Tái cấu trúc ngân hàng, bài học từ Thái Lan

Tái cấu trúc ngân hàng, bài học từ Thái Lan

(ĐTCK) Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến hệ thống ngân hàng của Thái Lan chao đảo nghiêm trọng, bắt buộc phải tái cấu trúc khắc nghiệt để vượt qua khủng hoảng và hoạt động ổn định hơn. Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng Thái Lan không hề cũ cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Nguyên nhân buộc phải tái cấu trúc

Thứ nhất, chất lượng tín dụng rất thấp: nợ xấu (quá hạn trên 6 tháng) chiếm 7,2% tổng dư nợ vào cuối năm 1995 và tăng lên 11,6% vào tháng 5/1997. Cùng với sự yếu kém trong chuẩn mực kế toán, các nhà phân tích tin rằng, tỷ lệ này thực tế còn cao hơn 15%.

Thứ hai, tình trạng thiếu vốn tại các ngân hàng: theo số liệu cuối tháng 6/1997, tất cả các ngân hàng tại Thái Lan đều có hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn 8,5%. Lượng vốn thiếu hụt được đánh giá lên tới 400 tỷ baht dựa trên các thông lệ quốc tế.

Thứ ba, các ngân hàng chưa trích dự phòng rủi ro đầy đủ cho danh mục tín dụng của mình do chưa có quy định nào về trích lập dự phòng rủi ro theo phân loại tín dụng (tới tháng 3/1997, Thái Lan mới quy định chặt chẽ hơn về phân loại tín dụng và dự phòng rủi ro tín dụng). Do vậy, chỉ số an toàn vốn do các ngân hàng báo cáo không phản ánh được thực tế mức độ an toàn vốn tại các ngân hàng.

Bên cạnh đó, lãi suất đối với các khoản nợ quá hạn tiếp tục được lũy kế, thổi phồng thu nhập của ngành tài chính, khiến các ngân hàng và công ty tài chính vẫn tiếp tục trả được cổ tức, hoa hồng và thuế dựa trên những khoản lợi nhuận không tồn tại, dẫn đến việc mất vốn ngày càng trầm trọng hơn của các tổ chức này.

Thứ tư, chưa có các giới hạn cần thiết về mức độ tập trung tín dụng, do đó, tín dụng tập trung rất nhiều vào một số lĩnh vực như bất động sản, trong đó, cho vay hầu như dựa vào tài sản đảm bảo hơn là đánh giá năng lực tín dụng, dẫn đến việc khi bong bóng bất động sản vỡ, các ngân hàng phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng của giá trị tài sản đảm bảo.

Thứ năm, khuôn khổ pháp lý về đảm bảo an toàn hoạt động ngành ngân hàng còn tương đối yếu và rời rạc. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát ngân hàng và các công ty tài chính, nhưng giao lại trách nhiệm giám sát hàng ngày cho Ngân hàng Trung ương. Bộ trưởng có quyền cấp phép, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động và can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng và công ty tài chính thông qua một ủy ban quản lý.

 

Các giải pháp cụ thể

Nhằm chống đỡ với sự yếu kém của ngành ngân hàng trong những năm 1990, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp cải cách, trong đo, bao gồm việc thành lập Quỹ Phát triển các định chế tài chính (FIDF), một thể nhân độc lập với Ngân hàng Trung ương với nhiệm vụ tái cấu trúc, phát triển và cung cấp hỗ trợ tài chính (hỗ trợ thanh khoản) cho các định chế tài chính.

Vào tháng 10/1997, chính quyền Thái Lan đã công bố chiến lược đối phó với khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, bao gồm các giải pháp:

Đầu tiên, tất cả các ngân hàng phải điều chỉnh vốn chủ sở hữu để ghi nhận đầy đủ các khoản lỗ thực tế đã xảy ra nhằm đáp ứng những quy định chặt chẽ hơn về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro do Ngân hàng Trung ương mới ban hành. Không ngân hàng nào được phép trả cổ tức cho năm 1997 và 1998.

Tiếp theo, Ngân hàng Trung ương tổ chức họp với từng ngân hàng về biện pháp tái cơ cấu vốn, theo đó, các ngân hàng phải đệ trình kế hoạch tái cơ cấu vốn cho Ngân hàng Trung ương. Sau đó, các ngân hàng cần bổ sung vốn trong quý đầu năm 1998, nếu không, Ngân hàng Trung ương sẽ có quyền yêu cầu một Biên bản ghi nhớ với ngân hàng, trong đó, gia hạn cho chủ sở hữu của ngân hàng để bổ sung vốn với điều kiện ngân hàng này đệ trình lại được một bản kế hoạch khả thi, hợp pháp để tái cơ cấu vốn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng được khuyến khích tìm kiếm đối tác nước ngoài nếu không tìm được đủ nguồn vốn trong nước. Thái Lan cũng đã nới rộng giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng lên mức rất cao (75% so với 30% hiện tại của Việt Nam) trong thời hạn 10 năm, với cam kết của cổ đông nước ngoài trong thời gian đó phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống thông qua việc bán lại cho cổ đông trong nước hoặc chỉ phát hành thêm cho cổ đông trong nước.

