VN-Index từ ngày 6/4/2022 đến nay giảm trên 30%, trước đó giảm giảm 40% hồi giữa tháng 11/2022, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

VN-Index từ ngày 6/4/2022 đến nay giảm trên 30%, trước đó giảm giảm 40% hồi giữa tháng 11/2022, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Thị trường “Gấu” sắp kết thúc?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang biến động trong giai đoạn cuối thị trường giảm, kỳ vọng chỉ số sẽ sớm chấm dứt thời kỳ thị trường “con gấu” (Bear Market).

Biến động VN-Index có tính chu kỳ

Chỉ số VN-Index trên sàn HOSE được chọn là chỉ số đại diện phản ánh tâm lý thị trường. Các đặc điểm biến động cũng như xu hướng đặc thù của VN-Index sẽ đại diện cho sự thay đổi về tâm lý trong từng giai đoạn của nhà đầu tư. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự vận động của dòng tiền đã hình thành những đặc trưng nhất định có tính quy luật xuyên suốt kể từ năm 2005.

Cụ thể, từ năm 2005 cho đến nay, VN-Index duy trì xu hướng tăng dài hạn. Trong đó, 4 chu kỳ đã hình thành: chu kỳ 1 bắt đầu từ quý II/2005 đến quý I/2009, chu kỳ 2 bắt đầu từ quý II/2009 đến quý IV/2012, chu kỳ 3 bắt đầu từ quý I/2013 đến II/2016, chu kỳ 4 bắt đầu từ quý III/2016 đến quý I/2020. Các thời điểm hình thành cực trị đỉnh của các chu kỳ thường xuất hiện trước các sự kiện kinh tế lớn trên thế giới như khủng hoảng tài chính (2007 - 2008), khủng hoảng nợ công (2012), sự kiện Brexit (2016), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch bệnh Covid-19.

Xét về biên độ biến động, giữa các chu kỳ không có sự tương quan. Các chu kỳ trong quá khứ ghi nhận biên độ biến động lần lượt là 403,3%, 168,1%, 94,3% và 132,2%.

Tuy nhiên, sau khi loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên và kết hợp sử dụng công cụ kênh xu hướng hồi quy trên dữ liệu tuần của VN-Index, chúng tôi nhận thấy 2 đặc điểm chính.

Một là, chỉ số duy trì quy luật xu hướng tăng trưởng dài hạn. Kênh hồi quy giới hạn biến động ghi nhận độ dốc là 22 độ. Các cực trị biến động tại đáy bảo toàn trong khoảng giới hạn với tham số 1,2.

Hai là, các chu kỳ tâm lý ghi nhận sự đồng nhất nhất định về mặt thời gian hình thành biến động. Mỗi chu kỳ tăng và giảm được hình thành trong khoảng 184 tuần. Tính từ quý I/2020 đến nay, VN-Index vẫn đang thực hiện biến động của chu kỳ 5. Biên độ biến động ghi nhận từ đáy trong quý I/2020 kéo dài cho đến quý IV/2021 là 137%.

Về yếu tố thời gian, chu kỳ hiện tại của VN-Index đã ghi nhận 154 tuần biến động. Chúng tôi chia nhỏ biến động chu kỳ tiêu biểu thành 4 giai đoạn: Early Bull (đầu thị trường tăng), Late Bull (cuối thị trường tăng), Early Bear (đầu thị trường giảm) và Late Bear (cuối thị trường giảm).

Sau khi VN-Index vượt qua điểm uốn (Middle Bear - giữa thị trường giảm) vào đầu tháng 9/2022, chỉ số được xác định đang tiếp diễn biến động giảm trong giai đoạn Late Bear. Tính toán dư địa thời gian tương ứng với thời gian của các giai đoạn biến động trong quá khứ, chỉ số có thể sẽ tiếp diễn kịch bản biến động của thị trường Late Bear trong khoảng 30 tuần.

Đánh giá về trạng thái biến động, loại trừ biến động đặc biệt trong giai đoạn Late Bear của chu kỳ 4 khi thị trường giảm mạnh do xuất phát từ sự kiện Covid-19, dạng biến động đặc thù được nhận diện diễn ra trong những giai đoạn cuối của chu kỳ thường có dạng Choppy Market (thị trường răng cưa).

Theo đó, biên dưới của kênh hồi quy xu hướng, tham chiếu tới vùng 830 - 850 điểm, kỳ vọng sẽ là vùng hỗ trợ dưới cho trạng thái biến động này. Nhìn chung, biến động VN-Index được xác định có tồn tại tính chu kỳ trên kênh xu hướng tăng dài hạn.

Diễn biến VN-Index năm 2023 được chúng tôi kỳ vọng sẽ là giai đoạn chuyển tiếp biến động của chu kỳ 5 sang chu kỳ biến động mới. Xác định tính chu kỳ của chỉ số có thể giúp định hình xu hướng chủ đạo và môi trường tâm lý trong tầm nhìn dài hạn. Do đó, để đánh giá và xác định các biến động ngắn và nhạy hơn trên xu hướng này thì các chỉ báo thị trường về biến động cần được quan tâm.

