Tết Việt ở trời Tây

Tết Việt ở trời Tây

(ĐTCK) Với bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam, Tết Âm lịch cổ truyền dân tộc mới thực sự quan trọng và có nhiều ý nghĩa.

Đã từng đón Tết xa quê nhiều năm khi du học tại nước ngoài, nhưng năm nay là năm đầu tiên cả gia đình nhỏ của tôi được đón Tết cổ truyền dân tộc tại Mỹ với bao cảm xúc khó tả về một dịp sum họp đoàn viên.

Tết xa mà không lạ

Quyết đầu tư cho sự nghiệp học hành lấy bằng tiến sỹ của bà xã, gia đình tôi sang Mỹ từ ngày 10/9/2012. Dù phải làm quen với cuộc sống xa quê hương, song có lẽ sống trong thế giới phẳng khiến chúng ta nhanh thích nghi với môi trường mới. Năm đầu tiên tại Mỹ, gia đình tôi được hưởng không khí Giáng sinh và Tết Dương lịch ở đây khá vui vẻ. Tuy nhiên, do kinh tế Mỹ những năm gần đây khó khăn, thu nhập giảm sút, nên các hoạt động cũng kém rầm rộ hơn trước. Mặc dầu vậy, các hoạt động kỷ niệm truyền thống vẫn được duy trì như diễu hành, hòa nhạc, triển lãm tranh, các hoạt động ngoài trời...

Khác với các nước châu Âu, kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch rất dài, ở Mỹ, các cơ quan, công sở và doanh nghiệp chỉ nghỉ 2 ngày cho Giáng sinh và 1 ngày cho Tết Dương lịch. Chỉ có khối trường học, đặc biệt là cao đẳng và đại học là được nghỉ dài (khoảng 20 ngày).

Tết Việt ở trời Tây ảnh 1Nhiều hoạt động được người dân Mỹ tổ chức để chào đón Giáng sinh và năm mới

Đối với bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam , mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch không có nhiều ý nghĩa. Bà con thì vẫn tập trung làm ăn, kinh doanh để mưu sinh. Lưu học sinh có người tranh thủ về nước thăm nhà, có người đi du lịch trong phạm vi của bang hoặc qua các bang khác của Mỹ. Gia đình tôi cũng tranh thủ đi thăm quan TP. Dallas, TP. ForWorth (Bang Texas), TP. Chicago (Bang Illinois, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2012 vừa rồi) và một số địa danh ở Bang Minnesota.

Qua cách người Mỹ đón năm mới và chi tiêu cho năm mới, tôi cảm nhận sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch ở đây. Ngoài ra, người dân Mỹ có rất nhiều ngày nghỉ lễ riêng rẽ trong năm như Thanksgiving, Father's Day...

Tuy nhiên, với bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam , Tết Âm lịch cổ truyền dân tộc mới thực sự quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Cộng đồng người Việt và lưu học sinh tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán, gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau và thăm người thân giống như truyền thống ở nước nhà. Các sản vật ngày Tết như bánh chưng, giò lụa, các loại mứt tết... đều có sẵn tại các chợ châu Á ở đây. Tuy nhiên, do đón Tết Nguyên đán tại Mỹ, nên bà con vẫn phải đi làm và lưu học sinh vẫn phải đi học. Các hoạt động đón Tết chỉ có thể diễn ra vào buổi tối hoặc hai ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, do năm nay kinh tế khó khăn, nên nhiều người cho biết, Tết này chắc cũng kém vui hơn các năm trước đây.

Chưa đến Tết Âm lịch, chưa đón Tết Âm lịch tại Mỹ, song đọc thông tin báo chí ở quê nhà, gia đình tôi vẫn háo hức được tham dự các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc cùng bà con Việt kiều và lưu học sinh, để từ đó tìm cảm giác ấm áp khi Tết đến, Xuân về, dù phải đón Tết xa quê.

