Techcombank - một địa chỉ tin cậy của khách hàng đến giao dịch

Techcombank - một địa chỉ tin cậy của khách hàng đến giao dịch

Techcombank đã sẵn sàng cho việc triển khai Basel II

(ĐTCK) Là một trong 10 ngân hàng đầu tiên được lựa chọn triển khai Basel II theo phương pháp cơ bản vào năm 2015 và phương pháp tiên tiến vào năm 2018, Techcombank đã có những kế hoạch cũng như bước đi cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Basel II.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Quyền tổng giám đốc Techcombank chia sẻ: “Việc xây dựng một mô hình quản trị rủi ro phù hợp với tiêu chuẩn của Basel II đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ mức độ cam kết của lãnh đạo ngân hàng, hệ thống cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa với nền tảng công nghệ tốt, đặc biệt là nhân viên ngân hàng có nhận thức tốt về phòng ngừa rủi ro… Tất cả những lĩnh vực quan trọng đều đòi hỏi đầu tư về con người, về hệ thống và phải mất thời gian dài để xây dựng so với mức quy mô, khung quản trị rủi ro và thông lệ hiện tại của hầu hết các ngân hàng Việt Nam".

Bản thân Techcombank đã sẵn sàng áp dụng Basel II do đã có những bước đi cụ thể nhằm chuẩn bị tốt nền tảng từ trước. Ngay từ năm 2000, Techcombank đã đầu tư hệ thống ngân hàng lõi T24 của Thụy Sĩ và tiếp tục nâng cấp cho đến nay. Hệ thống dữ liệu khách hàng cũng như hệ thống kế toán và cơ sở dữ liệu của ngân hàng này được khẳng định đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Từ năm 2009, Techcombank đã thuê nhà tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey tái cấu trúc hệ thống, đồng thời đối tác chiến lược HSBC đã hỗ trợ rất tích cực trong nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro. Với sự hỗ trợ đó, Techcombank đã đưa khung quản trị rủi ro theo mô hình "3 tuyến phòng thủ" và "quản lý rủi ro toàn doanh nghiệp" vào áp dụng.

Tuyến phòng thủ thứ nhất là quản lý rủi ro tại các đơn vị trực tiếp kinh doanh như các chi nhánh, các khối kinh doanh và các đơn vị vận hành khác. Tuyến phòng thủ thứ 2 là khối quản trị rủi ro và khối tuân thủ, quản trị rủi ro hoạt động và pháp chế. Tuyến phòng thủ thứ 3 là bộ phận kiểm toán độc lập.

Khi bất kỳ rủi ro phát sinh hoặc được xác nhận đã tồn tại, tuyến phòng thủ đầu tiên sẽ đánh giá rủi ro, báo cáo theo thông tin/nhận định mới nhất và sau đó có những hành động thích hợp để hạn chế/giảm thiểu rủi ro đó. Có thể nói, tại Techcombank, tuyến phòng thủ đầu tiên là để bảo vệ Ngân hàng,

Tuyến phòng thủ thứ hai sẽ thiết lập các chính sách, khẩu vị rủi ro, quy trình, phê duyệt sản phẩm, kiểm soát và thành lập ngay các hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng kế hoạch thu nợ và quy trình hoạt động, đảm bảo nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân tham gia xuyên suốt vào quy trình tín dụng, ngay từ giai đoạn khởi tạo khoản vay, thẩm định/phê duyệt, theo dõi và kiểm soát sau vay, cảnh báo sớm, thu nợ, quản trị danh mục…

Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, “tuyến phòng thủ thứ ba trực thuộc Hội đồng quản trị nên có tính độc lập cao, giúp cho Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị về hiệu quả của tổ chức xuyên suốt hoạt động của các bộ phận kinh doanh, vận hành, quản trị rủi ro…".

Sau một thời gian áp dụng mô hình ba tuyến phòng thủ, hơn 7.000 nhân viên trong hệ thống Techcombank đã nhận thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công tác quản trị rủi ro, qua đó, dần tăng cường hoạt động tín dụng, tuân thủ và văn hóa rủi ro trong toàn tổ chức.

Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, “một yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong việc ứng dụng Basel II chính là con người. Nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố này nên từ nhiều năm nay, Techcombank đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực để duy trì và sử dụng hệ thống. Đó cũng là lý do Techcombank hình thành Văn phòng Quản lý dự án Basel (PMO) báo cáo trực tiếp lên Giám đốc Khối Quản trị rủi ro để điều phối nguồn lực triển khai Basel II”.

Có thể nói, Techcombank đã sẵn sàng cả về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc ứng dụng Basel II. Tin rằng, với sự hỗ trợ và đầu tư của Ban lãnh đạo, Ngân hàng sẽ vượt qua khó khăn để trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên đáp ứng yêu cầu Basel II của NHNN, và có thể vươn tới tiêu chuẩn cao hơn nữa của mô hình Basell III, đặc biệt, là một địa chỉ tin cậy của khách hàng đến giao dịch.

Tin bài liên quan