Thăng trầm nghề môi giới

Thăng trầm nghề môi giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã có một ngày cho riêng mình (Ngày hội môi giới 29/6), nhưng đâu đó, câu chuyện về thăng trầm nghề vẫn còn đau đáu với không ít dân sales bất động sản.

“Hoa hồng” có gai

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một môi giới cho biết, sau nhiều ngày mất công tìm kiếm căn hộ theo “đặt hàng” của khách, mất bao nhiêu công sức để chốt căn, liên lạc và tỷ câu chuyện xung quanh, nhưng đến bước cuối cùng là làm hợp đồng mua bán, môi giới này mới ngã ngửa khi khách hàng bẻ kèo không mua nữa.

Nhưng chưa hết, đằng sau câu chuyện này còn hé lộ không ít nỗi “tủi hờn” mà môi giới phải gánh chịu. Đó là vị khách kia sau khi mượn tay môi giới để tìm được hàng, đã bắn tin cho một môi giới khác là người quen để chen ngang, thực hiện giao dịch mua bán, giúp môi giới quen gần như không mất công sức mà vẫn có hoa hồng.

Câu chuyện này một độ từng làm râm ran làng môi giới Hà thành. Có môi giới phải thốt lên câu bình phẩm về vị khách nọ: “Giàu nhưng không sang là ở chỗ này. Gặp khách kiểu này cứ chửi mấy câu cho dơ mặt, chứ nếu có bán được thì một là bị ép cho “cắt hết máu” (cắt hoa hồng), hai là chầy bửa thêm mệt người”.

Trường hợp khác, một môi giới cho biết, sau cả tháng trời chăm sóc, bao cuộc điện thoại, thậm chí hỗ trợ làm hồ sơ, hướng dẫn thủ tục, cuối cùng khách hàng lại làm việc trực tiếp với chủ nhà để “cắt” hoa hồng mà đáng ra môi giới phải được hưởng. Điều đáng nói, để có được mức giá tốt với chủ nhà, môi giới đã phải mất bao công để thuyết phục giảm giá.

Những câu chuyện như trên, thì cả bên mua và bên bán đều đáng trách khi vì lợi ích bản thân mà gạt môi giới ra bên lề khi thực hiện giao dịch.

Việc các “thượng đế” muốn sử dụng dịch vụ nhưng không muốn trả tiền diễn ra không phải là ít, thậm chí theo khẳng định của các môi giới, đó là tình trạng khá phổ biến và bị lặp lại nhiều lần. Khi thì bùng tiền hoa hồng, khi thì ép “cắt máu”…

Có môi giới kể lại trải nghiệm mà nỗi tức tưởi vẫn còn: “Có lần, em mất cả nửa tháng tìm căn, chọn căn, làm giá và chạy các loại giấy tờ cho khách xong, đến lúc đưa hoa hồng, khách bảo: Bọn em chỉ nói mấy câu chứ có vất vả gì đâu mà hoa hồng cao thế. Bọn chị học hành đại học, thạc sỹ đàng hoàng ra, đi làm hành chính lương cả tháng cũng chỉ có vài triệu thôi”.

Lần đó, môi giới này chỉ được nhận 1/3 hoa hồng theo thỏa thuận (miệng) trước đó.

Bị chèn ép, chơi xấu

Hoa hồng là câu chuyện muôn thuở của dân môi giới. Trong group (nhóm) của một dự án chung cư cao cấp khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng xảy ra một cuộc “động khẩu” giữa khách hàng, môi giới và rất nhiều người quan sát.

Môi giới A thất hứa không cắt lại tiền hoa hồng 50 triệu đồng cho khách. Khách đăng đàn tố môi giới dẫn đến nhiều tranh luận, cãi cọ. Tuy nhiên, cũng từ đây, câu chuyện được nhìn nhận dưới nhiều góc độ và phản ánh khá rõ nét câu chuyện về quan điểm làm nghề, sử dụng dịch vụ.

Nhân viên môi giới bị mất hình ảnh vì thất tín, bị coi như là người lừa đảo. Người đăng đàn (khách hàng), bị cả làng, cả tổng chê bai vì tội tham tiền, hám của, ép người.

