Thắt chặt chính sách tiền tệ, vì sao?

Thắt chặt chính sách tiền tệ, vì sao?

(ĐTCK-online) Trong vòng hai năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 17 lần tăng lãi suất của mình và hiện tại duy trì ở mức 5,25%/năm. Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất, Nhật Bản cũng chính thức chấm dứt giai đoạn dài duy trì chính sách lãi suất 0%…

Các nước trên thế giới đang trong giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ và mục tiêu của nó hầu hết là nhằm kiểm soát lạm phát khi giá cả của nhiều loại hàng hóa từ năng lượng như dầu mỏ tới giá các mặt hàng nông, hải sản cũng gia tăng.  Tại Việt Nam cũng không có gì khác khi hơn hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần tăng lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn, liên tục đưa ra các chỉ thị về kiểm soát chất lượng cho vay, mới đây nhất là liên tiếp hai quyết định được ban hành: khống chế mức cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại dưới 3% tổng dư nợ và tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VNĐ.

Trước những động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan ngại rằng, việc thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng tới đầu tư phát triển và khiến lãi suất thị trường vốn đã không thấp lại còn có khả năng tăng. Tuy nhiên, theo khẳng định của NHNN, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không ảnh hưởng tới tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế, mà chỉ có tác động hỗ trợ kiểm soát lạm phát đang có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 3,6%.

 

Chỉ tác động vào tiền dư thừa

Theo ước tính của NHNN, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, số tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt khoảng 1,9 tỷ USD, cộng với giải ngân các nguồn đầu tư trực tiếp và tiền gửi kiều hối đã khiến lượng cung tiền trong nền kinh tế tăng khá cao. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức tín dụng lên tới gần 40%, hầu hết các ngân hàng dư thừa vốn khả dụng kéo dài.

Lượng cung tiền cho nền kinh tế gia tăng, về mặt kinh tế học sẽ khiến lạm phát tăng, một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm giảm lượng tiền ngoài lưu thông và góp phần hạn chế lạm phát.

Theo một quan chức NHNN, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào lao động, chất xám… và các lý thuyết đã chứng minh chính sách tiền tệ về mặt trung hạn không tác động đến sản lượng hay nói khác đi là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với chính sách tiền tệ được thắt chặt như vừa qua của NHNN chỉ tác động tới lượng tiền dư thừa của các ngân hàng thương mại chứ không làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm lượng vốn khả dụng của các ngân hàng (theo ước tính sẽ rút khoảng 40 - 50.000 tỷ đồng vào dự trữ), khiến các ngân hàng không thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách dễ dãi để giải quyết vốn dư thừa, mà ngược lại buộc các ngân hàng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, tức là các dự án có hiệu quả vẫn tiếp cận được vốn ngân hàng, các dự án không hiệu quả sẽ bị loại bỏ. Chỉ riêng ở góc độ này có thể thấy, thắt chặt chính sách tiền tệ như trên sẽ không tác động đến tăng trưởng dài hạn.

 

Đầu tư chứng khoán - không lớn

Trong tổng thể các giải pháp mà NHNN vừa đưa ra, có giải pháp hạn chế cho vay chứng khoán ở mức 3%. Trong các công văn cảnh báo về cho vay đầu tư chứng khoán và các phát biểu của lãnh đạo NHNN trước đây, thì cho vay đầu tư chứng khoán có mức độ rủi ro cao và không được khuyến khích mở rộng. Bản thân trong quyết định về điều chỉnh mức độ an toàn trong cho vay của các tổ chức tín dụng, NHNN cũng nâng mức rủi ro trong cho vay chứng khoán lên 150%, cao hơn nhiều so với các loại cho vay khác.

Theo báo cáo được đưa ra vào cuối quý I/2007 vừa qua của NHNN, mức cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng và công ty tài chính ở mức 2,6% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (khoảng 20.000 tỷ đồng). Mặc dù đánh giá chung được lãnh đạo NHNN đưa ra là tỷ lệ này vẫn nằm trong mức an toàn nhưng NHNN không khuyến khích tăng hơn nữa. Mục đích không chỉ là đảm bảo cho an toàn của ngân hàng, mà còn đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển, theo như đánh giá của NHNN.

Chính vì vậy, yêu cầu hạn chế ở mức 3% dư nợ của mỗi ngân hàng trong cho vay đầu tư chứng khoán chỉ là giải pháp cuối cùng sau khi hàng loạt cảnh báo được đưa ra không được thực thi nghiêm túc, nhiều ngân hàng vẫn liên tiếp đưa ra các dịch vụ mới phục vụ nhà đầu tư.

Với các ngân hàng thương mại, do dư nợ cho vay chứng khoán đã xấp xỉ "mức trần" 3% nên quyết định này đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng không thể tăng thêm dư nợ cho vay, những ngân hàng đã "vượt trần" phải tìm cách hạ tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trong tổng dư nợ.

Báo cáo của các ngân hàng thương mại về dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán đang được gửi tới NHNN, theo thống kê sơ bộ thì có khoảng 10 ngân hàng đã "vượt trần" hạn mức cho vay 3%, hầu hết là các ngân hàng cổ phần. Tuy tên tuổi của các ngân hàng này chưa được tiết lộ, nhưng đó là những ngân hàng nào thì chắc các nhà đầu tư cũng dự đoán được thông qua hoạt động cho vay thời gian qua.

Về cơ bản, các ngân hàng này sẽ phải hạ xuống dưới mức trần, nhưng câu hỏi đặt ngược lại là nếu không hạ thì sao, bởi trong Chỉ thị của NHNN lại không có chế tài đối với các trường hợp này.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, việc hạ ngay tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán xuống dưới mức 3% chắc chắn chưa thể thực hiện được đối với các ngân hàng vượt trần, bởi hợp đồng đã cho vay đều có kỳ hạn và ngân hàng không thể đơn phương thu nợ trước hạn của khách hàng. Tuy nhiên, những ngân hàng này sẽ không thể phát sinh thêm các hợp đồng mới. Những nhà đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng để "quay vòng" sẽ phải quen dần với việc này.