Thực hiện thông lệ quản trị DN tốt sẽ làm tăng giá trị công ty từ 10-12%.

Thực hiện thông lệ quản trị DN tốt sẽ làm tăng giá trị công ty từ 10-12%.

Tăng giá trị công ty nhờ quản trị

(ĐTCK-online)Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), khuôn khổ về quản trị công ty của Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu, rất ít công ty áp dụng được các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến. Nhưng để tìm kiếm một mô hình quản trị DN phù hợp với hoạt động của mình là điều không dễ với DN Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc hội thảo "Quản trị công ty - xây dựng giá trị cho cổ đông, người lao động, khách hàng và cộng đồng" vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp với Vietnam Holding tổ chức cho thấy, lãnh đạo nhiều DN có tiếng ở Việt Nam vẫn đang phải đi tìm câu trả lời về các vấn đề về quản trị như: giải quyết xung đột quyền lợi giữa HĐQT và ban điều hành, giữa các bộ phận cổ đông, bảo vệ cổ đông nhỏ…

 

Tìm mô hình chuẩn

Theo GS. Martin Hilb, Trường đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), qua nghiên cứu 17 vụ scandal lớn về quản trị trên thế giới thì có thể rút ra các điểm chung, đó là đại đa số xuất phát từ vấn đề con người, các công ty đã thiếu sự điều chỉnh với hoàn cảnh từng địa phương; ban giám sát thiếu định hướng chiến lược, thiếu giám sát và đánh giá có tầm chiến lược; và cuối cùng là có quá nhiều sự tận dụng tối đa trong việc tuyển dụng, tổ chức, rà soát, chế độ thưởng và phát triển các tiểu ban.

Cũng theo GS. Martin Hilb, không có một mô hình quản trị giống nhau giữa các công ty khác nhau. Về thông lệ quản trị công ty tốt nhất cũng có sự phân biệt giữa công ty niêm yết và chưa niêm yết, công ty lớn và nhỏ, công ty nhà nước và công ty gia đình, quản trị ngân hàng và quản trị dịch vụ,…

Trên thế giới, nhiều nước có những mô hình quản trị tốt như Mỹ, Anh, Hà Lan, Singapore,… đây là những mô hình mà DN Việt Nam cần phải tham khảo. Nhưng lưu ý, mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm, chẳng hạn ở Mỹ mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc là khá phổ biến nhưng điều này chỉ phù hợp khi nội bộ HĐQT và công ty có sự thống nhất cao. Một số công ty áp dụng mô hình này nhưng lại có một ủy ban giám sát độc lập nhằm tránh sự lạm quyền của người đứng đầu. Ngoài ra, còn có một số mô hình khác như: CEO là người đi thuê và không nắm giữ cổ phần hoặc CEO là người có chân trong HĐQT,…

Theo GS. Martin Hilb, tại Việt Nam cũng có những điểm rất hay trong quản trị, chẳng hạn ban lãnh đạo công ty có một giám đốc là nam, thì thường có một nữ trong số các phó giám đốc. Đây là điểm rất quan trọng giúp điều hòa quan hệ giữa người lao động và còn là nét văn hóa trong quản trị DN.

"Có nhiều thông lệ quản trị tốt, nhưng đối với DN Việt Nam thì nguyên tắc về quản trị DN của khối OECD là phù hợp hơn, một nền tảng quan trọng của nguyên tắc quản trị này là hướng tới cổ đông chứ không phải dựa trên cổ đông", GS. Martin Hilb nói.

 

Tăng giá trị nhờ quản trị

Qua phát biểu của các đại diện tham gia hội thảo thì khá nhiều DN đang mắc phải một số vấn đề, chẳng hạn như mối quan hệ giữa HĐQT và ban lãnh đạo không rạch ròi dẫn đến chồng lấn hoặc mâu thuẫn giữa 2 bộ phận, vấn đề quản trị nguồn nhân lực và quản trị tài chính, yêu cầu đảm bảo quyền lợi cổ đông nhỏ, vấn đề cử đại diện trong đầu tư chéo (đầu tư tài chính) giữa các DN, xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu minh bạch thông tin của DN niêm yết với yêu cầu bảo mật thông tin trong kinh doanh…

Theo GS. Martin Hilb, các vấn đề này đều có thể giải quyết, chẳng hạn như sử dụng hệ thống điện tử trong thu nhận ý kiến cũng như biểu quyết của cổ đông nhỏ khi không thể tham gia ĐHCĐ; trong việc cử người đại diện vốn vào các công ty cũng cần lưu ý không nên đầu tư quá lớn vào ngành, nghề mà công ty không có kinh nghiệm hoặc phải thuê người có kinh nghiệm đại diện vốn góp tại DN mà mình đầu tư.

Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, hệ thống quản trị DN tốt sẽ thúc đẩy mọi hoạt động của công ty, tăng cường khả năng tiếp cận của công ty với các nguồn vốn bên ngoài ở mức chi phí thấp hơn, giúp công ty tăng cường giá trị, quản lý tốt rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư và duy trì phát triển ổn định.

Trích các nghiên cứu có uy tín trên thế giới, ông Lai cho biết, nếu áp dụng và thực hiện thông lệ quản trị DN tốt sẽ làm tăng giá trị công ty lên từ 10 -12%, các công ty hàng đầu về quản trị DN có tỷ suất lợi nhuận cao gấp 2 lần mức lợi nhuận bình quân và gấp 5 lần so với các công ty có tiêu chuẩn quản trị DN thấp.

Cũng theo ông Lai, trong phạm vi của mình, hiện SCIC đang tổ chức đấu thầu thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng điều lệ, chiến lược hoạt động, quy trình quản trị DN…, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2008. Sau khi hoàn thành, khuôn khổ quản trị DN theo thông lệ tốt nhất sẽ được áp dụng tại SCIC để rút kinh nghiệm trước khi triển khai tại các DN có vốn góp của SCIC (khoảng 1.000 DN tính đến cuối 2007).