Tại Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư chứng khoán chưa quan tâm tới ESG

Tại Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư chứng khoán chưa quan tâm tới ESG

“Tăng xanh” cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, phần lớn nhà đầu tư Việt Nam ưu tiên cho mục tiêu gia tăng lợi nhuận ngắn hạn, mà chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình đầu tư của mình.

ESG chỉ là yếu tố “cân nhắc”

Nhà đầu tư Lê Trang chia sẻ, khi đầu tư chứng khoán, điều mà nhà đầu tư này quan tâm nhất là khả năng sinh lời của cổ phiếu, còn yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hay phát triển bền vững không nằm trong tiêu chí khi chọn mua cổ phiếu.

“ESG là vấn đề đang được thị trường quan tâm và phù hợp với nhà đầu tư tổ chức có thời gian đầu tư dài. Còn các nhà đầu tư cá nhân thường đầu tư ngắn hạn nên chủ yếu tập trung vào việc tối ưu hóa lợi nhuận nên ưu tiên các tiêu chí khác như tính thanh khoản, khả năng tăng giá của cổ phiếu…, mà không quan tâm nhiều tới việc tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình đầu tư của mình”, nhà đầu tư này nói.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện nay, phần lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với tâm lý đầu cơ ngắn hạn là phổ biến, do đó, đa số chưa có khái niệm về ESG để áp dụng vào việc lựa chọn cổ phiếu.

“Quan tâm đến ESG ở Việt Nam có lẽ chỉ có nhà đầu tư tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân thì rất ít”, ông Huân nói.

Lợi ích của các công ty theo đuổi ESG là có thể đối mặt với ít rủi ro hơn liên quan tới thay đổi khí hậu, quản lý rủi ro xã hội và chuỗi cung ứng bền vững.

Lý giải cho thực trạng này, ông Huân cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ trình độ của nhà đầu tư, sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như mức độ giàu có của một quốc gia.

Ông Huân cho biết, ở các quốc gia phát triển, sau khi đạt đến độ giàu có nhất định về mặt kinh tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân quan tâm nhiều hơn đến yếu tố môi trường cùng trách nhiệm xã hội. Họ thay đổi tư duy và hành vi tiêu dùng như không sử dụng túi nilong, giảm phát thải, đánh thuế các-bon… và các nhà đầu tư chứng khoán không đứng ngoài xu hướng này nên các khoản đầu tư, dòng vốn của họ cũng phải hướng đến ESG.

Trong khi đó, khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam và các nước phát triển còn lớn. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức “ăn no, mặc đủ”, hầu hết người dân chưa quan tâm nhiều đến môi trường, nhà đầu tư chưa thực sự tư duy việc đầu tư giá trị bền vững, chưa kể một số nhà đầu tư không đủ thông tin hoặc hiểu biết về ESG và các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tự nâng cao ý thức hoặc chưa đủ điều kiện để áp dụng ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Trải qua khó khăn kéo dài do dịch bệnh Covid-19, “sức khoẻ” nhiều doanh nghiệp đã sa sút, chưa kịp hồi phục thì tiếp tục bước vào giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước khiến nội lực kiệt quệ. Do đó, mục tiêu trước mắt của nhiều doanh nghiệp lúc này là tìm cách sống sót, ưu tiên cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo ra lợi nhuận, còn cuộc chơi phát triển bền vững đòi hỏi chi phí lớn và tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp đã niêm yết, áp lực từ cổ đông và thị trường có thể đặt ra yêu cầu về lợi nhuận ngắn hạn và chia cổ tức hàng năm. Điều này cũng góp phần khiến doanh nghiệp phải tập trung vào mục tiêu ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn như ESG.

Ở khía cạnh còn lại, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mức độ quan tâm của nhóm đối tượng này đối với ESG được chỉ ra là rất thấp do chưa nhận thức rõ ràng về lợi ích và giá trị dài hạn của ESG. Cộng với tiềm lực tài chính hạn hẹp, việc đầu tư vào các biện pháp bền vững (từ thay đổi hệ thống sản xuất, chuỗi cung ứng, và quy trình kinh doanh…) cũng trở nên khó khăn hơn ngay từ những bước đầu tiên.

