Tháng ngày đi qua

Tháng ngày đi qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lập đông mà nắng vẫn chang chang, ngoài trời hơn 30 độ C. Ngày cuối tuần, vợ con kéo nhau về ngoại, tôi giam mình đánh vật với đống bài Tết.

“Đất của ông là 800 chữ. Nếu bài VIP dài, sẽ chỉ còn 700”, đoạn tin nhắn của tay thư ký tòa soạn, mắt kính dày hơn đít chai khiến tôi vật vã căn chỉnh câu chữ, đặng gói ghém bao ý tứ cựa quậy, bung phá. Khốn nạn. Làm cái nghề bán chữ nhọc hơn phu hồ. Tôi ôm đầu gieo người đánh phịch, thói quen mỗi khi bí từ, cụt hứng.

“Cộc. Cộc”. Tiếng gõ cửa dồn dập. Gõ kiểu này, chắc chẳng ai khác ngoài Kha. Cửa mở, anh lừng lững xuất hiện.

“Tiện tạt qua khoe chú quả Rolex. Mới kính coong”, Kha chìa tay. Chiếc đồng hồ sáng bóng trên cổ tay to bè, lăn quăn lớp lông rậm rì. Thú thực, tôi không thấy nó đẹp, nhưng chẳng dám nói ra. “Một trăm ngàn đô. Tớ thưởng cho mình quả chốt ẻm “hàng nóng”, Kha thao thao. Tôi ngẩn người. Chiếc đồng hồ bằng cả gia tài của nhiều người mà anh kể nhẹ bẫng như không vậy.

“Cậu chuẩn bị đến đâu rồi?”. “Dạ, em mới rút cái sổ đến hạn”. “Vẫn cái sổ năm mươi triệu?”. “Vâng!”. “Ới giời. Giá ông em tôi đừng tiếc mươi triệu tiền lãi, rút hôm anh giục thì phút này ít cũng “chén” gấp 10 lần số lãi bị mất. Vẫn con DIM biết không. Trần trùng trục một lèo”. Kha bắn tới tấp, say sưa như lên đồng. Mắt anh long lên, tay chém gió phần phật. Nhòm vào màn hình ngó trang bài Tết tôi đang vật vã thêm bớt, Kha nhếch môi phũ phàng. Anh ngán ngẩm quay đầu, chiếc Rolex để lại vệt sáng lấp lánh.

*****

Chúng tôi quen nhau thời cùng tá túc xóm trọ. Hai chục năm có lẻ. Ngày đó, ngoài mảnh bằng đại học, gia tài của đám dân quê giống nhau là một tương lai bấp bênh. Kha hơn tôi ba tuổi, chuyển đến trước tôi hai tháng. Chiều tôi dọn đến, Kha xăm xắn đón cửa. “Này, anh nói riêng, cậu phải tránh xa cái phòng cuối dãy kia đấy”. “Sao ạ?”. “Chỗ đó mấy đứa ở trước dăm hôm là phắn bởi đêm toàn mơ bị trẻ con dựng giường. Thấy bảo xưa có mả đói năm bốn nhăm”. Tôi tái mặt, lè lưỡi. Kha được thể nhiệt tình. “Phòng kia từng của mấy em cave. Năm rồi, vợ tay chủ quán hát “tay vịn” đưa người đến đây tạt axit ả đào “phòng nhì” của chồng. Vía nặng”. Rồi anh kéo tay tôi hồn nhiên: “Phòng thằng Hân, dân miền Trung. Gia sư Anh văn. Nếu chú mày kẹt tiền, tao giới thiệu hai thằng làm quen, điều đình mà ở chung. Một mình một phòng, tốn kém đếch cần thiết”.

Vậy là tôi có người bạn trọ cùng là Hân. Dĩ nhiên, chỉ sau một tuần, tôi, Hân với Kha đã thân như anh em. Người trẻ, cùng cảnh ngộ, sự gắn bó thật dễ.

Kể chút gốc gác để thấy với riêng tôi, cái sự khoe của nơi Kha không tạo cảm giác kệch cỡm, hợm hĩnh. Quá trình gắn bó, thân thiết đủ để chúng tôi thấy điều đó là bình thường.

Ở đời, tính cách quyết định số phận. Điều đó chí ít là chuẩn với ba thằng chúng tôi. Kha quảng giao, thính nhạy nhiều lĩnh vực nhưng tốt bụng. Cái hay và dở luôn song hành ở một người cởi mở, thạo đời, đôi khi nhiệt tình quá mức cần thiết. Cá tính đó khiến không ít lần anh giúp bạn việc lớn nhưng cũng nhiều bận làm người khác khó chịu.

