Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm lấy lại vị thế dẫn dắt thị trường

Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm lấy lại vị thế dẫn dắt thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index dứt chuỗi 9 phiên tăng; Áp lực dự phòng gia tăng với các ngân hàng; Doanh nghiệp nhiệt điện lao đao; Lợi nhuận khó giảm, cổ phiếu “vua” vẫn dẫn dắt thị trường; VDSC: Tháng 8, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.260 - 1.370 điểm; Chứng khoán châu Á biến động nhẹ; Thị trường tài chính Đông Nam Á chịu ảnh hưởng tiêu cực trước biến thể Delta…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 6/8 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,55 – 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 7,5 USD xuống 1.804,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và dần lùi xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,15% lên 92,38 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.167 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.830 - 23.030 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,86 USD (+1,24%), lên 69,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,90 USD (+1,26%), lên 75,12 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua biến động mạnh khi lùi về đáy dưới 37.500 USD và bật lên về cuối ngày lên trên 40.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên nhưng dần hạ nhiệt nhẹ về quanh 40.700 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh sau 9 phiên tăng liên tiếp

Trong phiên sáng, mặc dù chịu áp lực bán chốt lời sau 9 phiên tăng, nhưng với sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn như VHM, CTG, VNM đã giúp thị trường may mắn giữ được nhịp tăng.

Bước sang phiên chiều, sau khi tiến dần lên trên 1.350 điểm, lực bán dần gia tăng, khiến VN-Index dần hạ độ cao và đóng cửa ở dưới tham chiếu.

Các mã ngân hàng trên HOSE đồng loạt điều chỉnh với ACB, HDB, MBB, TCB, VCB, TPB, VPB đều giảm hơn 1%, ngoại trừ STB, EIB giảm hơn 2%.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn tiếp tục khởi sắc với GMD +2%, HAH +6,7%, STG tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 0,88 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương 56,46 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/8: VN-Index giảm 4,1 điểm (-0,3%) xuống 1.341,45 điểm; HNX-Index đứng tại mức giá tham chiếu 325,46 điểm; UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,4%), lên 88,28 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/8), khi thị trường hưởng ứng dữ liệu tích cực trên thị trường lao động.

Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm 14.000 xuống còn 385.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 31/7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên bị sa thải giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 21 năm trong tháng 7 trong bối cảnh các doanh nghiệp nỗ lực giữ chân nhân công do thiếu hụt lao động.

Thị trường hiện đổ dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm cho tháng 7 sẽ được công bố vào phiên tới.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones tăng 271,58 điểm (+0,78%), lên 35.064,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,44 điểm (+0,60%), lên 4.429,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 114,58 điểm (+0,78%), lên 14.895,12 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, mặc dù thị trường có phần ảm đạm khi nhà đầu tư tránh đặt cược trước dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ được công bố sắp tới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,33% lên 27.820,04 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,02% lên 1.929,34 điểm.

Xu hướng thu nhập lạc quan của các doanh nghiệp, vốn đã nâng đỡ chỉ số Nikkei 225 từ đầu tuần, tiếp tục là động lực trong hôm nay với Fujikura tăng 16,3%, Nikon Corp tăng 8,44% và Konami Holdings tăng 7,41%.

Cũng có một số thất vọng, với sự sụt giảm 10,61% của Kobe Steel và Nintendo giảm 7,22% sau khi báo cáo kết quả tài chính quý vừa qua.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do lo lắng về sự gia tăng liên tục của các trường hợp nhiễm mới Covid-19 mới và các quy định thắt chặt mới của chính phủ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,24% xuống 3.458,23 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,55% xuống 4.921,56 điểm.

Nhưng cả hai chỉ số đều có mức tăng trong một tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 6, với CSI300 tăng 2,3% và Shanghai Composite tăng 1,8%.

Cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe sụt giảm mạnh với chỉ số theo dõi lĩnh vực này giảm 3,75%. Sự sụt giảm diễn ra khi Trung Quốc hôm nay báo cáo số lượng hàng ngày cao nhất về các ca nhiễm Covid-19 mới trong đợt bùng phát hiện tại.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do lo ngại về việc thắt chặt các quy định của chính phủ và tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh, nhưng dòng vốn ròng từ Đại lục đã giúp chỉ số chính không giảm sâu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm gần 0,1% xuống 26.179,40 điểm và tăng 0,84% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25% xuống 9.273,55 điểm.

Cổ phiếu của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group tiếp chuỗi giảm sâu, hôm nay mất thêm 4,59% sau khi S&P Global hạ xếp hạng tín nhiệm đối với Evergrande và một số công ty con.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, do áp lực bởi tình trạng lây nhiễm nhanh của biến thể Delta và tác động của nó trên toàn khu vực.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 5,77 điểm, tương đương -0,18% xuống 3.270,36 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số KOSPI vẫn tăng 2,13% trong tuần, đánh dấu mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 4.

Hàn Quốc thông báo sẽ gia hạn các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội thêm hai tuần, khi số ca lây nhiễm hàng ngày tiếp tục ở mức gần các con số kỷ lục.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay là của Ngân hàng Kakao, đã tăng 75% so với giá của phiên IPO, để trở thành công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Hàn Quốc, tính theo vốn hóa thị trường.

Kết thúc phiên 6/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 91,92 điểm (+0,33%), lên 27.820,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,32 điểm (-0,24%), xuống 3.458,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 25,29 điểm (-0,10%), xuống 26.179,40 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,77 điểm (-0,18%), xuống 3.270,36 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực dự phòng gia tăng với các ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nợ xấu của ngành ngân hàng nhìn chung tăng không đáng kể, nhưng dự báo thời gian tới có nguy bùng phát..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp nhiệt điện lao đao

Lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện giảm mạnh, tình trạng này có thể tái diễn trong 1, 2 quý tới..>> Chi tiết

- Lợi nhuận khó giảm, cổ phiếu “vua” vẫn dẫn dắt thị trường

Nhiều chuyên gia dự đoán, lợi nhuận ngân hàng khó giảm trong nửa cuối năm, nên cổ phiếu vua sẽ sớm lấy lại vị thế dẫn dắt thị trường..>> Chi tiết

- VDSC: Tháng 8, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.260 - 1.370 điểm

Với hai yếu tố là sự trở lại của khối ngoại, cũng như tâm lý thị trường có thể tốt hơn trong ngắn hạn nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin tại TP.HCM, thị trường chứng khoán tháng 8 được kỳ vọng sẽ tích lũy đi lên..>> Chi tiết

- Bloomberg: Thị trường tài chính Đông Nam Á chịu ảnh hưởng tiêu cực trước biến thể Delta

Sự kết hợp giữa sự gia tăng đột biến của biến thể Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến Đông Nam Á trở thành điểm nóng về virus tồi tệ nhất trên thế giới và thị trường tài chính khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực..>> Chi tiết

Tin bài liên quan