Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn nguyên bài toán “nặng trách nhiệm, nhẹ cơ chế”

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn nguyên bài toán “nặng trách nhiệm, nhẹ cơ chế”

0:00 / 0:00
0:00
Nếu không gỡ bài toán tách bạch quản trị và quản lý doanh nghiệp nhà nước, vai trò dẫn dắt sẽ trở thành gánh nặng của khu vực doanh nghiệp đặc biệt này.

Nỗi niềm doanh nghiệp tiên phong

“Đã nhiều cuộc họp, chúng tôi vẫn nói mơ ước làm được như doanh nghiệp tư nhân. Với cơ chế mà doanh nghiệp nhà nước đang phải tuân thủ, thì đúng là những gì doanh nghiệp tư nhân đang làm là mơ ước của chúng tôi”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chia sẻ tâm tư trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào ngày mai (24/3).

Trước Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc làm việc với đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước, ghi nhận những ý kiến, khuyến nghị để có đề xuất giải pháp, định hướng lớn nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả, tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì nhiều năm qua, bên cạnh các kết quả đạt được, thì doanh nghiệp nhà nước vẫn bị đánh giá là chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

Một lần nữa, ông Thanh và nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khác như Viettel, EVN, TKV… buộc phải nhắc lại những kiến nghị mà họ đã gửi gắm rất nhiều năm qua.

“Các doanh nghiệp tư nhân họ có thể chọn làm hay bỏ dự án rất nhanh, còn chúng tôi muốn thoái vốn dự án đầu tư ở nước ngoài, dù lãi, mà 2-3 năm chưa xong, vì chưa có hướng dẫn. Hay doanh nghiệp tư nhân có thể lỗ, lãi, nhưng doanh nghiệp nhà nước mà lỗ 1 dự án, thì dù 10 dự án có lãi bao nhiêu cũng không được. Nếu đánh giá hiệu quả doanh nghiệp mà không làm rõ tiêu chí, không dựa trên tổng thể, thì doanh nghiệp nhà nước không thể an tâm làm gì”, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel phân tích.

Trong vai trò dẫn dắt, tiên phong của doanh nghiệp nhà nước, có lẽ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có nhiều nỗi niềm hơn cả.

“Trong khi mọi người đang bàn về vai trò phục hồi, phát triển kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, thì chúng tôi đang lo phục hồi chính mình. Trong 2 năm chịu tác động của đại dịch, Tổng công ty đang mất đi vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng, trong khi đó, thị phần ngày một suy giảm, dù đã chủ động chuyển sang vận tải hàng hóa khi khách đi tàu giảm”, ông Hồ Hữu Hòa, Thành viên Hội đồng Thành viên VNR chia sẻ.

Mấu chốt vẫn là sự không rõ ràng trong cơ chế quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt, khiến doanh nghiệp được thành lập để quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt đang phải nhận trách nhiệm tạm thời quản lý tài sản này, khai thác theo quy định tài sản công.

Khung khổ pháp lý mới cho mục tiêu hiệu quả

Trong những nội dung báo cáo dự kiến gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, bức tranh doanh nghiệp nhà nước được thể hiện với nhiều màu sắc.

Bên cạnh con số tài sản trên 2,9 triệu tỷ đồng của 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; trên 700.000 tỷ đồng tài sản của khối 200 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, doanh nghiệp nhà nước đang đóng góp thị phần và vai trò rất lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Có thể kể tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam trong vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; các thương hiệu Viettel, VNPT trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin…

Xét về đóng góp cho ngân sách nhà nước, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, khoảng 0,08%, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước đang đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Đây cũng là khu vực có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất, đạt 18,9 lần, cao hơn mức 17 lần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và 13 lần của khu vực doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn, với những yêu cầu cao hơn, như phải dẫn dắt về công nghệ lõi, công nghệ nguồn hay công nghệ mới, phải đầu tư ra nước ngoài, cạnh tranh với các tập đoàn lớn của thế giới. Nhưng đầu tư công nghệ là cần nhiều tiền, là rất rủi ro, với cơ chế hiện tại, phải xin vòng vèo từ dự án đầu tư, đến tuyển dụng nhân sự… thì không doanh nghiệp nào làm được”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận.

Ngay cả với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, việc thực hiện các kế hoạch đầu tư, kinh doanh cũng không dễ dàng vì vai trò người đại diện phần vốn nhà nước không chỉ mờ nhạt, mà còn không tuân thủ tiêu chuẩn hiện đại về quản trị doanh nghiệp, không tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Petrolimex kể, các thành viên HĐQT là đối tác chiến lược nước ngoài của Công ty cảm thấy khó hiểu với nhiều quy trình, thủ tục mà đại diện phần vốn nhà nước phải tuân thủ.

Tuy nhiên, việc thay đổi các quy trình, thủ tục này không thể nhanh được, do đang được quy định trong nhiều văn bản luật, như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công…

“Tôi đề nghị có rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, đề xuất phương thức 1 luật sửa nhiều luật, để tạo khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Trước mắt, đề xuất Chính phủ rà soát, sửa đổi các nghị định liên quan đến tuyển dụng nhân sự, tiền lương của khu vực này, gỡ nút thắt trong thu hút nhân lực”, ông Cung đề xuất.

Dài hạn hơn, các chuyên gia đề nghị đặt rõ mục tiêu tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, lấy hiệu quả kinh tế, số lượng dự án mới được triển khai, thực hiện làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; củng cố, phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông…

Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2025

100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại về quản trị doanh nghiệp và thông lệ quốc tế.

Phấn đấu có ít nhất 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô và năng lực cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Hình thành ít nhất 3 hạt nhân tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong một số ngành như công nghệ thông tin, năng lượng, tài chính.

Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đăng ký với cơ quan đại diện chủ sở hữu ít nhất 01 dự án đầu tư tiêu biểu và cam kết hoàn thành đúng tiến độ.

100% các doanh nghiệp nhà nước có định hướng chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch và giảm thải khí carbon…

Nguồn: Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan