Thị trường tài chính 24h: Cơ hội chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên tăng khá mạnh; Còn dư địa ổn định lãi suất; Ưu tiên vị thế dài hạn; Chiến lược phòng thủ thời bão lạm phát; Chứng khoán Việt “ngóng” thị trường Mỹ; PBOC tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,05 – 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,7 USD xuống mức 1.822,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng nhẹ lên 1.825 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,93 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.092 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 – 23.390 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 20.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 21.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,67 USD (+1,52%), lên 111,24 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,25 USD (+1,95%), lên 117,33 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng thêm hơn 15 điểm

Trong phiên sáng, thị trường giao dịch khá nhàm chán khi 2 bên mua bán chủ yếu mang động thái thăm dò, khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Bước vào phiên chiều, lực mua tăng mạnh vào nhóm ngân hàng và bất động sản, qua đó, kéo VN-Index lên vùng giá 1.220 điểm, trước khi lùi nhẹ vào cuối phiên khi áp lực bán gia tăng.

Trên sàn HOSE, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều tăng điểm, trong đó VIB tăng kịch biên độ 6,8%, các mã đáng kể khác là LPB +6,3%, BID + 6%, CTG +4,3, EIB + 6,7%...

Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng cũng đa phần tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng trần như DIG, LDG, HAR, FLC, ROS, TGG, DPG…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,9 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 178,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/6: VN-Index tăng 15,28 điểm (+1,27%), lên 1.218,1 điểm; HNX-Index tăng 345,73 điểm (+1,23%), lên 283,87 điểm; UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,98%), lên 89,01 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai (27/6), khi thị trường gần như không xuất hiện chất xúc tác mới để thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã mất điểm sau khi dao động giằng co quanh tham chiếu vào đầu phiên, với sự suy yếu của các megacaps nhạy cảm với lãi suất như Amazon.com, Microsoft Corp và Alphabet.

Sam Stovall, Chiến lược gia đầu tư của CFRA Research tại New York, cho biết: “Lý do cho sự thiếu định hướng giao dịch trong tuần này và tuần tới là các nhà đầu tư đang tìm kiếm động lực trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II”.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones giảm 62,42 điểm (-0,20%), xuống 31.438,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,63 điểm (-0,30%), xuống 3.900,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 83,07 điểm (-0,72%), xuống 11.524,55 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa trên mức 27.000 điểm quan trọng về mặt tâm lý lần đầu tiên trong hai tuần, khi cổ phiếu năng lượng tăng mạnh, mặc dù sự không chắc chắn về tốc độ tăng lãi suất của Fed đã hạn chế đà đi lên.

Đóng cửa chỉ số Nikkei 225 tăng 0,66% lên 27.049,4 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,06% lên 1.907,38 điểm.

Lĩnh vực hoạt động tốt nhất của Nikkei 225 là năng lượng, tăng 3,8%, sau khi giá dầu thô tăng trở lại. Không có ngành nào giảm nhưng cổ phiếu vật liệu cơ bản có mức tăng thấp nhất, chỉ nhích 0,31%.

Những người tham gia thị trường cho biết, các chỉ số chính sẽ khó đạt được mức tăng lớn hơn do không chắc chắn về mức độ diều hâu của Fed trong việc thắt chặt chính sách và các câu hỏi về việc liệu nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái hay không.

Phiên này cổ phiếu của công ty Điện lực Tokyo tăng tốt nhất trên Nikkei 225, tăng 7,21% trong bối cảnh một đợt nắng nóng ở thủ đô Nhật Bản khiến nguồn cung năng lượng căng thẳng.

Các nhà sản xuất ô tô hoạt động tốt hơn nhờ đồng yên suy yếu gần đây, điều này làm tăng giá trị của doanh số bán hàng ở nước ngoài, với Mitsubishi Motors tăng 5,82%, Nissan tăng 3,13% và Toyota tăng 2,17%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi nước này thông báo thời gian cách ly để đối phó với dịch Covid-19 được cắt giảm một nửa.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,89% lên 3.409,21 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,05% lên 4.490,52 điểm.

Việc kiểm dịch tại các cơ sở tập trung ở Trung Quốc đã được cắt giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày và việc theo dõi sức khỏe tại nhà sau đó đã giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, khu nghỉ dưỡng Disney ở Thượng Hải cho biết họ sẽ mở cửa trở lại công viên giải trí Disneyland vào ngày 30/6.

Cũng thúc đẩy tâm lý thị trường, một quan chức hoạch định nhà nước cho biết, Trung Quốc sẽ tung ra các công cụ chính sách một cách kịp thời để đối phó với những thách thức kinh tế, khi Covid-19 bùng phát và rủi ro từ cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa việc làm và ổn định giá cả.

Phiên này, cổ phiếu các công ty liên quan đến du lịch tăng 5,5%, trong khi cổ phiếu sòng bạc tăng 10%.

Công ty Sân bay Quốc tế Thượng Hải tăng 8,5% ở Thượng Hải, trong khi Trip.com tăng 16,5% và Wynn Macau tăng 12,8% ở Hồng Kông.

Chứng khoán Hồng Kông cũng được hưởng lợi nhờ việc Trung Quốc giảm thời gian cách ly để đối phó với dịch Covid-19 được cắt giảm một nửa.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,85% lên 22.418,97 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,98% lên 7.893,76 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,6%, trong khi Tencent giảm 3,3%, sau khi cổ đông Hà Lan Prosus NV có kế hoạch cắt giảm cổ phần sở hữu trong gã khổng lồ truyền thông xã hội.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 6, khi cam kết triển khai các biện pháp kích thích của Trung Quốc đã xoa dịu một số lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 20,17 điểm, tương đương 0,84% lên 2.422,09 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc theo dõi sức mạnh tại các thị trường Trung Quốc trên quan điểm chính sách vẫn vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities cho biết.

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 20 tháng vào tháng 6, góp phần vào thâm hụt thương mại kỷ lục.

Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 178,20 điểm (+0,66%), lên 27.049,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,02 điểm (+0,89%), lên 3.409,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,45 điểm (+0,85%), lên 22.418,97 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 20,17 điểm (+0,84%), lên 2.422,09 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Còn dư địa ổn định lãi suất

Dù mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ, song theo giới chuyên gia ngân hàng, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi..>> Chi tiết

- Ưu tiên vị thế dài hạn

Dù nhiều nhóm cổ phiếu đã trở về vùng định giá hấp dẫn, nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn diễn biến khó lường nên cơ hội được nhìn nhận chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn..>> Chi tiết

- Chiến lược phòng thủ thời bão lạm phát

Nguy cơ lạm phát đang khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại, tuy nhiên, Việt Nam có khả năng kiềm chế lạm phát, trong khi kinh tế có triển vọng tăng trưởng cao và thị trường chứng khoán hiện có mức định giá rất hấp dẫn..>> Chi tiết

- Chứng khoán Việt “ngóng” thị trường Mỹ

Sự tương quan dương giữa diễn biến VN-Index và chỉ số chứng khoán Mỹ trong hai đợt tăng lãi suất trước của Fed củng cố niềm tin cho nhà đầu vào một nhịp hồi phục ngắn hạn của thị trường..>> Chi tiết

- PBOC tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau sự bùng phát của làn sóng đại dịch Covid mạnh nhất 2 năm từ tháng 3/2022..>> Chi tiết

Tin bài liên quan