Trọ cùng nhau đến năm thứ ba, khi tôi từ chân cộng tác viên, được ký hợp đồng ngắn hạn với một tờ báo văn nghệ thì Hân vẫn long đong dạy kèm dăm ba học trò. Kha, lúc này đã vào biên chế một viện nghiên cứu, buổi nọ gọi hai thằng sang phòng. Cưa hết chai nếp cẩm cùng đĩa dồi chó, rượu ngà ngà, Kha vung tay: “Việc của thằng Quý là năm tới phải vào cái dài hạn”. Tôi lắc đầu: “Đâu dễ anh ơi!”. Kha trợn mắt: “Nhưng cũng chẳng quá khó. Với bà sếp nhà thơ, họa sỹ kiêm nhạc sỹ, kịch sỹ, cái thiếu duy nhất là tài, cái thừa là bệnh ảo tưởng, đồng bóng... càng dễ. Chỉ cần chú làm hai bài chân dung đưa chị lên mây xanh, tài năng vượt thế kỷ, nhan sắc đại mỹ nhân. Đừng quên chọn ảnh chị thật đẹp, như ả công xòe lông đăng vung vít báo nhớn, cái hợp đồng ba tháng của chú sẽ nhảy số tức khắc”. Tôi ngẩn người bái phục.

Kha quay sang Hân: “Còn mày, chẳng lẽ cứ cong mông đạp xe từ ngả này sang phía kia thành phố gõ đầu trẻ, nhặt bạc lẻ?”. “Thì em còn biết làm sao?”, Hân rầu rĩ. Kha đặt tay lên vai Hân ôn tồn: “Nghe anh. Về quê thúc ông bà già cố thêm một đận, lo cái biên chế ở mấy sở ngành lớn. Ở đây, trình độ Anh ngữ dạng chú chở chục chuyến tàu chợ không hết. Về quê, mặt bằng cán bộ đa phần đọc ai-láp-viu không rành, mày sẽ là ngôi sao. Có chút Anh ngữ lận lưng, thêm tí cần cù, biết chiều lòng, đón ý bề trên, hên ra có ngày mày thành quan lớn...”.

Lời Kha cứ như sấm truyền. Tất cả diễn ra suôn sẻ, để hai thằng tôi sau này mỗi lần nhớ về bữa rượu hôm đó lại thấy hàm ơn anh.

Với riêng tôi, sự hàm ơn còn lớn hơn bởi nhờ sự thúc ép từ anh, tôi sớm thoát đời ở trọ. Đó là dịp tôi vừa lập gia đình với cô bạn gái lâu năm. Vợ chồng vẫn ở xóm trọ cũ. Hân đã về quê. Kha, lúc này cửa nhà đã đề huề vung vinh. Ở viện, anh được một bậc đàn anh thạo món “cò đất” truyền nghề. Thắng ba vụ, có vốn, anh tham gia một nhóm “lướt sóng”, góp tiền mua đất xen kẹt, chạy sổ, đón hạ tầng. Đường mở. Đất sốt. Nhóm chốt lời. Kha trúng đậm. Ngày mua nhà, anh sầm sập lao đến khoe tôi: “Tao đích thị là dân Thổ đu rồi mày ơi. Miếng cắm dùi là đây. Mày xem sổ đỏ đứng tên tao cứ tươi roi rói”.

Buổi khác, anh xộc đến: “Vợ chồng mày tích lũy được bao nhiêu?”. Vợ tôi rụt rè trưng ra mấy quyển sổ tiết kiệm. Kha chưng hửng: “Vậy thôi à. Khó nhỉ!”. Anh bỏ đi, vài phút sau quay lại gõ cửa cồng cộc: “Tao quyết rồi. Khó mấy chúng mày cũng phải cố. Cơ hội chẳng có lần hai đâu”.

Liều lĩnh nghe anh, chúng tôi về mượn sổ đỏ hai gia đình “cắm” ngân hàng, góp vốn vào mảnh đất các anh cho chung mua. Nửa năm sau, khi dự án đại đô thị công bố ngay sát mảnh đất chúng tôi đầu tư, giá tăng hai lần. Khoản lời khiến chúng tôi đủ mua căn nhà nhỏ...

