Hải Phát dự kiến chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án để giải quyết vấn đề thanh khoản.

Hải Phát dự kiến chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án để giải quyết vấn đề thanh khoản.

Tái cấu trúc Đầu tư Hải Phát: Thiếu nguồn vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lên kế hoạch tái cấu trúc toàn diện nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) chưa có kế hoạch huy động vốn, cũng như chưa nhận được cam kết rót vốn để giải quyết vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn.

Chưa thấy dòng vốn mới

Ngày 21/10 tới, Đầu tư Hải Phát sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023. Trong tài liệu đại hội, Công ty đề cập tới việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, rà soát lại các tài sản và pháp lý các tài sản, cấu trúc nợ, nâng cao năng lực quản trị… Hội đồng quản trị Công ty cũng trình mục tiêu kinh doanh năm nay với lợi nhuận tối thiểu 120 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức lỗ 58,36 tỷ đồng trong năm 2022.

Đáng chú ý, trong tờ trình cổ đông, Đầu tư Hải Phát không đề cập tới kế hoạch huy động vốn để giải quyết vấn đề thanh khoản ở thời điểm hiện tại.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp đã phát sinh chậm thanh toán lãi cho trái chủ. Cụ thể, ngày 24/3/2023, Đầu tư Hải Phát phải thanh toán lãi kỳ thứ 5 mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ, nhưng Công ty chỉ thanh toán đúng hạn 29 trái chủ.

Ngày 12/4/2023, Công ty phải trả lãi kỳ thứ 5 của trái phiếu HPXH2224001 cho 34 trái chủ, nhưng chỉ thanh toán được cho 33 trái chủ. Ngày 28/4/2023, đến lịch thanh toán lãi kỳ 6 của trái phiếu HPXH2123008, Công ty xin thanh toán 50% lãi không chậm hơn ngày 30/5/2023 và thanh toán 50% lãi còn lại không chậm hơn ngày 30/6/2023.

Lý do chậm thanh toán lãi trái phiếu, theo giải thích của Đầu tư Hải Phát, là thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt đã ảnh hưởng đến thanh khoản của Công ty.

Báo cáo soát xét bán niên năm 2023 của Đầu tư Hải Phát cho thấy, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty đang có tổng nợ phải trả 2.754,2 tỷ đồng; trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.457,4 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 1.296,8 tỷ đồng. Quỹ tiền mặt ghi nhận 127,8 tỷ đồng, giảm 23,3% so với đầu năm.

Áp lực nợ của Công ty chủ yếu liên quan tới trái phiếu ngắn hạn (dưới 1 năm) là 698,8 tỷ đồng (448,9 tỷ đồng phải trả gốc vào ngày 24/12/2023; và 249,9 tỷ đồng trả gốc trong quý IV/2023); trái phiếu dài hạn đến hạn trả (dưới 1 năm) là 606,2 tỷ đồng (trả gốc 257,2 tỷ đồng vào ngày 5/5/2024 và trả gốc 349 tỷ đồng vào ngày 20/1/2024); trái phiếu dài hạn (trên 1 năm) là 1.047,4 tỷ đồng (trả gốc 300 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024; trả gốc 497,4 tỷ đồng vào ngày 28/5/2025; trả gốc 250 tỷ đồng vào ngày 25/11/2024)…

Chỉ riêng áp lực trả nợ vay trái phiếu trong vòng 1 năm tới của Đầu tư Hải Phát là 1.305 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng áp lực trả nợ vay trái phiếu trong vòng 1 năm tới của Công ty là 1.305 tỷ đồng, bằng 10,2 lần quỹ tiền mặt hiện hữu của Công ty.

Để giải quyết khó khăn về thanh khoản trong tình huống không tiếp cận được vốn vay ngân hàng cũng như không có dòng tiền bán hàng từ các dự án, thông thường, doanh nghiệp bất động sản sẽ bán tài sản, hoặc tìm nguồn vốn từ cổ đông chiến lược. Đầu tư Hải Phát dường như đang chọn hướng đi đầu tiên.

Cụ thể, ngày 20/8/2023, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua chủ trương chuyển nhượng/bán phần vốn góp tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang (giá trị đầu tư 176,28 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ). Công ty này là chủ đầu tư Dự án TM1, thuộc Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển Nha Trang, giáp với cầu Trần Phú).

Theo thông tin trên website của Đầu tư Hải Phát, Dự án TM1 có tổng diện tích sàn xây dựng 311.239 m2, quy mô 3 khối tháp cao 40 tầng (2 tầng hầm, 3 tầng thương mại, 27 tầng căn hộ và 10 tầng khách sạn). Còn khu dân cư Cồn Tân Lập có tổng diện tích quy hoạch gần 8 ha, gồm 5 khu chung cư, 4 khu nhà biệt thự song lập và nhà liền kề có diện tích đa dạng.

Thực tế, Công ty Đầu tư Hải Phát có động thái chuyển nhượng Dự án TM1 trong bối cảnh Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập bị chậm tiến độ nhiều năm và chưa có hướng giải quyết. Theo cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Khánh Hòa, dù được triển khai từ năm 2007, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đền bù mặt bằng.

Cổ đông mới là… nhà đầu tư tài chính

Kế hoạch tái cấu trúc “thiếu vắng” dòng vốn mới của Đầu tư Hải Phát gây chú ý trong bối cảnh Công ty vừa có cổ đông lớn mới.

Cụ thể, ngày 14/9, chỉ vài ngày trước khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch, ông Hoàng Văn Toàn mua vào 49.618.900 cổ phiếu HPX, nâng sở hữu từ 702.200 cổ phiếu lên 50.321.100 cổ phiếu. Ước tính theo giá đóng cửa 5.480 đồng/cổ phiếu, ông Toàn bỏ ra gần 272 tỷ đồng để mua vào hơn 49,6 triệu cổ phiếu HPX trong phiên này.

Được biết, tại ngày 14/9, ngoài ông Hoàng Văn Toàn, Đầu tư Hải Phát chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, với tỷ lệ sở hữu 13,89%. Như vậy, sau khi nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát, ông Hoàng Văn Toàn đã trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, trước thương vụ này, ông Toàn đã từng “lướt sóng” một số cổ phiếu khác. Cụ thể, ông Hoàng Văn Toàn mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu DNP (Công ty cổ phần DNP Holding) trong phiên 10/1/2023, qua đó trở thành cổ đông lớn của công ty này với tỷ lệ sở hữu là 6,51% (tương đương hơn 7,7 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, đến phiên 8/6/2023, ông này đã bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu DNP, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,21%.

Ngoài ra, vào ngày 30/8/2022, ông Toàn đã mua 500.000 cổ phiếu AGM (của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex), nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 0% lên 2,75%. Tại thời điểm này, bố vợ ông Toàn là ông Nguyễn Văn Phúc cũng đang nắm giữ 5,49% vốn điều lệ Angimex. Như vậy, tỷ lệ ông Toàn cùng người có liên quan nắm giữ sau giao dịch là 8,24%.

Tới ngày 28/9, ông Nguyễn Văn Phúc đã bán 23.400 cổ phiếu, giảm sở hữu từ về 4,87% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Angimex. Kể từ đây, không nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Nguyễn Văn Phúc và Hoàng Văn Toàn.

Tin bài liên quan