Thị trường tài chính 24h: Doanh thu và lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp đều “đi lùi”

Thị trường tài chính 24h: Doanh thu và lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp đều “đi lùi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index về dưới 1.050 điểm; “Lỗi hệ thống” trong bảo hiểm; Kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp lộ diện mảng xám; 1,1 tỷ USD trái phiếu phát hành trong quý I: Nửa mừng, nửa lo; Nga đang hạ giá dầu để xuất khẩu sang các nước vùng Vịnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 19/4 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,35 – 66,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 10,3 USD lên 2.005,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm mạnh và về dưới 1.975 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,04 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.626 đồng/USD, tăng 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.305 – 23.645 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng trở lại lên 30.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm mạnh và về gần 29.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,38 USD (-1,71%), xuống 79,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,60 USD (-1,89%), xuống 83,17 USD/thùng.

VN-Index để mất 1.050 điểm

Sau 2 tuần hoạt động tích cực, dòng tiền đã thận trọng trở lại khi bước vào tuần giao dịch mới khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp quanh ngưỡng hỗ trợ là đường MA50 (1.053) với thanh khoản thấp và không có nhóm nào đủ sức để dẫn dắt.

Phiên giao dịch sáng nay tiếp tục lình xình khiến VN-Index dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng tham chiếu.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, lực bán gia tăng, trong khi lực cầu vẫn duy trì sự thận trọng khiến VN-Index bị đẩy mạnh xuống dưới tham chiếu và mất mốc 1.050 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 34,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 482,07 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/4: VN-Index giảm 6,04 điểm (-0,57%), xuống 1.048,98 điểm; HNX-Index giảm 2,4 điểm (-1,15%), xuống 205,85 điểm; UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,79%), xuống 78,11 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Duy nhất chỉ số S&P 500 trên Phố Wall duy trì sắc xanh nhẹ trong phiên thứ Ba (18/4), nhờ sức mạnh của một số cổ phiếu công nghệ lớn đã chống chịu tốt trước các báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ Johnson & Johnson và Goldman Sachs.

Cổ phiếu của J&J đã giảm 2,8%, sau khi tập đoàn chăm sóc sức khỏe này cảnh báo các nhà đầu tư về tác động kéo dài của chi phí do lạm phát trong năm nay.

Trong khi cổ phiếu của Goldman giảm 1,7% sau khi lợi nhuận quý đầu tiên của năm 2023 giảm 19% do hoạt động giao dịch và giao dịch trái phiếu sụt giảm.

Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Dow Jones giảm 10,55 điểm (-0,03%), xuống 33.976,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,55 điểm (+0,08%), lên 4.154,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,31 điểm (-0,03%), xuống 12.153,41 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau chuỗi tăng liên tiếp 8 phiên, bị kéo lùi bởi các cổ phiếu công nghệ nặng lớn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,18% xuống 28.606,76 điểm điểm. Chỉ số Topix giảm 0,02% xuống 2.040,38 điểm.

Phiên này, ngành bảo hiểm tăng 2,31% để trở thành ngành hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Theo sau là ngành ngân hàng tăng 1,16% và ngành năng lượng và ngành thép tăng 0,95%.

Trái lại, nhà sản xuất linh kiện điện tử TDK mất 1,81% để trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225 và Nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron đi ngang và nhà sản xuất tấm silicon Shin-Etsu Chemical mất 0,53%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do sự phục hồi kinh tế gập ghềnh sau khi nước này từ bỏ chính sách zero-COVID và dữ liệu vĩ mô quý đầu tiên không đồng đều đè nặng lên tâm lý.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,68% xuống 3.370,13 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,9% xuống 4.124,56 điểm.

Trung Quốc đã báo cáo tăng trưởng quý đầu tiên cao hơn dự kiến vào thứ Ba nhưng một số dữ liệu chỉ ra xu hướng phục hồi không đồng đều.

Các nhà phát triển bất động sản dẫn đầu đà giảm với mức giảm 2,6%, sau khi dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy đầu tư bất động sản giảm 5,8% so với một năm trước đó.

Dữ liệu cũng cho thấy tăng trưởng sản lượng nhà máy thấp hơn kỳ vọng, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt mức cao nhất gần hai năm.

"Chúng tôi đã cảnh báo rằng một số điểm mạnh, chẳng hạn như nhu cầu bị dồn nén và sản xuất bắt kịp sau 'làn sóng thoát' COVID, có thể mờ dần tuần tự trong những tháng tới," Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý suy yếu, một số nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào cổ phiếu AI. Sự điên cuồng xung quanh chatbot ChatGPT đã thúc đẩy cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT).

Theo đó, cổ phiếu của ngành truyền thông tăng 0,8%, trí tuệ nhân tạo tăng 0,3% và chất bán dẫn tăng 0,5%.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu chi phối lớn là công nghệ trượt dốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,37% xuống 20.367,76 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,63% xuống 6.889,01 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 2,4%, với Alibaba Group Holding Ltd giảm 2,7%, ngay cả sau khi Reuters đưa tin rằng, các nhà quản lý Trung Quốc dự kiến sẽ phạt Ant Group ít hơn khoảng 1/4 so với kế hoạch ban đầu hơn 1 tỷ USD.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, khi cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô phục hồi, trong khi tâm trạng chờ đợi và đứng ngoài là phổ biến trước báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của các công ty lớn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,99 điểm, tương đương 0,16% lên 2.575,08 điểm.

Tâm lý thận trọng khi các nhà sản xuất chip và sản xuất ô tô lớn của Hàn Quốc dự kiến sẽ báo cáo kết quả quý kinh doanh đầu tiên trong năm 2023 của họ vào tuần tới.

Phiên này, cổ phiếu Hyundai Motor Co và Kia Corp tăng lần lượt 1,15% và 3,26%, bù đắp cho đà giảm trong trong phiên trước đó.

Các cổ phiếu lớn khác như gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics Co Ltd giảm 0,15%, SK Hynix Inc tăng 0,68%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution Ltd giảm 1,69%.

Kết thúc phiên 19/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 52,07 điểm (-0,18%), xuống 28.606,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 23,20 điểm (-0,68%), xuống 3.370,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 282,75 điểm (-1,37%), xuống 20.367,76 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,99 điểm (+0,16%), lên 2.575,08 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Lỗi hệ thống” trong bảo hiểm

Khi xảy ra tranh chấp, việc các bên đổ lỗi cho nhau là “chuyện thường ngày ở huyện” trên thị trường bảo hiểm mà tới nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, nguyên nhân được cho là mang tính “hệ thống”, tức là đến từ nhiều phía..>> Chi tiết

- Kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp lộ diện mảng xám

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt ở mức thấp, bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang dần lộ diện cũng cho thấy nhiều mảng xám, doanh thu và lợi nhuận đều “đi lùi”..>> Chi tiết

- 1,1 tỷ USD trái phiếu phát hành trong quý I: Nửa mừng, nửa lo

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong quý I/2023 tăng vọt so với quý liền trước. Song cũng có những điểm đáng chú ý ở các thương vụ phát hành..>> Chi tiết

- Nga đang hạ giá dầu để xuất khẩu sang các nước vùng Vịnh

Trong bối cảnh đang bị các nước phương Tây cấm vận và áp mức giá trần, dầu Nga đã tìm được một đối tượng khách hàng ít ai ngờ tới là những nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa khổng lồ ở vùng Vịnh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan