Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Tân Bộ trưởng Y tế và những việc cần làm ngay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với báo chí sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phải bảo vệ thành quả chống dịch, sau đó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hoàn thiện hành lang pháp luật trong lĩnh vực Y tế...

Chiều 21/10, với 434/458 đại biểu tán thành Nghị quyết của Quốc hội, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ y tế, đại biểu Quốc hội khoá XV đã chính thức được bổ nhiệm trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phát biểu những lời đầu tiên với báo chí sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng nói nhiều về những việc mà cá nhân bà và ngành Y tế phải làm trong thời gian tới.

Nhiều nhiệm vụ phải làm

Cụ thể bà Lan nói rằng, trong ba tháng giữ cương vị quyền Bộ trưởng Y tế, bà đã cùng với toàn ngành xác định trong thời gian tới có nhiều việc phải làm.

"Để vượt qua thách thức mà ngành đang phải đối mặt, chúng tôi phải xác định được những nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là phải bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19 mà rất vất vả, toàn Đảng toàn dân mới có được cuộc sống bình an cho người dân", tân Bộ trưởng chia sẻ.

Nhiệm vụ tiếp theo, Bộ trưởng trăn trở phải làm sao nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân; đồng thời cho biết thời gian qua đã rà soát những gì làm được và những gì hạn chế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, thể chế trong hệ thống y tế.

Bộ Y tế cũng vừa trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp luật trong lĩnh vực Y tế, phục vụ công tác cho ý kiến về Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh Luật Bảo hiểm y tế theo hướng mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các luật và văn bản pháp luật khác liên quan đến ngành Y cũng đang được tập trung rà soát.

Chiều 21/10, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan (Ảnh: Quochoi.vn).

Chiều 21/10, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời câu hỏi của các phóng viên: "Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề nóng, Bộ trưởng đánh giá thế nào và Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?"

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: "Chúng tôi cũng tập trung giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trong những tháng vừa qua. Bộ Y tế cũng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong lần sửa Luật Đấu thầu lần này".

Giải pháp trước mắt là ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép lưu hành thuốc, các phương tiện kỹ thuật, vật tư… thì chúng tôi cùng với các địa phương, bệnh viện tháo gỡ khó khăn. Bộ đã làm việc với các địa phương và có các văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

"Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ mua sắm tập trung và đàm phán giá thuốc ra thì Bộ cũng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, rà soát các văn bản chưa phù hợp để điều chỉnh cho kịp thời", bà Lan nói.

Bộ Y tế thấy rằng, về lâu dài phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ các vấn đề liên quan đến Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Giá, rồi các nghị định… để tháo gỡ căn cơ. Để không chỉ sau Covid-19 mà còn trong tương lai, chúng ta có hành lang pháp lý vững chắc để giải quyết vấn đề này.

Chúng tôi cũng đang tập trung tổng kết Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội. Nghị quyết này cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền.

Tháo gỡ khó khăn nhờ nhận diện đúng vấn đề của ngành

Khi được hỏi quan điểm về làn sóng cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc hoặc chuyển ra ngoài khu vực y tế tư nhân khiến dư luận lo ngại, Bộ trưởng ghi nhận có tình trạng này và nói rằng, sau một thời gian chống dịch kéo dài, nhân viên y tế phải làm việc liên tục, nhiều người không có ngày nghỉ… Khi dịch cơ bản được kiểm soát thì nhiều người cảm thấy áp lực, một phần do chế độ đãi ngộ, phụ cấp… chưa bảo đảm nhu cầu.

Để tập trung khắc phục tình trạng này, bà Lan cho biết, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ cải thiện chế độ tiền lương cho nhân viên ngành y tế.

"Trước mắt, Bộ sẽ trình Nghị định 56 sửa đổi về phụ cấp đối với y tế dự phòng, y tế cơ sở".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Đến thời điểm này, Nghị định về vấn đề phụ cấp cho cán bộ y tế cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định, tới đây sẽ trình Chính phủ. Đây cũng là bước động viên của Đảng và Nhà nước tới cán bộ y tế, nhất là cấp cơ sở, là tuyến đầu trong chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27/2019 của Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ cũng sẽ có những đề xuất phù hợp. Bộ Y tế mong muốn có các chính sách bảo đảm được nhân lực ngành y tế trong dài hạn cũng như cần một cơ chế tài chính cho ngành y tế. Ngành y cần một loạt các giải pháp đồng bộ để giải quyết được các vấn đề của mình.

Trả lời câu hỏi: "Có ý kiến băn khoăn về việc Bộ trưởng không có chuyên môn về ngành Y, cá nhân bà thấy thế nào?"

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm, đối với một người ngoài ngành về với Bộ thì quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề. Nhận diện được vấn đề khó khăn đó là gì, thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước hay việc tổ chức thực hiện, vấn đề chuyên môn hay quản lý để từ đó có những giải pháp phù hợp.

"Một trong những nguyên nhân cán bộ ngành Y rời bỏ công việc, nhất là ở những nơi có mức sống cao lại càng có tỉ lệ bỏ việc nhiều hơn ở vùng nông thôn là do là mức sống không đủ.

Ngoài lương, chế độ đãi ngộ, cán bộ y tế cần môi trường để cống hiến, phát triển, điều kiện được học tập... Đôi khi người ta bỏ việc không phải vì lương mà vì môi trường làm việc".

(PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH đoàn Thái Nguyên)

Hiện nay cũng có một số bộc lộ trong triển khai nhiệm vụ quản lý, tôi cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ cố gắng tháo gỡ khó khăn từng vấn đề.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, ngành y tế không đơn độc, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ rất trách nhiệm, với sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành để hỗ trợ cho ngành y tế phục hồi, phát triển.

Bản thân ngành Y xác định được vai trò, trách nhiệm và trách nhiệm của bản thân khi Đảng, Nhà nước phân công và sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ với một tinh thần quyết tâm cao nhất.

"Trong thời gian vừa qua, về vấn đề chuyên môn chúng tôi cũng rất tin tưởng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; cán bộ cấp cục, vụ, viện của ngành y tế; đội ngũ lãnh đạo các bệnh viện; đội ngũ chuyên môn, chuyên gia của chúng tôi cũng rất giỏi, chúng tôi rất tự hào", bà Lan nói.

Bà Lan tin rằng, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm chung của tập thể đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần dần được tháo gỡ.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rằng, đến thời điểm này, có thể những khó khăn của ngành y tế đã được ngành và Chính phủ xác định rất rõ.

Khi Thủ tướng xuống làm việc với ngành Y tế gần đây cũng đã xác định 14 nhóm vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi thì các vấn đề sẽ luôn xuất hiện. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới đây.

Bà Đào Hồng Lan sinh ngày 23/7/1971; Quê quán: xã Tam Kỳ, huyện Kinh Thành, tỉnh Hải Dương. Bà là Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Quản lý sản xuất kinh doanh công nghiệp.

Quá trình công tác, bà Đào Hồng Lan đã kinh qua nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh; Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 21/10/2022, tại Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, bà Đào Hồng Lan được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin bài liên quan