Thép Pomina có 3 nhà máy, trong đó Pomina 2 hoạt động bình thường, Pomina 1 và Pomina 3 gặp khó khăn về tài chính

Thép Pomina có 3 nhà máy, trong đó Pomina 2 hoạt động bình thường, Pomina 1 và Pomina 3 gặp khó khăn về tài chính

Thép Pomina (POM): Nhiều đồn đoán về đối tác mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại bị huỷ bỏ do vướng giới hạn tỷ lệ sở hữu 51%, Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán POM) đang tái cơ cấu để có thể hợp tác với một tập đoàn lớn trong nước.

    Chia tay nhà đầu tư ngoại vì vướng room

    Cổ phiếu POM đang nằm trong trạng thái “báo động đỏ” của HOSE với nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu Công ty không thể nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đúng hạn (hai năm trước đã nộp chậm). Theo Thép Pomina, đơn vị kiểm toán vẫn chưa thể làm rõ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ chậm nộp báo cáo.

    Kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của Thép Pomina rằng, Công ty đã phát sinh một khoản lỗ thuần kết thúc tại ngày 30/6 là 504,9 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 758 tỷ đồng; nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 4.377 tỷ đồng. Nhóm Công ty có một số khoản nợ vay quá hạn với số tiền 2.200 tỷ đồng. Những điều này dẫn đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

    Cơ sự trên được Ban lãnh đạo Thép Pomina lý giải, do Công ty có bước đi sai lầm khi bắt đầu thực hiện dự án lò cao vào đúng dịch Covid-19, không đưa được chuyên gia từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp máy, xây dựng, khiến tất cả chi phí tăng lên rất lớn, tỷ lệ nợ vay vượt quá 50% vốn chủ sở hữu, dòng tiền cạn kiệt, hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng đi xuống. Sau đó, thị trường bất động sản nguội lạnh, nhu cầu thép xây dựng xuống rất thấp kéo giá thép về mức đáy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng sa sút.

    Do đó, Thép Pomina cần nhà đầu tư “bơm” tiền để vượt qua khủng hoảng. Lẽ ra, vấn đề đã được giải quyết trong năm 2023 khi doanh nghiệp quyết định hợp tác chiến lược với nhà đầu tư Nhật Bản - Nansei Steel. Hai bên đã đi đến thống nhất phương án hợp tác, đồng thời Thép Pomina cũng xin cổ đông thông qua nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 65%.

    Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông bất thường năm 2024, ông Đỗ Tiến Sĩ, Tổng giám đốc Thép Pomina cho biết, kế hoạch đã không thành công như mong đợi do thép được xếp vào nhóm vật liệu xây dựng, theo Luật Đầu tư hiện hành thì không có giới hạn hay rào cản nào về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Luật Chứng khoán giới hạn tỷ lệ 50% lĩnh vực đầu tư vật liệu xây dựng.

    Như vậy, quy định sở hữu nước ngoài của Luật Chứng khoán “không khớp” với quy định của Luật Đầu tư đã đẩy Thép Pomina vào thế khó. Thực tế trên thị trường, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã được đầu tư sản xuất thép nguội cán nóng, thép xây dựng như Formosa (100% vốn nước ngoài), Thép Việt Úc…

    Thép Pomina đã thuê đơn vị tư vấn xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho mở room ngoại lên trên 51%, nhưng không được. Công ty đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là tìm nhà đầu tư chiến lược trong nước, hoặc huỷ niêm yết để thực hiện mở room lên trên 51%.

    Thép Pomina đã thực hiện nhiều thủ tục để xin nới room, nhưng đều bất khả thi. Công ty không muốn huỷ niêm yết nên đành nói lời “tạm biệt” với Nansei Steel.

    Trông chờ vào nhà đầu tư nội

    Thép Pomina tìm kiếm nhà đầu tư trong nước để ít rườm rà hơn về thủ tục, nhanh chóng giải quyết được tình tài chính của Công ty.

    Thép Pomina đã tìm kiếm nhà đầu tư trong nước để ít rườm rà hơn về thủ tục, nhanh chóng giải quyết được tình tài chính của Công ty.

    Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Pomina, với lợi thế về tài sản 12.000 tỷ đồng, thương hiệu Pomina có chỗ đứng trên thị trường xây dựng phía Nam và “cổ phiếu POM trong lúc này đã rẻ nhất rồi”, nên những người có tiền mặt đều muốn mua Thép Pomina.

    Ở vị thế “người được chọn”, Thép Pomina đã cân nhắc trên nhiều khía cạnh để lựa chọn nhà đầu tư mới. Trong đó, Ban lãnh đạo yêu cầu đối tác nội phải có cùng văn hoá, có tính chính trực, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cho Thép Pomina trong hoạt động kinh doanh sau này.

    “Có nhiều đối tác tìm đến Thép Pomina, nhưng mình chọn đối tác để đi lâu dài nên đó phải là người chính trực. Còn khi có sự nghi ngờ, không tin tưởng nhau thì rất khó làm việc. Sự hợp tác hai bên cần có sự chân thành với nhau như vợ chồng”, ông Thái nói.

    Sau quá trình tiếp xúc, làm việc, ông Thái đánh giá, đối tác hiện tại rất chính trực, có hệ sinh thái rất gần với ngành thép, đó là một lý do để Công ty cân nhắc chọn lựa.

    Một vài cái tên được các cổ đông Thép Pomina nhắc đến như Thaco, Vingroup, nhưng ông Thái đều chưa xác nhận, bởi việc chưa thành, bản thân nhà đầu tư mới cũng chưa muốn lộ diện.

    Theo kế hoạch tái cấu trúc với sự tham gia của nhà đầu tư mới được đại hội cổ đông bất thường nhất trí thông qua, Thép Pomina sẽ đồng bộ khâu luyện và cán thép để tối ưu hoá năng lượng sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và 3 thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ.

    Pomina Phú Mỹ dự kiến có vốn điều lệ 2.700 - 2.800 tỷ đồng, Thép Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ và góp bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và 3; nhà đầu tư mới sẽ sở hữu 65% vốn điều lệ, góp bằng tiền.

    Thép Pomina đang cố gắng đưa lò cao hoạt động trở lại trong quý III/2024 và kỳ vọng có lãi kể từ quý IV/2024 khi thị trường bất động sản dự kiến hồi phục rõ nét. Khi Nhà máy thép Pomina Phú Mỹ chạy hết công suất và đảm bảo sản lượng hàng năm từ 900.000 - 1 triệu tấn, với giá thép hiện tại, doanh thu của Pomina Phú Mỹ có thể đạt 14.000 - 15.000 tỷ đồng/năm.

    Thép Pomina vẫn còn sở hữu Nhà máy thép Pomina 2 tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoạt động với tổng công suất 500.000 tấn thép xây dựng và 500.000 tấn phôi mỗi năm.

    Ban lãnh đạo Thép Pomina đang đặt nhiều kỳ vọng vào đối tác mới cùng dự án Nhà máy thép Pomina Phú Mỹ, đưa thương hiệu Thép Pomina trở lại vị trí số 1 trên thị trường thép xây dựng phía Nam (giai đoạn 2009 - 2010, sản lượng của Thép Pomina chiếm 29,37% sản lượng cả nước).

    Theo Thép Pomina, Pomina Phú Mỹ sẽ giúp Công ty tiết giảm chi phí sản xuất và giải được bài toán khó là giá thành, từ đó lấy lại thị phần thép xây dựng phía Nam. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng bộc bạch với cổ đông, “Công ty đang phải chiến đấu mỗi ngày cho thị phần”.

    Khi thương vụ “bán mình” của Thép Pomina thành công, đối tác mới sẽ giúp giải quyết được vấn đề dòng tiền, cân đối lại bức tranh tài chính, từ đó báo cáo tài chính mới đủ điều kiện để kiểm toán viên không nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, giúp cổ phiếu thoát nguy cơ bị hủy niêm yết trên HOSE. Thương vụ huy động vốn này của Thép Pomina đang rất cấp bách.

    Tin bài liên quan