Tăng lương tối thiểu: Ai được lợi?

Tăng lương tối thiểu: Ai được lợi?

(ĐTCK-online) Trong khi công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa đưa ra phụ lục bổ sung bản Điều tra tiền lương 2007 với dự báo từ nay tới cuối năm, mức lương sẽ tăng trung bình khoảng 12% so với hiện nay thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp báo thông báo về mức lương tối thiểu (LTT) thực hiện trong các doanh nghiệp (DN) dự kiến tăng vào ngày 1/1/2008. Bên cạnh đó, theo Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008 - 2012, việc tăng LTT sẽ được tiến hành định kỳ vào tháng 1 hàng năm từ nay cho tới năm 2012, khi các loại hình DN có chung một mức LTT.

LTT tăng bao nhiêu?

Theo thông báo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức LTT trong khối DN trong nước sẽ tăng từ 20 - 38% và DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) sẽ tăng từ 13 - 15%. Tuy nhiên, tại lần điều chỉnh LTT này, khu vực DN trong nước không có sự tăng đồng đều như trước đây, mà mức độ tăng được chia theo vùng. Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do giá cả sinh hoạt, điều kiện sống tại các vùng là khác nhau nên lần tăng này để đảm bảo đời sống cho người lao động, Chính phủ cũng chia LTT thành 3 vùng khác nhau (như cách làm với LTT khu vực DN FDI trước đây).

Cụ thể, vùng có mức LTT cao nhất và tốc độ tăng nhanh nhất là các quận thuộc TP. Hà Nội và TP. HCM tăng từ 450.000 đồng/tháng như hiện nay lên 620.000 đồng/tháng. Vùng 2 bao gồm các huyện thuộc TP. Hà Nội, TP. HCM, các quận thuộc TP. Hải Phòng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh), TP. Biên Hoà (Đồng Nai), TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Di An, Bến Cát và Tân Uyên (Bình Dương) sẽ có mức LTT là 580.000 đồng/tháng. DN thuộc các vùng còn lại của cả nước sẽ có mức LTT là 540.000 đồng/tháng. Đối với DN FDI, mức tăng dự kiến của vùng 1 sẽ từ 870.000 đồng/tháng như hiện nay lên 1 triệu đồng/tháng, vùng 2 từ 790.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng/tháng và vùng 3 tăng từ 720.000 đồng/tháng lên 800.000 đồng/tháng.

Trao đổi với ĐTCK về khả năng chi trả của DN, ông Huân cho biết, qua các cuộc điều tra về tiền lương, tiền công đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cho thấy, hầu hết DN đang thực trả cho người lao động mức tiền công cao hơn mức LTT. Do vậy, lần điều chỉnh này sẽ không có tác động lớn tới việc gia tăng chi phí đầu vào của DN. Tuy nhiên, do mức LTT tăng nên DN sẽ phải tăng thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

 

Thu nhập sẽ tăng?

Câu trả lời của ông Huân cũng ngầm nghĩa, Chính phủ điều chỉnh LTT không đồng nhất với việc thu nhập của người lao động sẽ tăng. Bởi theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng hơn 6 triệu lao động đang làm việc trong các DN, trong đó có hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong các DN FDI, 3 triệu lao động trong các DN tư nhân, cổ phần và 2 triệu lao động trong các DNNN. Khi LTT tăng lên với mức như trên chưa chắc đã đạt tới mức lương DN đang thực trả cho người lao động. Bởi vậy, việc DN có điều chỉnh thu nhập cho người lao động tăng theo LTT hay không còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của các DN. Phân tích từ ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, thu nhập hiện nay của người lao động trong các DN thường được tính theo cách: LTT+ A hoặc LTT x A. Trong đó, LTT do Nhà nước quy định và số A do DN tự quyết định. Chỉ trong DNNN thì số A mới do Nhà nước quyết định. Do vậy, dễ nhìn thấy nhất là 2 triệu lao động làm việc trong DNNN sẽ chắc chắn được hưởng lợi từ chính sách tăng LTT.

Còn lại, không phải tất cả hơn 4 triệu lao động đang làm việc trong khu vực thị trường (bao gồm DN cổ phần, tư nhân, FDI) và nhận mức lương do thị trường điều tiết đều được tăng thu nhập từ chính sách tăng LTT lần này. Theo ông Cường, mức lương của khu vực thị trường thường dựa vào thương lượng giữa người lao động và DN trên khả năng chi trả, mức độ thu hút nhân tài và quy luật cung - cầu lao động… Nếu ở ngành nghề nào đó lao động đang khan hiếm, đương nhiên DN buộc phải chi mức lương cao hơn mới có được lao động.

Theo thông tin riêng từ ĐTCK, vừa bước vào thời kỳ cao điểm đình công cuối năm, số vụ đình công đã tương đương với số vụ trong năm 2006 và 90% số vụ có nguyên nhân từ việc đòi tăng lương của người lao động.