cùng ngành, hai số phận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Môi trường Sonadezi (mã SZE) và Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) là hai doanh nghiệp có quy mô lớn bậc nhất trong ngành. Tuy nhiên, trong khi lợi nhuận của SZE khá lẹt đẹt thì BWE đang tăng trưởng mạnh.

Lĩnh vực môi trường và kiểm soát ô nhiễm ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới, đi cùng với đó là tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp môi trường thường “ôm” nhiều mảng hoạt động, bao gồm thu gom xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường đô thị, dịch vụ tang lễ (dịch vụ mai táng, hỏa táng, xây mộ, khai thác nghĩa trang...), chăm sóc cây xanh, cảnh quan đô thị... Do đặc thù gần giống ngành cấp nước nên tính độc quyền tương đối cao, ít cạnh tranh trong địa bàn hoạt động.

Trong số các doanh nghiệp môi trường đã cổ phần hóa thì SZE và BWE là hai công ty lớn nhất, nằm ở Đồng Nai và Bình Dương, hai địa phương có mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tương đối cao.

SZE: Lợi nhuận “co hẹp”, chậm công bố thông tin

SZE là công ty dịch vụ môi trường đô thị lớn bậc nhất tại Việt Nam, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 64%, do Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi quản lý.

Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là vệ sinh công nghiệp, thu gom vận chuyển và xử lý chất thải, dịch vụ mai táng, hỏa táng, quản lý khai thác nghĩa trang, duy tu bảo dưỡng mương cống thoát nước, chăm sóc công viên cây xanh; thi công các công trình điện chiếu sáng, điện trang trí...

Theo bản công bố thông tin của SZE, Công ty đang quản lý, sử dụng 1.089.809,2 m2 đất. Trong đó, diện tích đất được giao là 604.464,2 m2.

Theo đó, SZE nắm trong tay nhiều khu đất có vị trí đẹp ở tỉnh Đồng Nai, như khu đất 6.091 m2 tại địa chỉ 12 Huỳnh Văn Nghệ, TP. Biên Hòa; khu đất 4.800 m2 văn phòng Xí nghiệp Môi trường Biên Hòa tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa; khu đất 3.074 m2 văn phòng Xí nghiệp Môi trường Vĩnh Cửu ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu; khu đất 20.382 m2 văn phòng Đội cây xanh hoa kiểng tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa; khu đất 152.500 m2 phân xưởng xử lý chất thải tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa; khu đất 55.677 m2 tại phường Tân Biên, TP. Biên Hòa.

Chưa kể, SZE nắm trong tay lợi thế độc quyền quản lý và khai thác Nghĩa trang Nhân dân TP. Biên Hòa (có diện tích 327.991 m2 và hơn 10.000 m2 mở rộng…).

Tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2020 của SZE từng nhắc đến việc “quản lý có hiệu quả các tài sản là bất động sản của Công ty bằng việc nghiên cứu hướng đầu tư, kinh doanh nhằm tạo nguồn thu nhập khác cho Công ty”. Điều này khiến giới đầu tư đồn đoán về khả năng Công ty lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Song đến nay, chưa có thông tin công bố của SZE về hoạt động này.

Doanh thu và lợi nhuận của SZE (Đơn vị: tỷ đồng).

Doanh thu và lợi nhuận của SZE (Đơn vị: tỷ đồng).

Gần đây, doanh thu hoạt động của SZE có sự tăng trưởng, nhưng lợi nhuận lại diễn biến ngược chiều. Quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của SZE đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 47,39% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt hơn 27,5 tỷ đồng, giảm 15,6% so với năm 2021.

SZE cho biết, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và điều chỉnh khiến lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 tăng thêm 2,59 tỷ đồng so với số đã báo cáo. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 48,5% và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 29,37% đã khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty trong quý IV/2022 và cả năm đi xuống.

Tuy nhiên, theo dõi diễn biến hoạt động của SZE, giới đầu tư dễ nhận ra hiệu quả hoạt động của Công ty đi xuống trong thời gian qua và một số vấn đề về công bố thông tin.

Chẳng hạn, SZE có Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp - quy mô 21,7 ha tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, với vốn đầu tư hơn 474 tỷ đồng, gấp rưỡi vốn điều lệ của Công ty. Dự kiến, dự án này đi vào hoạt động sẽ là bước ngoặt lớn của Công ty khi chuyển từ chôn lấp rác sang xử lý rác (doanh thu mỗi tấn rác xử lý cao khoảng gấp đôi so với rác chôn lấp).

Theo Báo Đồng Nai, Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân đã đưa vào vận hành từ tháng 11/2020, công suất 450 tấn/ngày. Tuy nhiên, gần 5 tháng sau khi Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân đi vào hoạt động, SZE mới đề cập đến việc đã đưa Nhà máy vào vận hành thử, các hạng mục phụ trợ đã thực hiện được hơn 90% trong báo cáo thường niên 2020 được công bố tháng 4/2021.

Tới báo cáo thường niên 2021, SZE cho biết, tính đến cuối năm 2021, Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục và được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa được đề cập và thực tế cho thấy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn đi xuống.

BWE: Mở rộng địa bàn, M&A ráo riết

BWE là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và xử lý rác thải hoạt động tại khu vực tỉnh Bình Dương. Trong đó, lĩnh vực cung cấp nước sạch đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của Công ty.

Trong lĩnh vực xử lý rác thải, Công ty thu gom rác thải sinh hoạt và khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương để phân loại, xử lý và ứng dụng sản xuất thành phân hữu cơ (compost), gạch ốp lát.... BWE hiện sở hữu 1 nhà máy xử lý rác thải có công suất 1.680 tấn/ngày.

Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích - cung cấp nước sạch và xử lý rác thải, kết quả kinh doanh của BWE tăng trưởng khá ổn định, phát triển cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương.

Trong quá trình phát triển, BWE nhận được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Bình Dương trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ODA từ nhiều chính phủ và nhà tài trợ nước ngoài (để tài trợ cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý rác thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước tại tỉnh Bình Dương).

Mới đây, BWE được vay vốn ưu đãi 20 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á do ADB quản lý, cùng khoản vay song song trị giá 7 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đây là khoản vay không bảo lãnh của Chính phủ với mục đích đầu tư dự án xử lý rác thải đô thị và rác công nghiệp. Nguồn vốn sẽ phục vụ dự án Nhà máy sản xuất phân compost công suất 840 tấn/ngày, lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày có phát điện công suất 5 MW/giờ. Khi dự án hoàn thành sẽ phân loại 2.520 tấn/ngày, tách lọc, phân loại tái chế phân hữu cơ, phần còn lại sẽ được đốt và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện công suất 5 MW/giờ.

BWE, với vị thế là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất ngành nước trên sàn chứng khoán với gần 9.000 tỷ đồng cũng ráo riết thực hiện M&A các doanh nghiệp nước ở nhiều địa phương. Mới đây, Công ty đã thông qua chủ trương nâng sở hữu từ 20% tới 100% tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An.

Trước đó, vào tháng 4/2022, BWE đã mua lại cổ phần của Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ (mã CTW) và Công ty Cấp nước Cần Thơ 2, qua đó, đưa hai đơn vị này trở thành công ty liên kết, với giá trị đầu tư tại thời điểm cuối năm 2022 là 303 tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư vào các công ty nước tại Đồng Nai, Cần Thơ, BWE đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh Bình Phước, Bến Tre, Long An....

Tin bài liên quan