SBT dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, có 9 nhà máy luyện đường từ đường thô và mía.

SBT dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, có 9 nhà máy luyện đường từ đường thô và mía.

Thành Thành Công- Biên Hòa (SBT) hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh niên độ 2017 - 2018

(ĐTCK) Niên độ 2017 - 2018 được đánh giá vẫn còn nằm trong xu hướng giảm của ngành đường, nhưng với khả năng hoạch định, dự báo và thực thi chiến lược cùng sức mạnh cộng hưởng từ thương vụ M&A với BHS, sản lượng tiêu thụ quý IV và lũy kế cả niên độ của Công ty cổ phần Thành Thành Công- Biên Hòa (SBT) vẫn tăng mạnh.

Sản lượng tiêu thụ tăng mạnh

Theo báo cáo, kết quả hoạt động kinh doanh niên độ 2017 - 2018 của SBT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của ngành đường Việt Nam.

Doanh thu thuần niên độ 2017 - 2018 đạt 10.364 tỷ đồng, tăng 131% so với niên độ trước và đạt 105% kế hoạch do sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, cùng với việc ghi nhận doanh thu gia tăng của các sản phẩm cạnh đường và sau đường.

Sản lượng đường tiêu thụ đạt 571.000 tấn, hoàn thành 109% kế hoạch là 515.000 tấn, trong đó kênh tiêu dùng - B2C có sản lượng tiêu thụ tăng hơn 2 lần, từ 30.200 tấn lên hơn 63.500 tấn, tương ứng doanh thu tăng 139% từ 473 tỷ đồng lên 1.131 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu. SBT đánh giá, B2C là kênh tiêu thụ còn nhiều tiềm năng, vì vậy sẽ tiếp tục chú trọng khai thác mở rộng trong niên độ 2018 - 2019.

Kênh công nghiệp - B2B (công nghiệp lớn - MNC và tiểu thủ công nghiệp - SME) chiếm 47% doanh thu, tăng 153%; kênh thương mại và xuất khẩu đóng góp doanh thu lần lượt 17% và 10%, tăng trưởng 97% và 70% so với niên độ 2016 - 2017.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của SBT đa dạng và hình thành chuỗi khép kín giá trị đến từ đường, cạnh đường, sau đường. Đối với đường, sản phẩm của Công ty bao gồm đường tinh luyện cao cấp, đường RS vàng (đường Organic, đường vàng khoáng chất và tự nhiên), đường lỏng Syrup và Syrup Flavour, đường thỏi, đường que, đường phèn RE, đường ăn kiêng Isomalt.

Mở rộng sang các loại đường cao cấp phục vụ cho những phân khúc khách hàng khó tính đang là hướng đi mới của SBT để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần khách hàng trung lưu trở lên và nâng tầm thương hiệu SBT.

Ngoài ra, để tối ưu hóa quy trình sản xuất và lợi nhuận, đồng thời tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho xã hội, Công ty chú trọng phát triển các sản phẩm cạnh đường, sau đường như mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai Miaqua, phân vi sinh hữu cơ và bã mía.

  Vùng nguyên liệu của SBT có quy mô 62.000 ha, chiếm 1/4 diện tích vùng nguyên liệu cả nước.

Sản phẩm đường đóng góp 85% doanh thu, tăng 126%. Doanh thu từ tất cả các sản phẩm khác cũng đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu từ mật rỉ chiếm 3%, tăng 68%; doanh thu từ điện chiếm 1,5%, tăng 57%; doanh thu từ phân bón chiếm 2%, tăng 80%; doanh thu khác chiếm 5%, tăng 160%. Công ty còn ghi nhận thêm doanh thu đến từ sản phẩm mới là bán các sản phẩm từ cao su, doanh số từ mảng này khá tốt khi chiếm tới 3,5%.

Lợi nhuận trước thuế niên độ 2017 - 2018 đạt hơn 682 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đặt ra là 680 tỷ đồng; riêng quý IV, lợi nhuận tăng trưởng 138% so với cùng kỳ, đạt 196 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 150 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ, lũy kế cả niên độ đạt 547 tỷ đồng, tăng 61% so với niên độ trước. 

Khả năng sinh lời tích cực

Sau khi hoàn thành M&A với BHS, tổng tài sản của SBT ghi nhận tăng trưởng 130% do tác động cộng hưởng về quy mô và hoạt động. Tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản đạt hơn 17.972 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là 7.806 tỷ đồng.

Hàng tồn kho tăng 99% so với cùng kỳ, đạt 3.899 tỷ đồng. Tuy hàng tồn kho ghi nhận tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản giảm từ 25% tại thời điểm 30/6/2017 xuống còn 22% tại thời điểm 30/6/2018.

Ngoài ra, tỷ trọng của thành phẩm và hàng hóa giảm mạnh từ 86% xuống còn 68%, trong khi nguyên vật liệu tăng từ 12% lên 22%, đây được xem là điểm sáng trong bức tranh tài chính khi Công ty đã kiểm soát tốt hơn sản lượng hàng tồn kho.

Trong năm vừa qua, với tình hình thị trường đường thô trên thế giới giảm, SBT đã mạnh dạn nhập nguyên liệu nhằm chủ động nguồn đường giá rẻ, phục vụ cho chiến lược mở rộng thị trường. Như vậy, với việc tiết giảm chi phí giá thành, SBT đang có lượng thành phẩm giá thấp, là lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.

