Thị trường edtech “tăng nhiệt”: Ông lớn cũng phải “đo ni đóng giày”

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường edtech (công nghệ giáo dục) đang nóng lên từng ngày, nơi “bản địa hóa” không còn là một tùy chọn, mà trở thành điều kiện sống còn để chinh phục người học Việt Nam.
Việt Nam hiện có hàng triệu người học trên các nền tảng học trực tuyến

Việt Nam hiện có hàng triệu người học trên các nền tảng học trực tuyến

Cuộc đua “bản địa hóa”: Từ ngôn ngữ đến trải nghiệm

Tác động sâu rộng của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các mô hình AI tạo sinh (GenAI) như ChatGPT, đã làm thay đổi gần như toàn bộ cục diện trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục, một trong những ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng, vừa đối mặt với thách thức về tính hiệu quả, vừa đứng trước cơ hội mở rộng chưa từng có.

Theo ước tính, thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 13,6%, đạt giá trị 348 tỷ USD vào năm 2030. Sự phát triển này không chỉ đến từ nhu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục, mà còn gắn liền với xu thế làm việc từ xa và nhu cầu học tập suốt đời trong bối cảnh kỹ năng lao động thay đổi nhanh chóng.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, khoảng 44% kỹ năng hiện có của người lao động sẽ không còn phù hợp trong vòng 5 năm tới. Sự phổ biến của AI khiến các kỹ năng mới như khoa học dữ liệu, mã hóa và xử lý dữ liệu lớn trở nên cấp thiết. Đồng thời, những kỹ năng "không thể thay thế bởi máy" như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và phân tích cũng trở thành ưu tiên hàng đầu trong các chương trình đào tạo nội bộ doanh nghiệp.

Thắng lợi chỉ đến với bên nào thực sự “nói được tiếng nói của người Việt”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trong bối cảnh đó, Coursera, một nền tảng học tập trực tuyến hàng đầu thế giới, đang nổi lên như một trong những đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp học tập thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Theo ông Greg Hart, Giám đốc điều hành

Coursera, chỉ riêng tại Việt Nam đã có khoảng 1,8 triệu người học trên nền tảng này. Việt Nam hiện đứng thứ ba tại Đông Nam Á về số lượng học viên, sau Philippines (2,8 triệu) và Indonesia (2,1 triệu). Các lĩnh vực được người dùng Việt Nam quan tâm nhiều nhất là khoa học dữ liệu, AI và tiếng Trung.

Đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam, với sự tăng trưởng cả về số lượng người học lẫn kỳ vọng đối với chất lượng dịch vụ. Giai đoạn hậu đại dịch, người dùng không còn dễ dãi với các sản phẩm giáo dục “chắp vá”, hay đơn thuần chuyển ngữ. Thay vào đó, họ tìm kiếm trải nghiệm học tập cá nhân hóa, tương tác cao và quan trọng nhất là được thiết kế theo đúng nhu cầu học thuật, ngôn ngữ và văn hóa của người Việt.

Đón đầu xu hướng địa phương hóa, Coursera vừa triển khai loạt sáng kiến nhằm “đo ni đóng giày” cho thị trường Việt Nam. Trong đó, nổi bật là việc có hơn 3.000 khóa học có phụ đề tiếng Việt, bao gồm các chương trình học từ các đối tác danh tiếng như Đại học Stanford, Đại học Yale, Meta, IBM, Google. Những khóa học kinh điển như Supervised Machine Learning, AI for Everyone, The Science of Well-Being hay Prompt Engineering for ChatGPT trước đây chỉ có tiếng Anh, thì giờ dễ dàng tiếp cận hơn với người học Việt.

Coursera còn tích hợp các công cụ AI như Coursera Coach - trợ lý học tập ảo, hỗ trợ trả lời câu hỏi, tóm tắt bài giảng và gợi ý lộ trình học nghề bằng tiếng Việt. Tính năng Coach Dialogue giúp giảng viên xây dựng hoạt động học tập tương tác dạng đối thoại. Trong khi đó, Course Builder - công cụ xây dựng khóa học bằng AI - hỗ trợ doanh nghiệp và trường đại học thiết kế các chương trình học riêng phù hợp với mục tiêu đào tạo nội bộ.

“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo giáo dục của khu vực. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, Coursera đang mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho người học Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực số mang tính toàn cầu”, ông Greg Hart nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có hàng triệu người học trên các nền tảng học trực tuyến
Việt Nam hiện có hàng triệu người học trên các nền tảng học trực tuyến

Đặt cược vào niềm tin

“Cứ mỗi 4 phút lại có một người học tại Việt Nam đăng ký một khóa học về GenAI”, ông Greg Hart cho biết tại buổi họp báo ngày 9/7 tại Hà Nội. Điều này cho thấy, Coursera đang có chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh.

Chia sẻ về chiến lược phát triển, ông Greg Hart cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc mang lại kết quả học tập tốt nhất cho người học, chứ không vào cuộc đua với đối thủ. Việt Nam là thị trường rất chiến lược và chúng tôi may mắn có nguồn lực tài chính vững mạnh để đầu tư dài hạn”. Coursera đang nắm giữ 748 triệu USD tiền mặt, không có nợ và tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm dựa trên công nghệ.

