Khu công nghiệp Gián Khẩu là khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Khu công nghiệp Gián Khẩu là khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón “đại bàng”

0:00 / 0:00
0:00
Với khát vọng đưa kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, huyện Gia Viễn tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn, “trải chiếu hoa đón nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Sức hút từ trung tâm công nghiệp

Gia Viễn là cửa ngõ trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, cách TP. Ninh Bình 20 km, cách Hà Nội 70 km. Phía Bắc giáp với huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) và huyện Thanh Liêm (Hà Nam); phía Tây và Nam giáp huyện Nho Quan; phía Đông giáp huyện Hoa Lư và huyện Ý Yên (Nam Định).

Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý chiến lược, cùng sự đầu tư của tỉnh, huyện Gia Viễn đã đưa kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tốc độ tăng trưởng nhiều năm liền đạt mức cao, nhất là kết quả thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Gia Viễn có Khu công nghiệp Gián Khẩu, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong đó, Hyundai Thành Công chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động.

Huyện Gia Viễn vừa tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2024. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Bình tổ chức sự kiện này. Tại Hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu về mảnh đất, con người, các cơ chế, chính sách của địa phương. Các chuyên gia, doanh nhân cũng đóng góp ý kiến gợi mở cho huyện những định hướng chiến lược để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ…

Huyện còn có 3 cụm công nghiệp, lớn nhất là Cụm công nghiệp Gia Vân, diện tích 74,77 ha, tổng vốn đầu tư 605,02 tỷ đồng, đã hoàn thành hệ thống hạ tầng và thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó 9 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 93,32%. Cụm công nghiệp Gia Lập 39,95 ha, tổng đầu tư 250,66 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút được 4 nhà đầu tư. Cụm công nghiệp Gia Phú 50 ha, tổng đầu tư 326,6 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành hạ tầng và thu hút được 11 nhà đầu tư thứ cấp.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp tăng nhanh và hoạt động hiệu quả với 1.880 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Sức hút của Gia Viễn tiếp tục nhân lên, khi huyện có nguồn lao động dồi dào, được đào tạo; hệ thống giao thông thuận tiện, đang được nâng cấp hiện đại; có nguồn mỏ đất sét lớn và 2.218 ha núi đá vôi, là nguyên liệu quý để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng.

Sở hữu kho báu về du lịch

Tiềm năng du lịch của Gia Viễn cũng rất lớn, khi huyện sở hữu 2 khu du lịch trọng điểm là Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ở xã Gia Vân, cùng nhiều khu du lịch đang được đầu tư nâng cấp như: suối khoáng nóng Kênh Gà ở Gia Thịnh, đền Thánh Nguyễn tại Gia Thắng, chùa Địch Lộng ở Gia Thanh…

Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước, còn Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu ramsar thứ 9 của Việt Nam, diện tích 2.736 ha, thuộc 7 xã của Gia Viễn. Đây là vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại của Đồng bằng sông Hồng. Nơi đây có 1.000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn, có giá trị phát triển du lịch như hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m, được đánh giá là đẹp không kém động Hương Tích.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu ramsar thứ 9 và sở hữu 2 kỷ lục của Việt Nam

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu ramsar thứ 9 và sở hữu 2 kỷ lục của Việt Nam

Hệ sinh thái Vân Long có hơn 700 loài thực vật bậc cao và thủy sinh. Có 8 loài trong sách đỏ Việt Nam. Nơi đây sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là “Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào”.

Gia Viễn sở hữu 13 di tích cấp Quốc gia, 40 di tích lịch sử cấp tỉnh, là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Đặc biệt, đây là quê hương vua Đinh Tiên Hoàng - vị vua thống nhất đất nước, đặt nền móng cho độc lập lâu dài của dân tộc. Tại thôn Văn Bòng, xã Gia Phương có Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng từ thế kỷ XV.

Gia Viễn cũng là quê hương của thiền sư Nguyễn Minh Không - Quốc sư triều đại nhà Lý, được tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn.

Với những tiềm năng, thế mạnh và cơ chế chính sách thông thoáng, Gia Viễn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách. Năm 2023, huyện đón 1,4 triệu lượt khách, doanh thu 800 tỷ đồng. Năm 2024, Gia Viễn phấn đấu đón 2,65 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Dù vậy, du lịch Gia Viễn chưa thực sự được đánh thức, các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, chưa có nhiều chuỗi liên doanh, liên kết phát triển.

Đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp

Xác định môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, thời gian qua, cùng với thu hút đầu tư, Gia Viễn tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển.

Huyện chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đối tác có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về chính sách thuế, đất đai. Tích cực phối hợp hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng đã được quy hoạch, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục pháp lý, tiến độ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng đón dự án đầu tư.

Huyện luôn yêu cầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần sẵn sàng chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp, với 6 rõ “rõ vai, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”, tạo niềm tin môi trường thuận lợi, ổn định để Gia Viễn tiếp tục trở thành mảnh đất phát tài, phát lộc cho các nhà đầu tư.

Định kỳ vào Thứ sáu tuần cuối cùng hàng tháng, lãnh đạo huyện trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt và kịp thời giải quyết các đề xuất.

UBND huyện yêu cầu Hội Doanh nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để sớm tháo gỡ khó khăn…

Thực hiện các chủ trương của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, UBND huyện đã xây dựng cơ chế thu hút nhằm huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm như tranh, ảnh lá bồ đề, các sản phẩm thảo dược của làng nghề Sinh Dược; nón lá Gia Vượng; nghề thêu ren tại Gia Thanh; mắm tép tại thị trấn Me, Gia Thịnh, Gia Trung... Triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Về định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, ông Phạm Văn Tam nhấn mạnh, huyện tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông sản, thủy sản như chế biến sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy sản; thu hút các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, may mặc, chế biến nguyên liệu, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… hướng tới xuất khẩu.

Thu hút các dự án du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, sản phẩm du lịch… Gia Viễn sẽ hoàn thiện các khu du lịch trọng điểm: chùa Bái Đính, động Thung Lau - Thung Lá, tuyến Kênh Gà - Vân Trình và tiếp tục phát triển một số sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách như du lịch sông nước, du lịch cộng đồng... nhằm thu hút đầu tư và du khách đến với địa phương.

Kết nối các khu, tuyến du lịch của Gia Viễn với các khu du lịch, điểm du lịch cấp vùng của các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam…), từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Tin bài liên quan