Tăng lãi suất chỉ đạo, thị trường không đổi!

Tăng lãi suất chỉ đạo, thị trường không đổi!

(ĐTCK-online) Ngay sau khi tăng dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại vừa có sự điều chỉnh ba loại lãi suất chỉ đạo của mình là lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Việc tăng lãi suất này được ví như một sự "tăng đuổi" với mục đích từng bước thiết lập mối quan hệ hợp lý giữa các mức lãi suất điều hành của NHNN với lãi suất thị trường, nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của công cụ lãi suất.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các ngân hàng, động thái trên không có nhiều ý nghĩa để tác động tới lãi suất thị trường. Đơn thuần chỉ là "hợp lý hóa" cơ cấu các loại lãi suất hiện nay.

Tăng như không tăng

Theo Quyết định 305 và 306/QĐ-NHNN có hiệu lực từ 1/2/2008, lãi suất cơ bản được tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm. Theo giải thích của NHNN, lãi suất cơ bản hiện đang thấp hơn lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng; lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu thấp hơn lãi suất thị trường liên ngân hàng là chưa phù hợp với yêu cầu điều tiết và kiểm soát tiền tệ một cách chặt chẽ.

Đây có thể coi là một lý do điều chỉnh, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa là "đánh tín hiệu" cho các ngân hàng thương mại về chủ chương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

Mặc dù vậy, theo giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất chỉ đạo có tăng nhưng chỉ có tính "hình thức". Về lý thuyết, lãi suất cơ bản phản ánh lãi suất cho vay tốt nhất của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng, nhưng đã từ lâu các ngân hàng thương mại (NHTM) không còn coi đó như một lãi suất định hướng do không phản ánh đúng tình hình cung-cầu trên thị trường.

"Hiện nay, lãi suất cho vay thấp nhất cũng khoảng 10%/năm do vậy lãi suất cơ bản dù đã tăng vẫn chưa phản ánh đúng lãi suất trên thị trường".

Còn việc tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, vị giám đốc này bình luận rằng hai kênh trên dường như chỉ áp dụng cho các NHTM quốc doanh. "Từ khi thành lập tới nay, chúng tôi chưa từng vay được vốn của NHNN qua kênh tái cấp vốn, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Với các NHTM cổ phần, tăng hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì."

Còn theo một vị lãnh đạo NHTM quốc doanh, với kênh vay vốn qua kênh chiết khấu và tái cấp vốn, mỗi ngân hàng chỉ được cấp một "quota" nhất định trong từng quý và thường không lớn, do vậy việc NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu hầu như không ảnh hưởng gì tới hoạt động của các ngân hàng.

Ba loại lãi suất chỉ đạo của NHNN từ 2003 đến nay Lãi suất liên ngân hàng từ tháng 6/2007 đến nay Ba loại lãi suất chỉ đạo của NHNN từ 2003 đến nay Lãi suất liên ngân hàng từ tháng 6/2007 đến nay

Ba loại lãi suất chỉ đạo của NHNN từ 2003 đến nay

Lãi suất liên ngân hàng từ tháng 6/2007 đến nay

Hướng vào lạm phát

Một quan chức NHNN cho biết, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu của NHNN trong năm 2008 và việc nâng các mức lãi suất chỉ là một trong những bước đi của NHNN nhằm hướng tới mục tiêu này.

Prakrity Sofat, chuyên gia nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á của Ngân hàng HSBC nhận định, việc tăng ba loại lãi suất là một thể hiện tích cực của NHNN trong việc quản lý lạm phát một cách chủ động chứ không chỉ theo hướng "tỷ lệ lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế'.

Tháng trước, NHNN quyết định tăng mức dự trữ bắt buộc áp dụng cho các NHTM có hiệu lực từ 1/2/2008. Theo vị quan chức NHNN, có thể sau Tết Nguyên đán, NHNN sẽ lại tăng dự trữ bắt buộc và có thêm các biện pháp thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế tỷ lệ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vốn đã tăng thêm 2,38% trong tháng 1/2008 qua đó đưa tỷ lệ tăng CPI so với cùng kỳ năm trước (1/2007) lên mức 14,1%, cao nhất từ năm 1995.