Vốn chủ sở hữu của SBT đạt 6.287 tỷ đồng, tăng 102% so với thời điểm 30/6/2017, chủ yếu nhờ hoạt động sáp nhập BHS, trong đó vốn điều lệ là 5.570 tỷ đồng, tăng 120%.

Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SBT được cân đối ở mức hợp lý, trong đó các chỉ tiêu về khả năng thanh toán vẫn đảm bảo, tình hình thanh toán nợ được kiểm soát và trong mức an toàn khi chỉ số thanh toán hiện hành luôn cao hơn mức 1 lần, đạt 1,1 lần.

Về năng lực hoạt động, tận dụng lợi thế vốn có từ mạng lưới kinh doanh của BHS, Công ty đã cải thiện hệ số vòng quay khoản phải thu, giảm 34% từ 0,56 lần xuống 0,37 lần, cũng như giảm nhẹ vòng quay hàng tồn kho 5%.

Về khả năng sinh lời, nhìn chung, các chỉ số trong quý IV niên độ 2017 - 2018 của SBT đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Chẳng hạn, biên lợi nhuận gộp tăng 5%, đạt 15%; biên lợi nhuận ròng tăng 10%, đạt 7%. Nhờ tập trung nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm mới (R&D), Công ty đã xây dựng được chuỗi sản phẩm đa dạng và hình thành chuỗi khép kín giá trị đến từ đường và cạnh đường, sau đường.

Về cơ cấu vốn, tỷ trọng nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ vay/tổng tài sản tăng lần lượt 18% và 4% so với thời điểm 30/6/2017.

Trong đó, chủ yếu là việc gia tăng nợ phải trả ngắn hạn nhằm hỗ trợ hoạt động mở rộng quy mô hoạt động hậu M&A. SBT đang có xu hướng cơ cấu tỷ lệ nợ này thấp xuống và chuyển dịch cơ cấu nợ để tăng nợ vay dài hạn, giảm áp lực lãi vay đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Vốn hóa thị trường của SBT tại ngày 30/7/2018 đạt 8.323 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,58% giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE. SBT là cổ phiếu thuộc ngành mía đường duy nhất có mặt trong rổ chỉ số VN30 và được các quỹ đầu tư theo chỉ số uy tín tích hợp vào danh mục đầu tư.

Ví dụ, cổ phiếu SBT xếp hạng 4/10 cổ phiếu được lựa chọn trong chỉ số MSCI Vietnam Small Cap Index (USD), với tỷ trọng 5,73%. Hay chỉ số MVIS Vietnam Index lựa chọn SBT trong danh mục với tỷ trọng 2,19%. Đây đều là những chỉ số uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

SBT dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, có 9 nhà máy luyện đường từ đường thô và mía, trong đó có 3 trung tâm luyện đường thô lớn là Nhà máy TTCS - Tây Ninh, Nhà máy Biên Hòa - Ninh Hòa. Đặc biệt, Biên Hòa - Đồng Nai là nhà máy đường duy nhất luyện quanh năm, sản xuất 400 tấn đường/ngày.

Với công suất ép mía 48.600 tấn/ngày (chiếm 33% tổng công suất cả nước), tăng mạnh so với mức 9.800 tấn/ngày năm 2012, tổng sản lượng đường tiêu thụ cho niên độ 2017 - 2018 của SBT chiếm 44% cả nước.

Năng lực sản xuất của SBT dẫn đầu ngành trên hầu hết các phương diện nhờ vào việc sở hữu 9 nhà máy với 62.000 ha vùng nguyên liệu, chiếm 1/4 diện tích vùng nguyên liệu cả nước. Vùng nguyên liệu nông trường chiếm 18%, cơ giới hóa 100% và thu hoạch hầu hết bằng máy lớn.

Vùng nguyên liệu đầu tư chiếm 82%, trải dài 3 nước Đông Đương. Niên độ 2017 - 2018, vùng nguyên liệu của Công ty đạt năng suất 70 tấn/ha, tăng 21% sau 5 năm, giúp giảm giá thành và gia tăng năng lực cạnh tranh.    

Trước kết quả kinh doanh khả quan của niên độ 2017 - 2018, ngày 24/7/2018, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị SBT đã quyết định mua vào 1 triệu cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 30/7/2018 đến ngày 28/8/2018. Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công, cổ đông lớn nhất của SBT - tổ chức có liên quan đến bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên Hội đồng quản trị SBT, đăng ký mua vào 16 triệu cổ phiếu SBT, giao dịch được thực hiện từ ngày 22/8 đến 20/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Mới đây nhất, bà My đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu SBT, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 17/10 đến 15/11 theo phương thức khớp lệnh. Cổ đông lớn của SBT và người có liên quan muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 55%. 

Động thái trên cho thấy, Ban lãnh đạo SBT đặt niềm tin vào triển vọng phát triển của Công ty, với mục tiêu chiến lược đến niên độ 2020 - 2021, sản lượng đường tiêu thụ đạt 1,23 triệu tấn đường, tốc độ tăng trưởng kép là 23% và chiếm lĩnh 50% thị phần ngành đường Việt Nam. 

Tin bài liên quan