Nhưng lần này thì khác. Anh thúc giục chúng tôi đầu tư chứng khoán, cái lĩnh vực chúng tôi chẳng hề có tý hiểu biết nào. Nhớ hơn chục năm trước, khi cơn lũ chứng khoán tràn đến, bà lao công, ông bảo vệ cơ quan cũng nói về cổ phiếu, tôi nào có thể ngồi yên. Gom chút tiết kiệm, tôi theo gã nhà thơ cùng phòng ra sàn. Được dăm hôm trống ngực đập thình thình khi cổ phiếu tăng giá, chưa kịp bán hưởng thành quả thì thị trường liên tục mất điểm, bảng giá ngập màu xanh mắt mèo. Nhúm tiền tích cóp hai năm bay vèo. Thê thiết. Vợ tôi bĩu môi. Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào, thấm chưa?! Tôi nín thinh, biết lỗi.

“Chú phải biết ‘Bem’ anh có kỷ luật sắt. Tổng vốn nhóm ‘sỹ quan’ cả ngàn tỷ có dư. Chỉ một năm Covid, tài khoản nhiều người nhân ba, nhân tư. Theo là thắng. Cấm cãi”, Kha bô bô.

Tôi biết Kha chỉ hơn năm trời nhờ “nhóm hội chứng khoán” mà từ khá giả đã trở nên rất giàu. Anh không giấu điều đó. Căn biệt thự đầu tiên. Chiếc xe LX 570 đẳng cấp. Bạn anh giờ toàn kẻ trăm tỷ, ngàn tỷ. “Bem” của anh tung lên không ít thông tin độc quyền kéo hàng vạn nhà đầu tư nhao theo. Các mức cản của “hàng nóng” bị phá dễ như ăn kẹo. Mỗi lệnh mua bán của Kha giờ đây ít cũng vài trăm ngàn, còn toàn đôi, ba triệu cổ. Nhưng tôi nhớ đến cái bĩu môi của vợ năm nào, nhớ đến trào lưu “nhà nhà chơi chứng”, “người người bàn về chứng” tái hiện. Đó là lúc... mà thôi, tôi đã hiểu mấy đâu về cái thị trường bậc cao này.

Áp lực bài Tết khiến tôi tối mặt, chẳng để ý đến những tin nhắn lợi nhuận Kha đều đặn thông báo. Cả lúc làn sóng bán tháo cổ phiếu như lũ, tôi cũng không mấy bận tâm. Chỉ đến khi bất ngờ vào một trang mạng, nghe chuyện nhiều nhà đầu tư tập trung nhà ông chủ một room phím hàng cổ phiếu bắt đền thì tôi mới giật mình. Tôi phone cho Kha. “Số máy quý khách...”. Phi đến nhà anh, căn biệt thự bị niêm phong. Tìm đến cơ quan Kha, tôi nhận tin anh mới bỏ việc.

Choáng váng, định gọi chia sẻ với Hân thì bất ngờ cậu chàng phone cho tôi. Hân giờ là phó sở của một tỉnh đang phát triển mạnh. “Ông yên tâm nhé, anh Kha đang ở trong tôi”. Rồi Hân kể, anh Kha giờ là con nợ khủng. Trong cơn say kiếm bạc tỷ dễ dàng, bao vốn liếng của nhóm cò đất xưa, Kha đều gom vay ôm “hàng”. “May lúc trước, anh ấy nghe tôi mua mảnh đất vườn bỏ hoang trong này, giờ mới có chỗ ở ẩn”.

Cuộc gọi của Hân khiến lòng tôi dịu lại. Tôi thoắt nhớ về những kỷ niệm xóm trọ làng Vòng và chặng đường mỗi người đã đi qua. Kiếp người. Thời vận. Đắng cay. Ngọt bùi. Những biến số không tưởng. Nhưng dù có ở đâu, trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn sẽ bên nhau như những ngày tháng đã qua. Tôi sẽ vào thăm Kha. Có thể chỉ để cùng Hân ngồi đối ẩm bên anh, như những cuộc rượu làng Vòng của hai mươi năm trước. Tôi tin, chỉ cần tĩnh tại, nhất định có ngày Kha sẽ trở lại, đứng lên...

“Bài giữ nguyên 800 chữ. Đã duyệt”. Dòng tin nhắn của tay thư ký tòa soạn bất ngờ đưa tôi về với thực tại...

Tôi thở nhẹ. Một làn hơi xuân chầm chậm tràn đếnn

Tin bài liên quan