Khó đi ngược xu hướng

Theo khảo sát công cụ điều hướng thị trường ESG do Bloomberg công bố, được tiến hành với sự tham gia của 250 giám đốc điều hành và 250 nhà đầu tư cấp cao từ khắp nơi trên thế giới, có tới 85% nhà đầu tư và công ty được khảo sát có kế hoạch tăng cường đầu tư vào ESG trong 5 năm tới, bất chấp những rủi ro địa chính trị và lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của thế giới.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư quốc tế đều chung quan điểm ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Đây được coi là những dòng vốn xanh mà những doanh nghiệp hay các dự án không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ khó tiếp cận.

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng có bộ chỉ số phát triển bền vững (VNSI) nhằm xác định tiêu chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư.

Đơn cử, trong 10 khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 45,8% giá trị tài sản ròng của Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC) thuộc Dragon Capital trong tháng 9/2023, có tới 7 cổ phiếu nằm trong rổ 20 cổ phiếu có VNSI cao nhất trên HOSE gồm FPT, PNJ, VCB, MWG, VPB, MBB và VNM. Tương tự, VinaCapital cũng đầu tư vào 6/10 cổ phiếu hàng đầu trong rổ VNSI.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, nhà đầu tư cần nhìn nhận từ hậu quả “đến sớm” của nhiều doanh nghiệp khi không quan tâm đến ESG. Đơn cử như ngành dệt may, Bangladesh đã sớm chuyển đổi xanh và xuất khẩu được sang các nước châu Âu, trong khi Việt Nam còn tương đối chậm chạp trong vấn đề này nên cơ hội xuất khẩu sang các thị trường quan trọng bị hạn chế.

Ông Huân cũng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) mới cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam 50 tỷ USD dưới dạng vốn ODA để thực hiện Net Zero đến năm 2050, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… cũng đang chuẩn bị một lượng vốn tương ứng để hỗ trợ cho Việt Nam phát triển ESG, cho nên EU sẽ phải nâng các chuẩn mực với hàng nhập khẩu từ trong nước. Do đó, nếu như trước đây các sản phẩm chỉ cần đảm bảo yếu tố sạch và an toàn thì hiện tại phải thân thiện với môi trường mới vào được thị trường này.

“Nếu nhà đầu tư chỉ bỏ tiền vào những doanh nghiệp phát triển bằng mọi giá, không quan tâm đến môi trường thì đến một ngày những doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng, dễ thấy nhất là việc thu hẹp thị trường xuất khẩu, nên phải xác định đầu tư vào ESG là xu hướng không thể đảo ngược”, ông Huân nhấn mạnh.

Trong khi đó, lợi ích của các công ty theo đuổi ESG là có thể đối mặt với ít rủi ro hơn liên quan tới thay đổi khí hậu, quản lý rủi ro xã hội và chuỗi cung ứng bền vững. Điều này cũng góp phần giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ gặp các vấn đề tài chính đột ngột, dễ dàng tiếp cận các dòng vốn xanh và bảo vệ cổ đông tốt hơn.

“Trong thời đại ngày nay, việc nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố ESG của doanh nghiệp không chỉ là một xu hướng, mà còn là một chiến lược thông minh. Các yếu tố ESG không chỉ làm tăng giá trị cổ phiếu, mà còn phản ánh cam kết của doanh nghiệp đối với bền vững và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, việc chú ý đến ESG còn giúp nhà đầu tư đảm bảo đang bỏ vốn vào các doanh nghiệp có triển vọng và quản lý tốt. Đây cũng là một tiêu chí tôi đưa ra khi lựa chọn cổ phiếu dài hạn.

Theo tôi, những doanh nghiệp quan tâm đến môi trường thường có khả năng ứng phó tốt với các thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Hay các chính sách liên quan đến an toàn lao động, đa dạng và bình đẳng… sẽ giúp doanh nghiệp dễ đạt được sự ủng hộ từ các cổ đông, nhà đầu tư và cũng thuận lợi hơn trong việc hợp tác với các đối tác lớn nước ngoài. Bên cạnh đó, quản trị cũng là một yếu tố nhà đầu tư cần chú ý khi đầu tư vào doanh nghiệp, bởi quản trị hiệu quả, minh bạch sẽ giúp đảm bảo doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Nhìn chung, việc đưa ESG vào lựa chọn cổ phiếu giúp tôi định hình lại danh mục đầu tư của mình và ưu tiên những doanh nghiệp thực sự tiềm năng. Tôi tin là dù thị trường có biến động hay kinh tế bất ổn đến đâu, các cổ phiếu này vẫn sẽ có sức sống tốt hơn các cổ phiếu khác”

Nhà đầu tư Mạnh Duy (TP.HCM)

Tin bài liên quan