Tuyến tránh TP. Bảo Lộc đang thi công dang dở

Tuyến tránh TP. Bảo Lộc đang thi công dang dở

Thêm gợi ý giúp hồi sinh tuyến tránh TP. Bảo Lộc

0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 vừa nhận được những gợi ý quan trọng để sớm hồi sinh đoạn tuyến thi công dang dở nhiều năm này.

Tìm phương án xử lý dứt điểm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 754/BKHĐT - PTHTĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan đến việc xử lý vướng mắc đối với tuyến tránh TP. Bảo Lộc, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20, đoạn Km0 - Km123+105,17 trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Tuyến tránh TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 15,5 km, là hạng mục được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20, đoạn Km0 - Km123+105,17 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2017. Bộ GTVT phê duyệt bổ sung vào hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư khoảng 760 tỷ đồng.

Theo Hợp đồng gốc số 12/HĐ.BT.BGTVT ký với nhà đầu tư vào tháng 1/2014, tổng mức đầu tư Dự án là 5.264,634 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 601,463 tỷ đồng và vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 250 triệu USD với bảo hiểm hợp đồng vay từ đơn vị tài trợ vốn là Tổ chức bảo hiểm đa phương MIGA thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB). Tổng giá trị thanh toán Dự án tạm xác định là 8.795,38 tỷ đồng.

Để phát huy hiệu quả đầu tư, trên cơ sở đề nghị của địa phương và nhà đầu tư, sau khi cân đối nguồn vốn còn lại của Dự án, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung đầu tư hạng mục nút giao Dầu Giây và tuyến tránh TP. Bảo Lộc vào Dự án.

Theo ông Nguyễn Tạo (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), tuyến tránh TP. Bảo Lộc là tuyến đường huyết mạch được khởi công từ năm 2017, vận chuyển hàng triệu tấn alumin về các cảng ở Đông Nam Bộ, vận chuyển hàng triệu du khách từ Đông Nam Bộ lên Lâm Đồng và giải quyết được nhiều ách tắc giao thông.

Thực hiện chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh Dự án, đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án vào tháng 3/2018 theo đúng quy định pháp luật.

Với việc bổ sung 2 hạng mục nói trên, tổng mức đầu tư Dự án sau điều chỉnh là 5.160,852 tỷ đồng (bao gồm chi phí xây dựng nút giao Dầu Giây khoảng 324 tỷ đồng và tuyến tránh TP. Bảo Lộc khoảng 806 tỷ đồng).

Tổng giá trị thanh toán bao gồm cả các khoản lãi vay, phí, chi phí khác…, tạm xác định là 9.456,356 tỷ đồng, có tính hoàn thuế VAT là 361,869 tỷ đồng trong phương án tài chính Dự án theo ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trên thực tế, nhà đầu tư đã hoàn thành việc nâng cấp Quốc lộ 20 và hoàn thành xây dựng xong nút giao Dầu Giây.

Đối với tuyến tránh TP. Bảo Lộc, nhà đầu tư triển khai xây dựng hạng mục này từ tháng 2/2017. Đến tháng 11/2018, UBND TP. Bảo Lộc đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Đến tháng 10/2020, công trình buộc phải tạm dừng thi công do thiếu vốn khi mới đạt 70% khối lượng.

Tại Công văn số 13906/BGTVT - CĐCTVN gửi lãnh đạo Chính phủ vào đầu tháng 12/2023, Bộ GTVT cho biết, theo phương án tài chính được phê duyệt vào năm 2018, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20, đoạn Km0 - Km123+105,17 được bổ sung nguồn hoàn thuế VAT để trả nợ khoản vay nước ngoài với giá trị khoảng 361,93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0 - Km123+105,17 không được hoàn thuế VAT.

Mặt khác, năm 2018, ngân sách nhà nước cũng chưa kịp bố trí vốn để trả nợ vay nước ngoài nên nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án đã sử dụng nguồn vốn của dự án để trả nợ trước. Với những lý do nói trên, nguồn vốn sử dụng cho đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến tránh TP. Bảo Lộc bị thiếu hụt so với phương án tài chính đã duyệt.

“Do kinh phí giải phóng mặt bằng địa phương phê duyệt tăng khoảng 61,5 tỷ đồng và thuế VAT không được hoàn khoảng 361,869 tỷ đồng, nên Dự án bị thiếu hụt kinh phí, không thể hoàn thành hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc theo yêu cầu”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Ngoài việc gây lãng phí đầu tư do không được đưa vào khai thác đúng kế hoạch, sau khi hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc dừng thi công từ ngày 7/10/2020 đến nay, công tác tổ chức quản lý bảo vệ công trình chưa được các đơn vị liên quan thực hiện; đã xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, tái lấn chiếm phần diện tích đã giải phóng mặt bằng, đào phá ta luy dương đã được gia cố gây hư hỏng rãnh đỉnh…

Tại Công văn số 754, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do thiếu hụt kinh phí nên Dự án không thể hoàn thành hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc theo yêu cầu.

Chính vì vậy, việc Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất phương án để xử lý dứt điểm các vướng mắc, tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc nhằm đảm bảo an toàn giao thông là cần thiết.

Làm rõ phương án bố trí vốn

Tại Công văn số 13906, Bộ GTVT cho biết, đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá một số phương án có tính khả thi để xử lý vướng mắc tuyến tránh TP. Bảo Lộc.

Trong đó, phương án 1 là sử dụng nguồn vốn UBND tỉnh Lâm Đồng đã cam kết cho Dự án (UBND tỉnh Lâm Đồng từng cam kết bố trí kinh phí phần vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh để thực hiện). Phương án 2 là tiếp tục đầu tư tuyến tránh TP. Bảo Lộc bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với phương án 3, Bộ GTVT đề xuất dừng đầu tư hạng mục tuyến tránh TP. Bảo Lộc theo hình thức hợp đồng BT, lập dự án mới đối với các hạng mục còn lại để đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công (khoảng 352,12 tỷ đồng).

Đồng thời, trong thời gian chờ tổ chức lập dự án mới, bàn giao nguyên trạng cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì, nguồn vốn bảo trì hàng năm do Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Bộ xem xét theo quy định.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về phương án xử lý, thống nhất thực hiện theo phương án 3 là phương án có tính khả thi cao nhất. Phương án này cũng được nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thống nhất thực hiện.

Liên quan đến đề xuất nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ các vướng mắc pháp lý cần báo cáo Quốc hội xin cơ chế đặc thù đối với các phương án 1, phương án 2; sự phù hợp của phương án đề xuất (phương án 3) với Hợp đồng BT đã ký với nhà đầu tư, làm rõ ảnh hưởng của việc dừng đầu tư đối với phần còn lại của tuyến tránh TP. Bảo Lộc theo hình thức BT đến Hợp đồng vay của dự án gốc với MIGA vẫn còn thời hạn đến năm 2029 và bổ sung ý kiến của nhà tài trợ về phương án đề xuất.

Bộ GTVT cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát chi phí liên quan đến trả nợ khoản vay, đồng thời tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính về nội dung vay vốn nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần xác định rõ căn cứ pháp lý khi đề xuất sử dụng vốn dư của Dự án ban đầu để bổ sung thêm hạng mục, dẫn tới điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, trong đó có giá trị đầu tư của hai hạng mục và giá trị phải thanh toán tăng thêm, cũng như đề xuất của phương án 3, khả năng cân đối và bố trí vốn để thực hiện đầu tư các hạng mục còn lại của tuyến tránh TP. Bảo Lộc khi tách thành dự án mới.

Tin bài liên quan