Thắt mà không thắt

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Một động thái thể hiện sự thận trọng. Nhưng chính sách nào cũng có hai mặt của nó.

Đúng như ĐTCK đã phản ánh từ giữa tháng 7, NHNN đã quyết định giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức tối đa 40% xuống mức 30% theo như nội dung của Thông tư 15/2009/TT-NHNN ban hành ngày đầu tuần này. Qua khảo sát nhanh của ĐTCK, phản ứng của các nhà băng đa số ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng tỏ ra lo ngại rằng, sự khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà còn làm giảm doanh thu của chính họ.

Hai mặt chính sách…

Khi được hỏi về tính chất của sự thay đổi này, một vị lãnh đạo NHNN đã phản đối cách gọi đây là một động tác thắt chặt tiền tệ mà chỉ đơn thuần là một chính sách nâng cao tính an toàn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là khả năng thanh khoản.

Tuy nhiên, theo một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần, việc thắt chặt này có thể được hiểu rằng, với cùng một số vốn huy động được, sẽ có ít khả năng cho vay hơn trong hoàn cảnh cơ cấu vốn huy động và cho vay là chưa thay đổi. “Vậy, về bản chất chính sách này là một bước thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Khi NHNN phát đi những tín hiệu kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, đã có rất nhiều lo ngại rằng, lại có một đợt phát hành tín phiếu bắt buộc giống như đầu năm 2008. Nhưng, rốt cuộc cái cách mà cơ quan này thắt chặt tiền tệ thông qua một biện pháp “nâng cao tính an toàn của hệ thống” lại mang đầy tính hợp lý. Thắt mà như không thắt.

Khi NHNN lấy ý kiến của các ngân hàng thương mại về Thông tư 15/2009/TT-NHNN, ngân hàng của vị lãnh đạo trên đã đề nghị rằng, việc áp dụng chỉ nên bắt đầu vào cuối năm 2010, khi nền kinh tế đã hồi phục và bản thân ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị cho sự thay đổi này. Nhưng, thông tư này đã đến sớm hơn, các ngân hàng phải điều chỉnh từ nay tới ngày 1/1/2010 theo đúng tỷ lệ quy định.

Siết “cửa” vay vốn trung và dài hạn từ ngân hàng có thể khiến các doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định vì ngân hàng vẫn là một kênh phổ biến của doanh nghiệp khi cần vay vốn. Mặc dù trên lý thuyết, doanh nghiệp còn có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường vốn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không nhiều.

siết lãi ngân hàng

Văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 15 của NHNN được ban hành kèm theo, cũng quy định việc quản lý kỳ hạn tiền gửi cũng sẽ thay đổi, từ kỳ hạn danh nghĩa (kỳ hạn gốc) sang kỳ hạn thực (kỳ hạn còn lại). Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng không thể “phù phép” các khoản tiền gửi ngắn hạn thành dài hạn như trước đây.

Như vậy, các ngân hàng sẽ có gần 5 tháng để có thể thay đổi cơ cấu vốn huy động và vốn cho vay của mình. Hiện tại, các ngân hàng có lý do để mà lo lắng khi tiền gửi chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Những cú sốc thay đổi lãi suất liên tiếp trong hai năm 2007, 2008 đã khiến người gửi tiền ưu tiên gửi kỳ hạn ngắn. Để khuyến khích người gửi tiền gửi các kỳ hạn dài hơn không phải dễ và sẽ mất nhiều thời gian.

Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, về huy động, chắc chắn ngân hàng sẽ phải tiếp tục gia tăng lãi suất ở các kỳ hạn tiền gửi dài trên 12 tháng nhằm thu hút người gửi tiền. Trong khi ở phía cho vay, ngân hàng sẽ phải “xoay xở” để tìm thêm khách hàng vay vốn ngắn hạn khi đầu ra dài hạn bị “siết”. Đương nhiên, lãi suất cho vay ngắn hạn phải thấp hơn lãi suất cho vay dài hạn. Điều này sẽ khiến các ngân hàng giảm lãi.

Liệu có kịp?

Một yếu tố quan trọng để NHNN có thể quản lý được các ngân hàng về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn là các số liệu thống kê từ ngân hàng. Hiện nay, Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) mới đang trong quá trình soạn thảo một văn bản quy định về quy chế báo cáo số liệu của các ngân hàng thương mại và có lẽ phải cuối năm nay mới có thể ban hành được.

Bản thân NHNN cũng đã thừa nhận rằng việc quản lý dòng tiền của tổ chức tín dụng “đòi hỏi một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại với các phần mềm tương thích tính toán các loại Tài sản Có có thể thanh toán ngay và Tài sản Nợ phải thanh toán và được quản lý tập trung”. Điều này không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng được. Mà muốn đáp ứng được phải cần có thêm thời gian.

Theo thông tin của ĐTCK, nhiều khả năng NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại kết nối trực tuyến với hệ thống công nghệ thông tin của NHNN để thực hiện việc báo cáo số liệu được kịp thời.

Với các bước chuẩn bị như trên, theo một chuyên gia ngân hàng không phải là đơn giản và sẽ cần khá nhiều thời gian. Và có lẽ, bản thân các ngân hàng cũng muốn kéo dài sự chuẩn bị này càng lâu càng tốt.