TCM ước tính vượt trên 31% kế hoạch lợi nhuận

TCM ước tính vượt trên 31% kế hoạch lợi nhuận

TCM ước vượt trên 31% kế hoạch lợi nhuận

(ĐTCK) Ông Trần Như Tùng, Giám đốc chiến lược CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, trong tháng 10, TCM lãi ròng 16 tỷ đồng, nâng số lãi lũy kế trong 10 tháng đầu năm lên 108 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch cả năm.

Sở dĩ TCM đạt được kết quả khả quan như vậy là nhờ kiểm soát được rủi ro trong việc mua bông nguyên liệu giá cao, khi điều chỉnh tỷ lệ mua bông theo hướng dành 30% trên thị trường giao sau và 70% trên thị trường giao ngay (tỷ lệ này trước đây là 80:20).

Bên cạnh đó, TCM cũng linh hoạt thay đổi các kỳ hạn hợp đồng cho phù hợp với điều kiện thị trường tại từng thời điểm. Hiện giá bông nguyên liệu đã giảm nhiều và khá ổn định, cộng thêm quý IV là mùa kinh doanh cao điểm nên TCM có thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tốt trong năm nay.

Cụ thể, TCM ước tính đạt 1.587 tỷ đồng doanh thu; 118,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 31,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm đặt ra là 90,34 tỷ đồng. Với kết quả này, TCM đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2014 với doanh thu 2.823 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 164,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TCM vẫn có thể gặp rủi ro về giá bông nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70% tổng chi phí nguyên vật liêu, khi nhu cầu sử dụng bông tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc hồi phục. Nếu giá bông thế giới có biến động, cộng thêm sự biến động tỷ giá sẽ tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Công ty.

Hiện tại, TCM là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP mà Việt Nam sắp gia nhập.

Đoàn đàm phán của Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực chốt lại danh mục các nguyên liệu được loại trừ khỏi quy tắc “từ khâu sợi trở đi” và cam kết sẽ hoàn tất đàm phán hoặc ít nhất đạt được một phần thỏa thuận trong năm nay.

Với lợi thế đã có dây chuyền sản xuất khép kín, TCM sẽ hưởng lợi từ TPP ngay cả khi hiệp định này chỉ được thông qua một phần. Theo đó, TCM có thể được hưởng thuế suất ưu đãi sớm hơn các doanh nghiệp khác.

Đồng thời, khi TPP có hiệu lực vào năm 2015, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ chuyển dần đơn hàng sang các đối tác đã được giảm thuế để tiết kiệm chi phí.

Đứng trước cơ hội lớn, TCM đang tích cực đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất. Cụ thể, Công ty vừa khánh thành nhà máy đan kim mới ở Hóc Môn có công suất 1,18 triệu kg vải và 1,26 triệu chiếc bo cổ/năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 1,6 triệu USD.

Ngoài ra, TCM cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy may mới tại Khu công nghiệp Vĩnh Long với vốn đầu tư dự kiến 6 triệu USD và tiếp tục tìm mua lại một cơ sở  may, để nâng công suất khâu may lên 17 triệu sản phẩm/năm.