 

Nhìn bất động sản Mỹ nhớ về Việt Nam

Từng hoạt động nhiều năm trong ngành bất động sản tại Việt Nam , sang đây mới thấy, việc mua nhà và thuê nhà ở Mỹ rất đơn giản và thuận lợi. Tất cả phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu của mỗi gia đình để lựa chọn hình thức: mua đứt, mua trả chậm, thuê dài hạn... Trừ những người giàu có, đa phần dân Mỹ (tầng lớp trung lưu hoặc dân nghèo) lựa chọn hình thức mua trả chậm (vay ngân hàng có thế chấp tới 15 hoặc 30 năm) hoặc thuê nhà dài hạn.

Ở Mỹ, việc tìm chỗ ở rất dễ dàng và thuận tiện, bởi có nhiều website giới thiệu và được đăng quảng cáo trên báo. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cẩn trọng khi tìm hiểu căn nhà, chủ nhà để tránh bị lừa. Đã có trường hợp ngôi nhà không chính chủ, chủ nhà không có quyền cho thuê, ngôi nhà có vấn đề sau khi người thuê dọn vào ở mới phát hiện ra... Hình thức cho thuê ở đây cũng rất đa dạng. Có thể thuê trọn một căn nhà, một căn hộ, nhưng cũng có thể kết hợp thuê chung với một người khác (mình tự tìm hoặc chủ nhà đã tìm sẵn) để giảm chi phí.

Tết Việt ở trời Tây ảnh 2Thị trường bất động sản của Mỹ đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng 

 

Gia đình tôi đang ở TP. Minneapolis, Bang Minnesota , (khu vực miền Trung Tây của Mỹ, phía Bắc giáp Canada ). Gia đình tôi được trường bố trí cho thuê một căn hộ trọn vẹn gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp và 2 phòng vệ sinh. Giá cho thuê là 900 USD/tháng. Điện, nước và một số đồ dùng trong nhà như tủ lạnh, bếp, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát... do bên cho thuê chịu, mình muốn sắm thêm đồ gì thì chủ động sắm.

Khu vực gia đình tôi ở là một tiểu bang trung bình ở nước Mỹ. Đất đai rộng nhưng dân cư ít (khoảng 5 triệu dân), vì vậy giá bất động sản rẻ.

Theo báo chí Mỹ, giá nhà đất của Mỹ đã tăng ở hầu hết các thành phố so với trước đây 1 năm, đây là kết quả của việc sức cầu tăng, trong khi nguồn cung nhà đất có sẵn giảm. Giá nhà tăng cho thấy thị trường bất động sản Mỹ đang hồi phục. Tháng 10/2012, chỉ số giá nhà đất của Mỹ đã tăng 4,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng ấn tượng nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua. Giá nhà tăng tại 18 trên 20 thành phố có thống kê, trong đó, TP. Phoenix dẫn đầu với mức tăng 21,7%, tiếp theo là Detroit với 10%. Tuy nhiên, đáng chú ý là giá nhà đất tại 2 thành phố là Chicago New York lại giảm.

Xu hướng này được nhận định sẽ tiếp tục trong năm 2013. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tục, chỉ số nhà tăng sau giai đoạn giảm mạnh vào những năm 2009 - 2010. Những số liệu khả quan gần đây đã khuyến khích những người dự định mua nhà không còn lưỡng lự và quyết định bỏ tiền mua. Đồng thời, cũng có nhiều nhà đầu tư đưa nhà ra bán bởi tin tưởng sẽ bán được nhà giá cao, thị trường sôi động nhờ đó. Giá nhà tăng cũng khiến những người sở hữu nhà đất cảm thấy mình giàu có hơn và có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ).

Ngoài ra, giá nhà đất tăng cũng kích thích các nhà đầu tư xây dựng và đầu tư, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Các nhà đầu tư bất động sản quốc gia Mỹ cho thấy, ngành xây dựng tăng trưởng tới 22% trong tháng 11/2012 so với cùng kỳ. Niềm tin của các nhà đầu tư tăng mạnh trong tháng 12/2012 và đã tăng liên tục 7 tháng qua, lên mức cao nhất trong vòng 6 năm rưỡi qua.