Nhiều ý kiến tranh luận đều cho rằng, việc nhân viên môi giới không trả lại tiền hoa hồng như cam kết là sai, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người làm nghề, nhưng vị khách hàng kia ép người quá đáng.

Thăng trầm nghề môi giới ảnh 1

Khách hàng nghiên cứu về dự án.

“Người mua hàng mong muốn bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, mua hàng trả giá, ngại trả phí. Sales sống và làm việc dựa vào hoa hồng. Khách không bỏ tiền ra thì ai làm việc cho khách. Các sales cũng phải bỏ ra nhiều chi phí, từ marketing rồi hậu mãi, thời gian làm giấy tờ thủ tục sales đều phải giải quyết hết. Cũng do hám lợi nên mới dính bẫy chiết khấu”, có người nhận xét.

Không chỉ bị khách chơi vố đau, câu chuyện mà các môi giới cạnh tranh cũng diễn ra vô cùng phổ biến.

Có đi sâu vào nghề môi giới, nghe chia sẻ của các thành viên làm nghề mới thấy, việc chơi xấu lẫn nhau không
phải hiếm.

Một môi giới kể, chỉ khi nào hàng được bán xong, nhận hoa hồng đầy đủ mới chắc chắn là thành công, chứ kể cả đến phút cuối, nhiều khi vẫn bị hủy kèo như thường. Không ít trường hợp môi giới nọ chơi xấu môi giới kia bằng cách liên hệ với chủ nhà, trả giá cao hơn nhiều mức giá mà chủ nhà đã đồng ý bán với môi giới khác (do lộ thông tin). Nhiều trường hợp, chủ nhà tin và hủy kèo với môi giới để bán với mức giá cao hơn. Tuy nhiên, khi đó việc bán căn hộ, bán nhà lại bất thành do mức giá hời được đưa ra chỉ là chiêu trò phá quấy đồng nghiệp của dân sales.

Chi phí nghề lớn

Không chỉ phải đối mặt với những áp lực từ khách hàng đòi ép giá, “cắt máu”, hay bị các đồng nghiệp chơi xấu, các môi giới còn phải đầu tư không ít tiền của để mua dữ liệu khách hàng, chạy quảng cáo và thuê nhân viên telesales.

Chi phí mua dữ liệu (data) khách hàng là một khoản tiền không hề nhỏ. Có thể từ vài triệu đến vài chục triệu/bộ dữ liệu, tùy từng dự án.

Có data khách hàng, các môi giới lại phải đầu tư tiền để thuê nhân viên telesales để tiếp cận. Mức lương cho các telesales (chủ yếu là sinh viên) cũng vào mức khoảng vài triệu đồng/tháng. Ngoài ra, môi giới còn phải dành ra vài buổi để huấn luyện kỹ năng, chia sẻ thông tin dự án…

Một chi phí nữa mà các môi giới phải bỏ ra đầu tư là chi phí quảng cáo. Thường với các dự án, môi giới sẽ phải lập website để giới thiệu, tiếp thị, quản trị và bán hàng. Tùy từng dự án, độ hot mà chi phí bỏ ra để chạy quảng cáo trên Youtube, Facebook, Zalo, Instagram… có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng.

Thậm chí, mức đầu tư cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc biệt thự còn cao hơn nhiều lần. Một môi giới cho biết, có thể phải đầu tư cả trăm triệu để quảng cáo dự án. Tuy nhiên, bù lại là chiết khấu cho bán biệt thự nghỉ dưỡng cũng ở mức cao (có thể đến 3,5%). Một biệt thự nghỉ dưỡng có thể lên đến vài chục tỷ đồng, thì mức hoa hồng trên cũng là không nhỏ.

Nếu môi giới nào tiếc tiền không quảng cáo, mua dữ liệu sẽ không bán được hàng. Không bán được hàng thì không có tiền và không thể duy trì nghề.

Cái khó nhiều khi ló cái khôn, nhưng với nghề môi giới, nhất là với câu chuyện chi phí, nhiều khi cái khó bó chặt cái khôn, khiến dân sales méo mặt.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan