Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) đang đầu tư dây chuyền 2, làm tăng nguồn cung thêm 2,5 triệu tấn/năm.

Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) đang đầu tư dây chuyền 2, làm tăng nguồn cung thêm 2,5 triệu tấn/năm.

Thêm nguồn cung, xi măng lại lo tiêu thụ

0:00 / 0:00
0:00
Khả năng tiêu thụ xi măng có thể giảm sâu trong năm 2020, trong khi nguồn cung mới được bổ sung, đang làm tăng áp lực lên các doanh nghiệp xi măng.

Nguồn cung mới

Bất chấp tiêu thụ xi măng nội địa giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19 và xuất khẩu cũng sụt giảm sâu, nguồn cung xi măng trong nước vẫn tiếp tục được bổ sung.

Theo đó, nguồn cung từ các nhà máy mới tăng mạnh vào nửa cuối năm 2020, với 2 dây chuyền gồm Xi măng Tân Thắng (Nghệ An), 2 triệu tấn/năm và dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa). Tổng công suất 2 dây chuyền xi măng mới hoàn thành trong năm 2020 là 4,5 triệu tấn/năm.

Trong đó, Dự án xi măng Tân Thắng đã chính thức đưa vào vận hành và bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường, còn dây chuyền 3, Xi măng Long Sơn dù bị ảnh hưởng tiến độ do dịch bệnh, nhưng vẫn trong tầm ngắm hoàn thành cuối năm nay.

Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc sản xuất, Trưởng ban quản lý Dự án dây chuyền 3, Nhà máy Xi măng Long Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất của việc thi công dây chuyền 3, Nhà máy Xi măng Long Sơn hiện nay là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các chuyên gia đến từ nước ngoài chưa sang Việt Nam để chỉ đạo, thực hiện lắp đặt thiết bị. Nhiều khả năng tiến độ sẽ chậm 1 tháng so với kế hoạch.

“Đến ngày 15/6, công trình xây dựng dây chuyền 3 đạt 90%; các thiết bị của dây chuyền đã nhập về đạt 70%. Hiện các đơn vị thi công đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị, làm tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Lợi nói.

Thị trường hấp thụ một lượng xi măng có hạn, mà nguồn cung lại lớn hơn nhiều so với nhu cầu, nên tiềm ẩn rủi ro cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có “sức khỏe” yếu và cả những doanh nghiệp mới ra mắt do chưa có thị trường, chưa có thương hiệu.

Trong bối cảnh ngành xi măng hoạt động kém khả quan thì lượng công suất tăng thêm đáng kể này tiếp tục dẫn tới tình trạng dư thừa lớn, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng.

Căng mình lo tiêu thụ

Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ xi măng trong nước lẫn xuất khẩu đều bị sụt giảm mạnh do tác động không thuận của thị trường và dịch bệnh. Tại thị trường nội địa, tiêu thụ đã giảm 10%, trong khi xuất khẩu giảm 14,4% so với cùng kỳ. 6 tháng qua cũng chứng kiến mức giá xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh 13,2%, hiện chỉ còn 37,1 USD/tấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết, năm 2020, Công ty đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ 4,1 triệu tấn xi măng và 3,26 triệu tấn clinker. Đến nay, tiêu thụ xi măng đạt 1,6 triệu tấn, tiêu thụ clinker đạt 1,3 triệu tấn, bằng 97% so với cùng kỳ.

“Trong bối cảnh thị trường như vậy đã là cố gắng lớn. Công ty đang rà soát để hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ, tăng sản lượng bán hàng tại miền Trung. Song, do thời tiết nắng nóng, chuẩn bị bước sang mùa mưa, tiêu thụ khó khăn nên áp lực hoàn thành chỉ tiêu những tháng cuối năm là rất lớn”, ông Khôi nói.

Khó khăn về tiêu thụ cũng được ông Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc Nhà máy Xi măng Long Sơn thừa nhận, những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường tiêu thụ xi măng trong nước và thế giới giảm, đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhà máy đã chủ động đánh giá tình hình, đưa ra dự đoán về thị trường để có chính sách phù hợp cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, rà soát, cải tiến kỹ thuật để cắt giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng... Chính vì vậy, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Khó khăn không chỉ đến với riêng ngành xi măng Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), tiêu thụ xi măng nội địa nửa đầu năm 2020 tại các quốc gia trên thế giới gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng bởi Covid-19. Đặc biệt, tiêu thụ nội địa trong quý I/2020 tại các nước xuất khẩu xi măng lớn có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Indonesia giảm 8%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4%, Pakistan giảm 17%, Trung Quốc giảm 13%...

Tạp chí International Cement Review ước tính sản lượng tồn kho của một số doanh nghiệp tại các quốc gia này đã lên tới 3 - 5 tuần tiêu thụ, gây áp lực cạnh tranh giảm giá bán trên thị trường xuất khẩu để giải phóng lượng xi măng tồn kho.

Cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu xi măng trong khu vực đang trở nên gay gắt, cùng với mặt bằng giá xuất khẩu nhìn chung đã giảm đáng kể so với năm ngoái và tiến sát mức giá của các doanh nghiệp Việt Nam, gây áp lực lớn đến triển vọng xuất khẩu của ngành xi măng trong ngắn hạn.

Dự báo ngành xi măng năm 2020

Tổng số dây chuyền: 88

Sản lượng sản xuất toàn ngành: 101 triệu tấn, tăng 7,1%

Sản lượng tiêu thụ toàn ngành: 93 triệu tấn (nội địa 68 triệu tấn, xuất khẩu 25 triệu tấn), giảm 5,1%

Tồn kho: 8 triệu tấn, tăng 720%

Nguồn: FPTS

Tin bài liên quan