Nền tảng này cũng đang triển khai nhiều tính năng cải tiến như tính liêm chính học thuật, kiểm tra kiến thức tích hợp và trải nghiệm cá nhân hóa cho người học. Đồng thời, Coursera thúc đẩy các đối tác doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm giúp người học có thêm cơ hội nâng cao kỹ năng và tăng tính đại diện nghề nghiệp sau khi hoàn thành các khóa học.

Không chỉ các ông lớn quốc tế, mà các start-up edtech trong nước cũng đang tăng tốc. Vuihoc.vn, Edupia, Moon.vn, Topica… đã đầu tư mạnh vào công nghệ AI và mô hình adaptive learning (học tập thích ứng), cho phép cá nhân hóa tiến trình học theo từng học sinh.

Nhiều nền tảng đã tích hợp lớp học livestream, giáo viên đồng hành, chatbot học tập 24/7 và các nội dung luyện thi phù hợp với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm mạnh của các start-up trong nước là khả năng thấu hiểu tâm lý học sinh và phụ huynh Việt - yếu tố mang tính quyết định trong một thị trường vẫn khá nhạy cảm về chi phí và sự tin cậy.

Tiềm năng rất lớn, song thị trường edtech Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức, từ khả năng chi trả của người dùng, xu hướng sử dụng nền tảng miễn phí toàn bộ hoặc gói cao cấp trả phí một phần, cho đến vấn đề giữ chân học viên dài hạn. Tuy vậy, chính sách chuyển đổi số quốc gia, các cam kết về phát triển AI và phổ cập kỹ năng số trong giáo dục đang tạo ra cơ hội tăng trưởng rõ rệt cho các bên tham gia thị trường.

Việc Coursera hợp tác cùng 27 đơn vị tại Việt Nam cho thấy hướng đi chiến lược là đưa edtech vào hệ thống giáo dục chính quy, chuyển đổi từ “ngoại biên” thành “lõi” của trải nghiệm giáo dục.

Tại Đại học FPT, hơn 80 khóa học trên Coursera đã được tích hợp vào chương trình chính khóa, chiếm tới 20% số tín chỉ ở một số ngành học.

“Đây là bước đi giúp sinh viên tiếp cận kiến thức toàn cầu, được công nhận tín chỉ và chuẩn bị tốt hơn cho kỷ nguyên AI”, ông Phan Trường Lâm, Trưởng ban Công nghệ Khối Giáo dục FPT chia sẻ.

Giới phân tích cho rằng, người chiến thắng trên thị trường sẽ thuộc về tên tuổi nào “nói đúng ngôn ngữ người Việt”.

Thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam đang chuyển dịch nhanh từ giai đoạn “khởi động công nghệ” sang “chiến lược nội dung và trải nghiệm”. Trong bối cảnh đó, bản địa hóa không còn là việc dịch ngôn ngữ hay lồng tiếng bản địa, mà là năng lực thấu hiểu sâu sắc người dùng Việt Nam: từ mô hình học tập, kỳ vọng của phụ huynh, văn hóa lớp học, cho đến khung chương trình giáo dục và khả năng chi trả.

Cuộc đua giữa các nền tảng quốc tế và start-up nội địa đang diễn ra trên một mặt trận phức tạp, gồm công nghệ, văn hóa, lòng tin. Công nghệ là lợi thế, nhưng không còn là rào cản. Thắng lợi chỉ đến với bên nào thực sự “nói được tiếng nói của người Việt”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Dù là thị trường màu mỡ, học trực tuyến vẫn đang đối mặt với nghịch lý là dễ tiếp cận, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ hoàn thành khóa học trong các chương trình học trực tuyến mở quy mô lớn thường rất thấp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI đang góp phần thay đổi điều này.

Việc tích hợp các công cụ như Coach giúp người học có thể đặt câu hỏi, nhận phản hồi tức thì, luyện tập và theo dõi tiến độ cá nhân hóa, điều mà trước đây chỉ có ở lớp học truyền thống với tỷ lệ giảng viên, học viên thấp. Mô hình học tập kết hợp giữa tương tác AI và con người đang tạo ra trải nghiệm học tập sâu hơn, hiệu quả hơn.

Câu chuyện của edtech không thể tách rời khỏi bức tranh lớn hơn của thị trường việc làm toàn cầu. Theo báo cáo WEF năm 2023, khoảng 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới, trong khi chỉ có khoảng 69 triệu việc làm mới được tạo ra, đồng nghĩa với khoảng 14 triệu việc làm sẽ bị xóa sổ. Đặc biệt, các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp hoặc mang tính lặp lại sẽ là những đối tượng bị thay thế đầu tiên bởi công nghệ.

Ở chiều ngược lại, các công việc mới đang hình thành nhanh chóng, đòi hỏi một lực lượng lao động linh hoạt, học tập suốt đời và có năng lực thích ứng cao. Những kỹ năng liên ngành, như tư duy phản biện trong môi trường số, hiểu biết văn hóa toàn cầu, hay khả năng làm việc với các công cụ AI, sẽ ngày càng trở thành “chứng chỉ sống còn”.

Tin bài liên quan