Thẻ vẫn là hạ tầng cốt lõi cho hệ sinh thái thanh toán
Thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang chứng kiến ba xu hướng nổi bật. Thứ nhất là sự bùng nổ của các phương thức thanh toán số như QR code, ví điện tử và mobile banking.
Chỉ trong quý I/2025, giao dịch qua QR code đã tăng hơn 81%, cho thấy người dùng ngày càng ưu tiên sự tiện lợi, nhanh chóng và không chạm. Tuy nhiều người nghĩ rằng điều này có thể “đe dọa” thẻ tín dụng, nhưng thực tế, các phương thức mới này vẫn chủ yếu liên kết với thẻ ngân hàng.
Thẻ vẫn đóng vai trò là hạ tầng cốt lõi cho hệ sinh thái thanh toán và tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đặc biệt trong những tình huống cần sự linh hoạt như rút tiền mặt, hoặc tại các điểm chấp nhận thanh toán truyền thống.
Thứ hai là xu hướng siêu cá nhân hóa (hyper-personalization). Cụ thể, người tiêu dùng không chỉ muốn thanh toán dễ dàng, mà còn kỳ vọng nhận được ưu đãi đúng nhu cầu và trải nghiệm liền mạch giữa online và offline.
Đây là cơ hội để JCB phát huy thế mạnh kết nối giữa Việt Nam - Nhật Bản thông qua các đặc quyền về du lịch, mua sắm, ẩm thực và chăm sóc sức khỏe dành riêng cho từng nhóm khách hàng.
Thứ ba là yêu cầu ngày càng cao về bảo mật và xác thực số. Từ giữa năm 2024, Việt Nam đã áp dụng xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng, điều này phản ánh kỳ vọng của người tiêu dùng vào sự an toàn tuyệt đối.
Đây vừa là thách thức, vừa là động lực để JCB tiếp tục tích hợp các công nghệ bảo mật tiên tiến vào sản phẩm và giải pháp thanh toán của mình. Tổng thể, những xu hướng này cho thấy hành vi người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh khỏi tiền mặt - một điều rất tích cực và phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của JCB.
![]() |
Ông Takuya Wakui, Trưởng đại diện JCB Việt Nam. |
Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, chúng tôi cần không ngừng đổi mới, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và xây dựng hệ sinh thái thanh toán an toàn, linh hoạt, thân thiện với người Việt Nam.
Tương lai không phải là sự thay thế giữa thẻ và điện thoại, mà là sự kết hợp hài hòa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Để thích ứng với bối cảnh thanh toán đang thay đổi nhanh chóng và thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, JCB đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính: Một là, đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các ngân hàng địa phương và đối tác công nghệ để mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ, đặc biệt trong các lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh như thương mại điện tử và thanh toán QR nội địa.
Chúng tôi tích cực tích hợp thẻ JCB vào các ví điện tử và hệ sinh thái thanh toán phổ biến tại Việt Nam, đảm bảo người dùng có thể tiếp cận JCB ở bất cứ đâu, với trải nghiệm nhanh chóng và bảo mật cao.
Hai là, tận dụng thế mạnh “thương hiệu Nhật Bản” để tạo sự khác biệt và gắn kết cảm xúc với người tiêu dùng Việt. Chúng tôi hiểu rằng, dù số người Việt Nam từng đến Nhật Bản còn hạn chế, nhưng văn hóa, ẩm thực và sản phẩm Nhật Bản đã trở nên rất quen thuộc và được yêu mến tại Việt Nam.
Vì vậy, JCB phát triển các chương trình ưu đãi đặc quyền tại các thương hiệu Nhật Bản như Uniqlo, chuỗi nhà hàng Nhật tại Việt Nam và cả tại Nhật Bản.
Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu các dịch vụ giá trị gia tăng như du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản, hướng đến nhóm khách hàng cao cấp, từ đó, mở rộng tệp người dùng và tạo dấu ấn khác biệt so với các đối thủ.
Ba là, đầu tư vào công nghệ và trải nghiệm người dùng. Việc tích hợp các công nghệ bảo mật tiên tiến như xác thực sinh trắc học, thanh toán không tiếp xúc và ra mắt các dịch vụ cao cấp như JCB Premium Service cho nhóm khách hàng cao cấp được triển khai đồng bộ để bắt kịp kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn và tiện lợi.
Song song đó, trong năm 2025, chúng tôi sẽ giới thiệu và ra mắt định hướng thương hiệu mới. Ý tưởng dựa trên định hướng mong muốn đồng hành lâu dài với người tiêu dùng Việt trên hành trình trải nghiệm thanh toán hiện đại, tinh tế và mang đậm bản sắc Nhật Bản.
