Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Việt Dũng

Tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư: "Chúng ta vẫn cần một số tư duy đột phá"

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết thời gian tới sẽ tiên phong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thân thiện đối với người dân và doanh nghiệp. 

“Bộ KH-ĐT được dư luận chung đánh giá là luôn đi đầu trong cải cách, thể hiện thông qua việc xây dựng luật pháp và chính sách. Tuy nhiên, đã là cải cách thì không thể không có sự phản đối, phản ứng hay có ý kiến khác. Tôi cũng như cán bộ Bộ KH-ĐT sẽ luôn luôn vững tin và có bản lĩnh để tiếp tục những cải cách. Điều quan trọng nhất là những cải cách đó là cần, là đúng, là vì lợi ích chung, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Không lùi bước trước khó khăn - là khẳng định của tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khi trao đổi riêng với Tuổi Trẻ. Ông nhấn mạnh:

- Chúng ta sẽ cùng nhau phấn đấu thoát khỏi cái bẫy “thường thường bậc trung”. Cam kết đổi mới của bộ trưởng tiền nhiệm Bùi Quang Vinh sẽ được tiếp tục.

* Ông vốn là quân nhân, điều này có hình thành tính cách của ông? Ông có phải là người ít nói? Ông sẽ dùng những cán bộ như thế nào để giúp việc mình?

- Sinh ra trong một gia đình quân nhân và bản thân từng phục vụ 13 năm trong quân ngũ, trưởng thành từ môi trường này nên nhiều tính cách được hình thành, bản chất người lính vẫn luôn thấm đẫm trong tôi. Đó là sự thẳng thắn, cương trực và quyết liệt, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Tôi cũng luôn nghĩ tới phương châm “Chúng ta luôn luôn làm mới bản thân và sẽ luôn luôn tiến lên phía trước”.

Còn việc nói ít hay nhiều, đối với tôi không quan trọng. Vấn đề là nói ở đâu, nói với ai và nói điều gì, có nội dung không, có thực hiện thế không, rồi thực hiện được không, mang lại hiệu quả hay giá trị gì mới không.

Tôi cũng đã có dự định về những người sẽ hỗ trợ tôi trong thời gian tới. Tôi tự biết rằng một mình tôi sẽ không thể nào kham nổi hết các công việc được đặt ra.

Trước hết phải truyền được cảm hứng và khát vọng đến mọi người, tạo môi trường để mọi người cùng được cống hiến, cùng được đóng góp và thỏa sức được sáng tạo, phát huy được hết khả năng của từng cá nhân, đơn vị trong cơ quan cho sự nghiệp chung của đất nước, có nghĩa là không để ai tụt lại phía sau và không ai được đứng ngoài dòng chảy chung đó.

Tôi cũng sẽ nghe thêm ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, phân tích, dự báo nhằm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các ý tưởng và giải pháp tốt nhất. Thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là cơ hội tốt để chúng ta thoát khỏi cái bẫy “thường thường bậc trung”.

* Nhiều người nói bối cảnh hiện nay thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Đâu sẽ là ưu tiên trong những việc cần giải quyết trong nhiệm kỳ của ông?

- Kinh tế của chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 5 năm qua. Bộ KH-ĐT đã tham mưu góp phần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp đất nước phát triển ổn định trong bối cảnh phục hồi chậm sau suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức và rủi ro vẫn đang còn ở phía trước...

Nếu chúng ta giữ vững được đà phát triển như hiện nay thì vẫn đạt được mức tăng trưởng trên trung bình và cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu tự bằng lòng với chính mình hay ngủ quên trong thành công của quá khứ sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần một số tư duy đột phá mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế. Mục tiêu của tôi trong nhiệm kỳ tới, ngoài việc tham mưu giúp Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội Đảng XII, còn phải nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng một số mô hình kinh tế mang tính hiện đại, cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao.