Hai chỉ báo đáng chú ý cho giai đoạn tới

Thứ nhất là chỉ báo McClellan Adjusted Summation Index (MASI), xác định độ rộng biến động thị trường theo từng giai đoạn. Nguyên lý tính toán dựa trên tỷ lệ giữa tổng số lượng cổ phiếu tăng và tổng số lượng cổ phiếu giảm trên HOSE. Theo đó, các tín hiệu đảo chiều được xác định từ tương quan biến động của chỉ báo MASI so với biến động chỉ số

VN-Index. Trong trường hợp biến động VN-Index giảm mà chỉ báo MASI tăng, điều này hàm ý rằng, mức giá thấp của thị trường đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền mới. Các thời điểm đảo chiều của tín hiệu này sẽ được xác định dựa trên giao cắt giữa đường giá trị và đường bình quân 52 kỳ.

Quay lại đánh giá chu kỳ biến động 1 và 2, giao cắt cảnh báo khả năng đảo chiều xuất hiện tại chỉ báo MASI ghi nhận lần lượt tại tuần 16/1/2009 và 4/11/2011, trong khi đó, các cực sự biến động VN-Index xuất hiện sau đó lần lượt tại tuần 27/2/2009 và 6/1/2012.

Trong chu kỳ 3 và 4, các tín hiệu xuất hiện muộn hơn so với các thời điểm tạo đáy của thị trường. Tín hiệu chu kỳ 3 xuất hiện tại tuần 22/4/2016 và chỉ số tạo đáy tại tuần 22/1/2016. Tín hiệu chu kỳ 4 xuất hiện tại tuần 12/6/2020 và chỉ báo xuất hiện tại tuần 27/3/2020.

Biến động đặc thù của chỉ số VN-Index trong những giai đoạn cuối của chu kỳ thường có dạng răng cưa.

Mặc dù các tín hiệu trong 2 chu kỳ gần nhất được đánh giá là trễ hơn so với biến động tạo đáy tuyệt đối của thị trường, nhưng xét về quy luật thời gian giữa các chu kỳ thì tín hiệu này vẫn đóng vai trò xác nhận kịch bản thị trường Bear Market (thị trường con gấu - giảm giá) kết thúc và chỉ số sẽ bắt đầu một chu kỳ biến động mới.

Tuy nhiên, chỉ báo MASI đang duy trì khoảng chênh lệch âm 1,29 với đường tín hiệu 52 kỳ và chưa có dấu hiệu thu hẹp biên độ rõ ràng. Do đó, trên cơ sở xác định tín hiệu từ MASI thì khả năng thị trường sẽ tiếp diễn kịch bản biến động trong thị trường Late Bear.

Thứ hai là chỉ báo High-Low Index, thuộc nhóm chỉ báo độ rộng thị trường, đo lường dựa vào tỷ lệ giữa số lượng cổ phiếu vượt đỉnh và vượt đáy 52 tuần. Số lượng cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần tăng lên hoặc số lượng cổ phiếu vượt đáy 52 tuần trên HOSE giảm đi sẽ khiến cho chỉ báo tăng điểm và ngược lại.

Trong pha giảm (Late Bear) tháng 3/2007 - 2/2009, VN-Index đã tạo đáy đầu tiên vào tháng 6/2008, trước khi tạo đáy thấp hơn tại 240 điểm ở cuối pha giảm. Trái ngược với diễn biến giá, chỉ báo High-Low Index hình thành các đáy tương ứng cao hơn. Tín hiệu này hàm ý rằng, mặc dù thị trường Bear Market chưa kết thúc, nhưng đã xuất hiện nhóm cổ phiếu duy trì trạng thái vượt đỉnh và chiếm ưu thế hơn nhóm cổ phiếu “dò đáy”.

Nhóm cổ phiếu vượt đỉnh đóng vai trò như điểm tựa tâm lý cho nhóm dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở vùng giá thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp thị trường tạo đáy dài hạn và bước vào chu kỳ tăng kế tiếp, kéo dài từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2009.

Trạng thái phân kỳ trên cũng đã xuất hiện khi thị trường kết thúc chu kỳ biến động 2 và quan sát trạng thái chỉ báo trong thời điểm hiện tại cho thấy, đường giá trị đã lùi sâu xuống khu vực 0 - 20 điểm và chưa ghi nhận tín hiệu phân kỳ tương tự. Do đó, dưới góc nhìn từ tín hiệu của chỉ báo High-Low Index, thị trường chưa có đủ điều kiện hình thành đáy dài hạn để khởi đầu cho một chu kỳ tăng mới.

Mặc dù 2 chỉ báo chưa thể xác nhận thị trường Bear Market kết thúc, nhưng tín hiệu này sẽ tiếp tục được chúng tôi theo dõi trong thời gian tới, với mục tiêu xác định sớm vùng đáy của VN-Index trong bối cảnh biến động của giai đoạn Late Bear.

Tin bài liên quan