Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được cải thiện

Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục Thống kê Dân số Mỹ hôm 9/2 cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2021 của nước này với Trung Quốc tăng 45 tỷ USD, tương đương 14,5%, lên 355,3 tỷ USD.

Số liệu mới được công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc giảm trong tháng 12/2021, khiến cho cam kết mua hàng kéo dài 2 năm của Bắc Kinh bị cắt giảm trong thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đàm phán.

Cục Thống kê Dân số Mỹ hôm thứ Tư (9/2) cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2021 của nước này với Trung Quốc tăng 45 tỷ USD, tương đương 14,5%, lên 355,3 tỷ USD, lớn nhất kể từ mức kỷ lục năm 2018 là 418,2 tỷ USD. Con số này năm 2020 là 310,3 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 năm bởi sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19. Thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ năm 2021 tăng 27% lên mức kỷ lục 859,1 tỷ USD do các doanh nghiệp sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trong nước.

Không mua bổ sung

Dữ liệu mới công bố cho thấy, Trung Quốc đã không thực hiện đúng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa nông sản, năng lượng và dịch vụ của Mỹ trên mức năm 2017 - một năm trước khi cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra.

Các cam kết mua hàng là trọng tâm trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc, được khởi động vào giữa tháng 2/2020 và tạm dừng việc đánh thuế đáp trả giữa hai bên. Thỏa thuận cũng kêu gọi Trung Quốc tăng cường tiếp cận thị trường Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp và dịch vụ tài chính, đồng thời yêu cầu một số cải tiến về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo nhà kinh tế học Chad Bown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc chỉ thực hiện 57% mục tiêu như đã cam kết về việc mua lại hàng hóa và dịch vụ trong hai năm qua.

Ông Bown nói thêm, việc mua hàng hóa, năng lượng và dịch vụ của Bắc Kinh từ khi bắt đầu ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ thậm chí còn không đạt được mức như hồi chưa ký thỏa thuận trong năm 2017.

"Nói cách khác, Trung Quốc không mua thêm 200 tỷ USD hàng xuất khẩu nào như đã hứa khi ký thỏa thuận với cựu Tổng thống Trump", ông Bown nói trong phân tích của mình.

Theo ông Bown, lượng hàng nông sản Trung Quốc thu mua đã vượt mức cơ sở năm 2017, nhưng chỉ đạt 83% so với mục tiêu 73,9 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp trong hai năm qua.

Xuất khẩu dịch vụ sang Trung Quốc còn thấp hơn khi chỉ đạt 52% mục tiêu. Đây vốn là điểm sáng cho thương mại của Mỹ, nhưng hoạt động này đã bị giảm mạnh do đại dịch Covid làm giảm hoặc tạm dừng hoạt động du lịch và công tác của người Trung Quốc đến nước này và làm giảm lượng sinh viên Trung Quốc đến các trường đại học tại Mỹ.

Adam Hodge, phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng: "Chúng tôi đã giao dịch với Trung Quốc trong nhiều tháng, nhưng không thấy dấu hiệu thực sự hướng tới việc thực hiện tốt các cam kết mua hàng và sự kiên nhẫn của chúng tôi đang cạn dần. Bất kể các cuộc đàm phán này kết thúc như thế nào, thực tế vẫn là thỏa thuận giai đoạn 1 không giải quyết được các vấn đề cốt lõi với nền kinh tế Trung Quốc".

Ông Hodge nói thêm rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ "định hình môi trường xung quanh Trung Quốc" bằng cách xây dựng khả năng cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường và hạn chế tác động của các “hành vi có hại” của Bắc Kinh.

Ở chiều ngược lại, Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện thỏa thuận "bất chấp tác động của Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Thỏa thuận giai đoạn 1 mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới", Liu nói thêm. Bắc Kinh đã tìm cách loại bỏ thuế quan đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong thỏa thuận giai đoạn 1.

Tin bài liên quan