‘Thị trường hoá’ tiền lương

(ĐTCK-online) Khi thị trường lao động phát triển, tiền công của người lao động sẽ không chỉ do mức lương tối thiểu quyết định, mà chủ yếu do yếu tố cung – cầu quyết định.

Trong khi người lao động đang chờ đợi sự thay đổi thu nhập nhờ chính sách tăng lương tối thiểu của Chính phủ (bắt đầu từ ngày 1/1/2008), thì các DN đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tăng lương này. Trao đổi với Báo Đầu tư, nhiều DN cho rằng, đã từ lâu, DN không còn quan tâm nhiều tới lương tối thiểu, bởi chính sách tiền lương cho người lao động đã nằm trong chiến lược phát triển nhân sự của DN và trên thực tế, để có được lao động giỏi, DN đã trả tiền lương cho người lao động cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định.

Tới thời điểm này, nhân viên Công ty Schmidt Group (công ty quản lý Toà nhà HITC tại Hà Nội) vẫn chưa có thông tin về tăng thu nhập từ việc tăng lương tối thiểu. Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Bích Lan (Quản lý nhân sự Công ty Schmidt Group) là do mức thu nhập của người lao động được nhận hàng tháng đang cao hơn nhiều so với lương tối thiểu, nên người lao động không quan tâm tới việc tăng lương tối thiểu. Tuy không tiết lộ cụ thể về mức lương trung bình người lao động được nhận, nhưng theo bà Lan, mức lương của người lao động trong các DN hiện nay hầu như do thị trường quyết định. “Nếu trả quá thấp, DN sẽ không có được lao động. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu có thể làm tăng mức lương trung bình trên thị trường, nhưng để thu nhập cụ thể của người lao động tăng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cung - cầu lao động…”, bà Lan nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hà Ngãi, Phó giám đốc Công ty Quản lý Tháp Hà Nội cho biết, để tuyển dụng được lao động có tay nghề, nhiều DN đang trả lương cho người lao động cao hơn nhiều so với lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Với mức thu nhập trung bình tại Công ty Quản lý Tháp Hà Nội 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, quyết định tăng lương tối thiểu của Chính phủ không ảnh hưởng tới hoạt động của DN này. Tuy nhiên, khi lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với việc tăng mức lương của người lao động có trình độ, thì DN sẽ phải cân nhắc tới chuyện này khi quyết định có tăng lương cho người lao động theo lương tối thiểu hay không.

Do các DN nhà nước hiện vẫn thực hiện theo cơ chế duyệt đơn giá tiền lương hàng năm, nên khi lương tối thiểu tăng, đơn giá tiền lương của người lao động trong DN sẽ tự động được duyệt theo mức lương tối thiểu mới. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hàng năm, đơn giá tiền lương của các DN nhà nước vẫn được duyệt bởi các sở lao động - thương binh và xã hội. DN được quyết định áp dụng mức lương thấp nhất cao hơn lương tối thiểu nếu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Chi phí lương tăng thêm được tính vào chi phí đầu vào của DN. Người lao động được tăng lương, nhưng DN cũng sẽ phải đối mặt với việc giảm sức cạnh tranh do chi phí đầu vào tăng.

Ông Huân cho rằng, khi thị trường lao động phát triển hơn nữa, việc Chính phủ tăng lương tối thiểu sẽ không quá ồn ã như thời gian qua. Mức lương mà DN trả cho người lao động phụ thuộc vào đàm phán của hai bên và do mức lương trung bình trên thị trường quy định. Nếu người lao động đòi hỏi quá cao, DN sẽ đi tìm lao động khác. Ngược lại, nếu DN trả lương quá thấp, người lao động sẽ tìm chỗ làm khác có mức lương cao hơn. Lương tối thiểu chỉ nhằm bảo vệ những lao động yếu thế, còn mức thu nhập cụ thể của người lao động là bao nhiêu lại do sự điều tiết của thị trường lao động.