Tăng giám sát để thị trường bền vững

(ĐTCK-online) Chiều qua 1/8, UBCKNN đã có buổi gặp mặt báo chí tổng kết tình hình hoạt động TTCK và các giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, TTCK VN đã có bước phát triển vượt trội trên nhiều phương diện cả về quy mô và chất lượng, bước sang giai đoạn mới, yêu cầu giám sát được đặt ra mạnh mẽ hơn để đảm bảo bước phát triển bền vững. ĐTCK-online ghi lại những chia sẻ của ông.

TTCK đã qua 7 năm hoạt động và trải qua không ít thăng trầm, UBCKNN nhìn nhận đâu là những thành công và những điểm còn chưa được như mong muốn?
TTCK ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng, thu hút đông đảo NĐT tham gia và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Về quy mô thị trường, cho đến thời điểm hiện tại, tổng mức vốn hoá thị trường đạt khoảng 300 ngàn tỷ đồng, chiếm 31% GDP, tăng 25 lần so với cuối năm 2005. Số lượng công ty niêm yết tăng mạnh, thị trường có sức hút lớn đối với giới đầu tư trong và ngoài nước, số tài khoản của NĐT trên 200.000 tài khoản, tăng gấp 2 lần so với năm 2006. TTCK từng bước trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, thúc đẩy CPH doanh nghiệp nhà nước và phát hành, chào bán cổ phiếu ra công chúng. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, tổng số vốn huy động qua TTCK chính thức trên các kênh đấu giá, chào bán ra công chúng đạt khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng, chiếm 6% GDP, tăng gần 4 lần so với cả năm 2006.

Thanh tra chứng khoán mạnh tay hơn

Chánh thanh tra UBCKNN Hoàng Đức Long cho biết, hiện thanh tra chứng khoán đang tiến hành điều tra các dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức giao dịch trong, ngoài nước. Thanh tra cũng đang tổng hợp các trường hợp vi phạm trên TTCK trong thời gian qua, nhấn mạnh đến hành vi vi phạm của các đối tượng để giúp các công ty chứng khoán ngăn ngừa. Các mức xử phạt sẽ được nâng cao hơn để tăng tính răn đe.

Tuy nhiên, thị trường cũng còn bộc lộ hạn chế như: biến động do cung cầu mất cân đối, có lúc thiếu cung, có lúc thiếu cầu, tâm lý NĐT cũng như tính ổn định trong cơ cấu các NĐT còn hạn chế, NĐT có tổ chức chiếm tỷ trọng thấp; hệ thống CNTT bộc lộ sự bất cập trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường; khả năng giám sát thị trường, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý thị trường còn có điểm hạn chế, chưa theo kịp diễn biến của thị trường và yêu cầu quản lý nhà nước.

 

Vừa qua, UBCKNN có nhiều quyết định xử phạt các thành viên nhưng dư luận cho rằng, mức phạt quá thấp không đủ sức răn đe. Tới đây, vấn đề này được cải thiện ra sao?

Do vướng Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính nên hiện nay mức phạt tối đa cũng chỉ là 70 triệu đồng/hành vi vi phạm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung giám sát các vấn đề như thao túng thị trường. Hiện Ủy ban đang tổ chức hai đoàn kiểm tra về tình hình đặt lệnh, tuân thủ các điều kiện hoạt động tại công ty chứng khoán, nếu có biểu hiện sai phạm sẽ phạt nặng.

 

UBCK đã triển khai nhiều biện pháp để TTCK phát triển lành mạnh, ổn định và bảo vệ được quyền lợi của NĐT. Xin ông cho biết, trong thời gian tới UBCK cần sẽ tiếp tục triển khai những công việc gì?

Việc quan trọng nhất là mở rộng quy mô để doanh nghiệp thực sự thấy được lợi ích của việc giao dịch trên TTCK. Quy mô thị trường lớn hơn sẽ thu hút được lượng vốn nước ngoài, của NĐT và của các tổ chức, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển. Do đó, có mấy điểm chúng ta phải tập trung là: thứ nhất, xử lý linh hoạt chất lượng cung cầu để ổn định cung cầu trên thị trường; thứ hai, tiếp tục quản lý, giám sát đảm bảo phát triển bền vững; thứ ba, hoạch định chính sách để thúc đẩy thị trường phát triển tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo cơ sở vật chất CNTT tốt, nhân lực chuyên nghiệp...

 

Liên quan đến vấn đề tạo thêm hàng cho thị trường, ý kiến giãn các đợt IPO của doanh nghiệp lớn đã được Bộ Tài chính và UBCKNN xem xét đến đâu, thưa ông?

Chúng tôi đã thành lập một tổ công tác để nghiên cứu đề xuất các giải pháp cho vấn đề này. Tinh thần chung là yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch IPO đăng ký thời điểm và kế hoạch dự kiến, trên cơ sở đó sẽ có những đề xuất về tiến độ hợp lý. UBCKNN cũng đang xem xét để có thể kiến nghị Bộ Tài chính cho công bố kế hoạch IPO của các doanh nghiệp lớn sau khi có ý kiến thống nhất.

 

Việc quản lý công ty đại chúng đã được luật hóa, việc quản lý khối công ty này tới đây sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Quản lý các công ty đại chúng được chia làm 2 cấp, thứ nhất là đăng ký, các công ty đại chúng sẽ phải đăng ký với UBCK, theo đó sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kiểm toán (báo cáo hàng năm), công bố thông tin, góp phần lành mạnh hoá thị trường cổ phiếu chưa niêm yết. Thứ hai là việc tạo thị trường giao dịch cho cổ phiếu của công ty đại chúng, việc này UBCK đã giao cho TTGDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng đạt hơn 600 nhưng con số thực nộp hồ sơ đến UBCK còn ít. Do đó, tới đây UBCKNN sẽ xử phạt những doanh nghiệp lớn hoặc có tính đại diện không đăng ký công ty đại chúng để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ này.

Quản lý công ty đại chúng đòi hỏi phải có thời gian bởi khối doanh nghiệp này cần có sự thấu hiểu chung về các quy định pháp luật, làm quen với các chuẩn mực về quản trị, công bố thông tin, còn phía cơ quan quản lý cũng cần có thêm nhân lực để thực hiện yêu cầu này.


Nhiều công ty chứng khoán ra đời trong bối cảnh thị trường còn nhỏ dẫn tới cuộc cạnh tranh hạ phí giao dịch. UBCKNN sẽ có biện pháp gì để môi trường cạnh tranh giữa các CTCK được lành mạnh?

Chúng tôi sẽ quy định mức phí giao dịch trần và sàn. Thị trường của mình chưa ổn định như các nước nên vẫn cần một khung như vậy để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.