Thông điệp này sẽ được lồng ghép xuyên suốt trong các hoạt động truyền thông, khuyến mãi và dịch vụ đặc quyền nhằm xây dựng mối liên kết sâu sắc và bền vững với thị trường.
Người giàu chuộng dịch vụ tinh tế, thể hiện phong cách sống riêng
Dù vẫn còn khoảng cách nhất định về mức độ nhận diện so với các thương hiệu thẻ khác, nhưng JCB không lựa chọn đi theo hướng sao chép đối thủ. Thay vào đó, chúng tôi tập trung phát huy bản sắc Nhật Bản và mang đến các trải nghiệm riêng biệt.
JCB tập trung vào phân khúc cao cấp, dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm khách hàng giàu tại Việt Nam. Theo báo cáo Knight Frank, số người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD tại Việt Nam dự kiến sẽ vượt mốc 112.000 người vào năm 2027.
Để thấu hiểu nhóm khách hàng này, JCB đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về nhóm người giàu tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy, bên cạnh nhu cầu tài chính cơ bản, họ ưu tiên các giá trị như sức khỏe, tận hưởng cuộc sống, chăm sóc gia đình và mở rộng kết nối trong cộng đồng tinh hoa. Họ không tìm kiếm một chiếc thẻ giống tất cả mọi người, mà là một chiếc thẻ phản ánh đúng bản sắc, phong cách sống và giá trị riêng.
Vì vậy, chúng tôi phát triển các dịch vụ chuyên biệt như gói chăm sóc sức khỏe, phục vụ cao cấp, du lịch y tế tại Nhật Bản - nhằm mang đến trải nghiệm thật sự cá nhân hóa và mang đậm tinh thần Nhật Bản.
Với chiến lược đồng bộ và định vị khác biệt, JCB hiện đã xây dựng được vị thế vững chắc tại thị trường thẻ Việt Nam, với mức tăng trưởng ổn định cả về số lượng thẻ phát hành và giá trị giao dịch.
Tổng số thẻ tín dụng JCB là 170 triệu. Trong đó, số lượng thẻ phát hành mới tăng 27%, đặc biệt phân khúc thẻ Platinum và Ultimate tăng trưởng vượt bậc 204%. Số thẻ hoạt động tăng 27%, trong đó thẻ Platinum & Ultimate đạt mức tăng trưởng 52%.
Với quy mô thẻ mở rộng và mức chi tiêu bình quân cải thiện, tổng doanh số giao dịch thẻ tăng 41%. Đặc biệt, thẻ Platinum & Ultimate đóng góp nổi bật, với mức tăng 51%, cho thấy mức độ gắn kết và hành vi chi tiêu mạnh mẽ từ nhóm khách hàng cao cấp.
Ngoài những kết quả trên, để duy trì thị phần ổn định, chúng tôi vẫn đang từng bước mở rộng ảnh hưởng thông qua mạng lưới đối tác đa dạng và các chương trình ưu đãi khác biệt.
Bên cạnh chiến lược trên, JCB xác định B2B - đặc biệt là hợp tác với các ngân hàng thành viên - mới là trụ cột quan trọng nhất để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Hiện JCB đã hợp tác với 18 ngân hàng thành viên và chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng con số này nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Việc hợp tác với JCB không chỉ giúp ngân hàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm thẻ, mà còn tận dụng được thế mạnh của JCB về định vị thương hiệu Nhật Bản, kinh nghiệm thị trường tại châu Á, cũng như các ưu đãi và dịch vụ đặc quyền được thiết kế phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam yêu thích văn hóa Nhật.
Đồng thời, việc mở rộng mối quan hệ kinh doanh với JCB không chỉ giúp các ngân hàng có thêm giải pháp linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích về doanh thu và thị phần.
Đồng thời, góp phần khẳng định vị thế trong cuộc đua nâng cao trải nghiệm khách hàng và phục vụ phân khúc cao cấp đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, mà còn giúp mở rộng hệ sinh thái sản phẩm thẻ, mang đến cho người dùng thêm nhiều lựa chọn thanh toán phù hợp với nhu cầu cá nhân, từ thẻ phổ thông đến thẻ đặc quyền với những giá trị khác biệt mang đậm dấu ấn Nhật Bản.
Đó cũng chính là sứ mệnh cao nhất của JCB với tư cách là một thương hiệu thanh toán quốc tế - kết nối, đồng hành tạo ra giá trị bền vững cho cả đối tác ngân hàng lẫn khách hàng.