Tái cấu trúc hệ thống tài chính chậm, vì sao?

Tái cấu trúc hệ thống tài chính chậm, vì sao?

(ĐTCK) Quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính vẫn đang diễn ra chậm so với yêu cầu, các vấn đề dài hạn và mang tính cơ cấu chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ.

Đó là ý kiến đáng chú ý được nêu ra tại Hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) tổ chức đầu tuần này.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch UBGS nhận định, thời gian qua, việc cải cách hệ thống tài chính đã thu được những kết quả nhất định; vấn đề nợ xấu được nhận thức đầy đủ và tập trung xử lý với sự tham gia tích cực của VAMC. Nhiều TCTD yếu kém được tái cơ cấu, hoạt động ổn định dần và đặc biệt, hành lang pháp lý quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính cũng chặt chẽ hơn. Điển hình như các quy định siết chặt phân loại nợ và trích lập dự phòng tủi ro tín dụng các tài sản mang bản chất tín dụng; giới hạn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (dưới 16% tổng dư nợ), quy định hạn mức sở hữu vốn cổ phần đối với cá nhân/nhóm.

“Đồng thời, đối với TTCK và bảo hiểm cũng đã ban hành các chuẩn mực an toàn mới. Chất lượng tài sản được cải thiện và minh bạch thông tin hơn”, ông Phước cho biết.

Đánh giá sự cân bằng và ổn định hệ thống đã đạt được, nhưng ông Phước cũng cho rằng, bên cạnh những vấn đề được nói đến nhiều như câu chuyện nợ xấu, “bẫy thanh khoản”, sở hữu chéo... thì sự mất cân đối giữa các khu vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm là đáng quan ngại.

TTCK phải là địa chỉ huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, nhưng trên thực tế còn nhỏ bé; hàng hóa, công cụ giao dịch chứng khoán và cơ sở nhà đầu tư còn nghèo nàn. Thị trường bảo hiểm cũng còn khá khiêm tốn.

Trong khi đó, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, để có thể đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính thì cần làm rõ nhiều khía cạnh. Đó là nên định vị thế nào mối quan hệ giữa ngân hàng với các thành tố khác trong cơ cấu tài chính? Cơ cấu thị trường tài chính nên thế nào và cần xác lập mối quan hệ ra sao giữa quá trình cơ cấu lại thị trường tài chính với quá trình cơ cấu lại các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nói chung?

“Điều quan trọng nhất hiện nay là quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính vẫn đang diễn ra chậm so với yêu cầu thực tiễn, các vấn đề dài hạn và mang tính cơ cấu chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Chia sẻ với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, sự chậm trễ của tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính không phải là do các cơ quan chuyên môn chưa đủ quyết tâm, mà cội nguồn là sự chưa đồng thuận của các quyết sách.

“96% tài sản của hệ thống tài chính nằm trong hệ thống ngân hàng. Muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhanh thì vấn đề cốt lõi là xử lý nợ xấu nhanh. Trong khi đó, lại không cho phép dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời, các khoản nợ của Nhà nước có thể gây ra nợ xấu của DN và các ngân hàng như nợ xây dựng cơ bản cũng chưa được xử lý rốt ráo. Do vậy, muốn tái cơ cấu nhanh hệ thống ngân hàng, Chính phủ cũng phải xử lý khoản nợ xây dựng cơ bản hơn 90.000 tỷ đồng, các NHTM tự xử lý những khoản nợ nhỏ và để VAMC xử lý những khoản nợ lớn. Cả 3 bên phải cùng hành động thì mới xử lý nhanh được câu chuyện nợ xấu”, ông Nghĩa nói.