Thêm cơ hội cho các DN xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

(ĐTCK-online) Trong khi các thị trường lao động mới có thu nhập cao (Australia, Mỹ, Canada…) vẫn chưa có tín hiệu khả quan, thì dấu hiệu “ấm lên” của thị trường Nhật Bản trong thời gian gần đây đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN). Để mắt tới cơ hội này, không ít DN đang lên kế hoạch nhằm “hâm nóng” thị trường lao động nhiều tiềm năng này.

Với tỷ lệ lao động bỏ trốn khá cao vào những năm trước đây (tới 34,1% năm 2003), nhiều năm qua, thị trường lao động Nhật Bản gần như “đóng băng” với lao động nước ta. Số lượng lao động xuất cảnh sang Nhật làm việc rất ít, chỉ vài trăm người mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu nhận lao động nước ngoài vào Nhật làm việc rất lớn, khoảng vài trăm ngàn người mỗi năm và thị trường lao động Nhật phần lớn thuộc về lao động Trung Quốc do những biện pháp chống lao động bỏ trốn hữu hiệu và lợi thế về ngôn ngữ.

Thế nhưng, thời gian gần đây, số lượng lao động nước ta bỏ trốn tại Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2006, tổng số tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn tại Nhật là 168 người, chiếm 4,58% tổng số tu nghiệp sinh sang Nhật, giảm 7 lần so với năm 2003. Điều này đã khiến số lượng tu nghiệp sinh nước ta sang Nhật tăng lên hơn 2.000 người từ đầu năm tới nay, số lượng người bỏ trốn cũng giảm xuống còn 3,7%.

Sự ấm lại của thị trường lao động Nhật Bản không những thu hút mối quan tâm của các DN đã đầu tư lâu dài vào thị trường này mà ngay cả những DN mới cũng đang lấy thị trường trên làm đích ngắm. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Hoàng Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà (SIMCO) cho biết, Công ty đang lên kế hoạch để có chuyến đi Nhật Bản gặp gỡ đối tác trong tháng 9/2007. “Mỗi năm có vài chục lao động xuất cảnh sang Nhật là chưa xứng với tiềm năng cũng như công sức mà chúng tôi bỏ ra tại thị trường này”, ông Khánh nói và cho biết, SIMCO đã nhận được một số đề nghị hợp tác từ Nhật Bản. Các đề nghị trên sẽ được bàn bạc cụ thể trong chuyến đi tới và có thể được cụ thể hoá bằng các hợp đồng cung ứng lao động sang Nhật trong năm tới.

Mặc dù mới đặt chân vào thị trường Nhật Bản, nhưng trong vòng 1 năm, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (Batimex) đã có hơn 20 lao động được đưa sang làm việc tại Nhật. Ông Nguyễn Bá Luận, Giám đốc Batimex Chi nhánh Hà Nội cho biết, thị trường Nhật Bản nhiều tiềm năng, nhưng để khai thác thị trường này, DN thực sự phải có sức bền. Không chỉ phải đầu tư nhiều chi phí khai thác thị trường mà ngay cả khâu tuyển chọn và đào tạo lao động trong nước cũng thật sự phải bài bản. “Thị trường lao động Nhật yêu cầu người lao động phải có kỷ luật cao, đây lại là điểm yếu của lao động nước ta. Do vậy, muốn mở rộng thị trường Nhật, nhất thiết việc đào tạo người lao động phải được chú trọng hàng đầu”, ông Luận nói.

Nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thực hiện một chuyến khảo sát thị trường này trong cuối tháng 8 vừa qua. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, Nhật Bản vẫn cần được nhìn nhận như một thị trường trọng điểm. Tuy với số lượng lao động xuất cảnh hàng năm không lớn như các thị trường Trung Đông, Malaysia , nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. “DN nên nhìn nhận đây như là một cơ hội lớn, bởi thị trường này mang lại thu nhập cao cho người lao động, điều kiện ăn ở tốt, ổn định, nhất là trong bối cảnh các thị trường lao động thu nhập cao khác mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động”, ông Hải đưa ra lời khuyên.