Tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng giảm 7,4% so với cùng kỳ

Tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng giảm 7,4% so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%...

Chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Bến Tre giảm 60,1%, Đồng Tháp giảm 59,1%, TP.HCM giảm 49,2%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh giảm 36,9%, Sóc Trăng giảm 31,4%, Hậu Giang giảm 29,5%... Chỉ số sản xuất của Hà Nội giảm 6,4%.

Một số địa phương có chỉ số IIP 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng. Đứng đầu là tỉnh Ninh Thuận, tăng 34,1% do sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18%, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,7% và dệt tăng 3,7%.

Nghệ An tăng 23,1% do sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 50,8%, sản xuất trang phục tăng 48,6% và dệt tăng 41,9%.

Hải Phòng tăng 20,6% do sản xuất trang phục tăng 48,2%, dệt tăng 26,5%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 18,3%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước là thép cán tăng 48,3%, linh kiện điện thoại tăng 43,9%, ô tô tăng 27,9%, sắt, thép thô tăng 13,7%, giày, dép da tăng 12,5%, phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%, sữa bột tăng 11,1%, khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%, điện thoại di động tăng 10%, thức ăn cho gia súc tăng 9,2%, vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,7%.

Ngược lại sản xuất một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như tivi các loại giảm 27,1%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%, đường kính giảm 9,5%, dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%, bột ngọt giảm 5,7%, thủy hải sản chế biến giảm 5,1%, thức ăn cho thủy sản giảm 5%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8% và giảm 4,3%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,8% và giảm 11,4%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,7% và giảm 4,1%.

Tin bài liên quan