Đặc biệt, với các ngân hàng không thể tăng vốn, Chính phủ Thái Lan yêu cầu các ngân hàng phải hạch toán đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ xấu vào chi phí, qua đó, giảm vốn chủ sở hữu. Chính phủ sau đó có thể nắm quyền kiểm soát ngân hàng, tái cấp vốn và sau đó tư nhân hóa ngân hàng thông qua bán lại cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc giảm vốn sở hữu của các ngân hàng giúp Chính phủ Thái Lan giảm được chi phí cấp vốn để nắm quyền sở hữu tại các ngân hàng này.

Và cuối cùng, chiến lược cũng chỉ rõ, không có ngân hàng sẽ bị đóng cửa và người gửi tiền cũng như vay tiền sẽ được bảo đảm hoàn toàn bởi Chính phủ.

Ban đầu, Ngân hàng Trung ương Thái Lan không muốn can thiệp vào các ngân hàng vì lo sợ rằng, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tháo chạy trong cả hệ thống ngân hàng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Với bản sửa đổi năm 1997 của Luật Các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung ương được giao các quyền hạn cụ thể để giảm vốn và thay đổi bộ máy quản lý của các ngân hàng thương mại yếu kém.

Dựa trên những quyền hạn tăng thêm đó, Ngân hàng Trung ương đã can thiệp vào các ngân hàng và công ty tài chính đang gặp vấn đề, từ đó, Chính phủ đã trở thành chủ sở hữu của 6 ngân hàng và 9 công ty tài chính, chiếm tới gần 1/3 nguồn vốn huy động của toàn hệ thống.

Chính phủ cũng thuê một chuyên gia tài chính để hỗ trợ quá trình xây dựng chiến lược, chuyên gia này đã đề xuất nội dung để các ngân hàng trong nước và quốc tế có thể mua lại các ngân hàng kể trên.

Tuy nhiên, trong năm 1998, nợ xấu của nhóm 3 ngân hàng hoạt động yếu kém trong nhóm 6 ngân hàng mà Chính phủ sở hữu lên tới 70 - 85% ở mỗi ngân hàng với nhiều vấn đề nổi cộm, đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ đối với việc đưa ra một kế hoạch hoàn chỉnh để giải quyết các vấn đề còn tồn tại của thị trường tài chính. Các biện pháp chính được Chính phủ đưa ra bao gồm: cải thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm an toàn hoạt động ngành tài chính ngân hàng và tiến hành các bước tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Củng cố khuôn khổ quy định quản lý:

Giữ nguyên quy định về hệ số an toàn vốn đối với các ngân hàng thương mại ở mức 8,5%.

lLập tức áp dụng phương pháp phân loại nợ khắt khe hơn và áp dụng quy định dừng lãi lũy kế (đối với nợ xấu).

lXây dựng lộ trình rõ ràng để các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng thời các yêu cầu về trích lập dự phòng sẽ được gia tăng 6 tháng 1 lần để đảm bảo tiệm cận với các quy định quốc tế vào năm 2000.

lBan hành quy định mới về định giá tài sản đảm bảo cho các khoản vay lớn (cần được định giá bởi bên độc lập).

Tái cấu trúc toàn diện ngành tài chính - ngân hàng:

-          Thành lập Ủy ban Tư vấn tái cấu trúc tài chính cấp cao tham mưu cho Thống đốc và Bộ trưởng Tài chính.

-          Sự cam kết của các quỹ công chúng trong việc hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng và công ty tài chính còn hoạt động tốt.

-          Tái cơ cấu tín dụng doanh nghiệp.

-          Quản lý nợ xấu.

-          Đóng cửa, sáp nhập hoặc bán các ngân hàng thương mại và công ty tài chính yếu kém.

-          Gia tăng giám sát bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, đồng thời tích cực áp dụng các thông lệ quốc tế trong quản trị ngân hàng.

-          Tái cơ cấu hoạt động các ngân hàng quốc doanh và chuẩn bị cho cổ phần hóa các ngân hàng này.

-          Sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương với các tổ chức thiếu lành mạnh còn lại.

 

Và kết quả

Hệ thống ngân hàng của Thái Lan đã được tái cấu trúc mặc dù chỉ có hai ngân hàng thương mại đóng cửa, sáp nhập. 56 công ty tài chính bị đóng cửa, 13 công ty khác và 5 ngân hàng được sáp nhập.

Các ngân hàng còn lại đều đã tăng được đủ số vốn quy định sau 12 tháng, tuy nhiên, quá trình tăng vốn vẫn tiếp tục sau đó để đạt được tiêu chuẩn về phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chuẩn quốc tế vào năm 2000.

Các ngân hàng quốc doanh sau đó được cổ phần hóa với sự hỗ trợ của các ngân hàng đầu tư của nước ngoài. Chính phủ đã tập trung đảm bảo quá trình chuyển đổi này được diễn ra minh bạch. Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã vượt quá 50%.