Từ đó có thể tạo ra những cực tăng trưởng mới, thu hút các nguồn vốn quốc tế cho đầu tư dựa trên công nghệ, nghiên cứu phát triển và hình thành nền kinh tế tri thức. Một số mô hình có thể kể đến như đặc khu kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa, cảng tự do, trung tâm tài chính quốc tế...

* Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được biết đến là người quyết liệt, thẳng thắn và đưa ra nhiều cải cách. Người dân băn khoăn những cải cách đó có được tiếp tục?

- Câu trả lời ngắn của tôi là có! Quyết liệt, thẳng thắn và đổi mới, cải cách là những giá trị mà tôi cũng rất tôn trọng. Điều này được thể hiện trong các phát biểu và hành động của tôi trước đây. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục tinh thần này của bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Đổi mới và cải cách là đường lối đúng đắn, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được khẳng định trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Nó có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển và đi lên của đất nước. Nhưng chúng ta phải thận trọng với cái bẫy hô hào khẩu hiệu cải cách.

Cải cách cần có công cụ cân đo đong đếm được. Anh có thể nói rằng năm nay tôi vừa cải cách cái này cái kia. Nhưng nếu không ai kiểm chứng được cái mà anh nói, kiểm chứng được cải cách đó có thực sự diễn ra không, hiệu quả đến thế nào thì đó chưa phải là cải cách.

Hay chúng ta đưa ra những cơ chế chính sách không phù hợp với quy luật tự nhiên, cản trở sự phát triển, rồi lại kiến nghị dỡ bỏ và gọi đó là cải cách thì cũng không phải.

* Bộ KH-ĐT rất kiên quyết bãi bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý. Nhưng thực tế, giấy phép con trái thẩm quyền cứ tồn tại. Ông sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm giấy phép con và thuận lợi hơn trong kinh doanh?

- Tôi khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH-ĐT thời gian tới là sẽ tiếp tục đi tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thân thiện và an tâm đối với người dân và doanh nghiệp.

Trong nhiệm vụ đó có việc ngăn cản hoặc bãi bỏ các giấy phép con trái pháp luật và bất hợp lý. Chúng tôi có mục tiêu sẽ ngăn chặn ngay từ đầu việc ban hành mới giấy phép con kém chất lượng và rà soát, đánh giá lại các giấy phép hiện hành để bãi bỏ, sửa đổi giấy phép không cần thiết, không hợp lý.

Bộ KH-ĐT sẽ chủ động, tích cực đôn đốc các bộ ngành hoàn thành việc rà soát nhằm bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung các điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trái với Luật đầu tư.

Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát hiện giấy phép bất hợp lý và kiến nghị giải pháp xử lý. Đề nghị doanh nghiệp kịp thời phản ảnh với chúng tôi những bất cập, không hợp lý của các giấy phép.

Kiểm soát nợ công, không tăng thu bằng mọi giá

* Có đề xuất tăng nợ công, quan điểm của ông thế nào về điều này? Một số chuyên gia cho rằng có xu hướng ngấm ngầm tăng thuế, để tăng thu (như đã tăng thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài...)?

- Với vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh sự phát triển của đất nước, Bộ KH-ĐT phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các cân đối vĩ mô, trong đó có cân đối về nợ công. Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ quản lý chặt chẽ các nguồn nợ công của Chính phủ, của quốc gia.

Nó phải trong giới hạn an toàn, bảo đảm khả năng chi trả và quan trọng hơn là phải sử dụng và đầu tư có hiệu quả. Quan điểm chung là không sử dụng các khoản vay nợ cho chi thường xuyên. Nợ công chỉ sử dụng để đầu tư các dự án thực sự hiệu quả, hạn chế tối đa các khoản nợ công của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và chiến lược vay trả nợ đến năm 2020, hiện Chính phủ chưa có đề xuất tăng nợ công trong giai đoạn 5 năm tới.

Chính phủ cũng không có chính sách tăng thu bằng mọi giá để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước. Các chính sách tài khóa của chúng ta phải xây dựng tỉ lệ huy động nguồn thu hợp lý để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và nuôi dưỡng nguồn thu.

Tin bài liên quan