Cổ đông được quyền giao dịch cổ phiếu là quyền lợi được pháp luật bảo hộ - Ảnh: Hoài Nam

Cổ đông được quyền giao dịch cổ phiếu là quyền lợi được pháp luật bảo hộ - Ảnh: Hoài Nam

Tắc chuyển nhượng chứng khoán, cổ đông “bất động”!

(ĐTCK-online) Nhiều công ty đại chúng chưa niêm yết sau khi lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký thì cổ đông của công ty không thực hiện được giao dịch, gây bức xúc cho nhiều NĐT.

Báo ĐTCK nhận được công văn của CTCP Tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (mã CCH) phản ánh, sau khi lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), cổ đông của Công ty không thực hiện được giao dịch. Nhiều CTCK làm tư vấn cho các công ty đại chúng cũng cho ĐTCK biết, việc "tắc" giao dịch cổ phiếu DN đại chúng diễn ra phổ biến do quy định hiện hành.

 

Mất quyền xác nhận giao dịch khi lưu ký tập trung

CCH có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, thực hiện lưu ký chứng khoán từ năm 2009. Vào thời điểm thực hiện lưu ký, Công ty có 200 cổ đông. Từ đó đến nay, số lượng cổ đông không có biến động, do không thực hiện được chuyển nhượng cổ phần. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT CCH cho biết, ngay sau khi lưu ký chứng khoán tập trung, Công ty đã nhận được Công văn số 853/VSD-ĐK của VSD yêu cầu HĐQT không được quyền ký xác nhận giao dịch cổ phiếu. Như vậy, cổ đông muốn giao dịch cổ phiếu, Công ty phải thực hiện niêm yết tại sở GDCK Hà Nội hoặc đăng ký giao dịch tại thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM). Do diễn biến thị trường bất lợi nên Công ty vẫn chưa có ý định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, nhu cầu giao dịch cổ phiếu của cổ đông vẫn diễn ra, trong khi quy định hiện hành không cho phép đã dẫn đến bức xúc của các cổ đông.

Ông Hùng kiến nghị, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và VSD cần nghiên cứu sửa đổi những bất hợp lý hiện hành và nhanh chóng ban hành quy định đảm bảo quyền lợi chính đáng của cổ đông các công ty đại chúng chưa niêm yết để có thể chuyển nhượng cổ phiếu một cách thuận tiện, hợp pháp. Trước mắt, cho phép HĐQT các công ty đại chúng chưa niêm yết được xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông như khi chưa lưu ký tập trung, kết quả (xác nhận) này là cơ sở pháp lý để VSD thực hiện việc xác nhận chuyển đổi quyền sở hữu của cổ đông trên hệ thống của VSD.

 

Đợi chợ chứng khoán thứ 4?

Hiện nay, chưa có quy định buộc các công ty đại chúng phải niêm yết hoặc lên giao dịch tại UPCoM. Việc yêu cầu công ty đại chúng không được xác nhận chuyển nhượng cổ phần được ngầm hiểu như một "động tác" kỹ thuật của cơ quan quản lý nhằm buộc các DN lên sàn chính thức, trong định hướng thu hẹp TTCK tự do.

Trên thực tế, năm 2010, UBCK đã giao cho VSD xây dựng phương án đại lý chuyển nhượng thông qua VSD và các thành viên lưu ký cổ phiếu của công ty đại chúng chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở GDCK. Thông qua các CTCK làm thành viên của VSD, nhà đầu tư thực hiện việc mua bán, chuyển quyền sở hữu cổ phiếu. Sau đó, CTCK chuyển kết quả về VSD để làm thủ tục chuyển nhượng. Phương án này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông, mà còn tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch, công bố thông tin của các công ty đại chúng, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Nút thắt hiện nay nằm ở chỗ, kết quả giao dịch các cổ phiếu này sẽ được ghi nhận như thế nào? Nếu xây dựng thêm bảng giao dịch thì có thể hình dung đây là thị trường thứ 4 bên cạnh hai thị trường niêm yết tại HOSE, HNX và thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết UPCoM. Tuy nhiên, việc VSD có được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán hay không và liệu có làm phân tán chức năng chính của VSD (lưu ký và thực hiện thanh toán các giao dịch chứng khoán) hay không là vấn đề còn để ngỏ.

Cổ đông được quyền giao dịch cổ phiếu là nhu cầu chính đáng được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo số liệu của UBCK, tính đến hết năm 2010 có 977 công ty đại chúng chưa niêm yết thực hiện lưu ký chứng khoán tập trung. Các công ty đại chúng chưa đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung hiện nay (chưa có số liệu chính thức, nhưng được đánh giá là khá lớn) đang đứng trước quyết định khó khăn: một là, không lưu ký tập trung, chấp nhận bị phạt, nhưng có thể thực hiện xác nhận giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông; hai là, thực hiện đúng các quy định hiện hành, đem cổ phiếu lưu ký tập trung, nhưng bị tắc giao dịch. Trước sự khó xử của lãnh đạo DN và bức xúc của cổ đông, có lẽ UBCK, VSD và các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cho DN để cổ đông được thực hiện quyền giao dịch, còn DN cũng không cảm thấy bị o ép lên sàn.