Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4?

Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, điều nhà đầu tư quan tâm là diễn biến thị trường sẽ như thế nào, đặc biệt là hai chủ điểm chính dự kiến sẽ có tác động mạnh là các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ với nhiều đối tác thương mại và hệ thống KRX trong nước sẽ chính thức được vận hành vào ngày 05/5.

Tính chung trong tháng 4/2025, chỉ số VN-Index đã giảm 81 điểm, tương đương -6,2% từ ngưỡng gần 1.307 điểm xuống 1.226 điểm. Ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đầy bất ngờ của Mỹ đối với hàng nhập khẩu, với mức thuế đối ứng rất cao áp cho nhiều quốc gia, trong đó không ít là các đồng minh thân cận của nước này.

Đối với Việt Nam, mức thuế đối ứng là 46%, cao hơn rất nhiều so với dự báo, khiến áp lực bán tháo gia tăng trên thị trường chứng khoán và đã chứng kiến những phiên lao dốc mạnh, trong đó, phiên ngày 3/4 ghi nhận mức giảm gần kịch sàn -6,7% với VN-Index.

Thị trường sau đó tiếp tục gặp khó và rơi về ngưỡng 1.095 điểm, tương đương mất 211 điểm so với cuối tháng 3 mới cho tín hiệu hồi phục, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng giật cục, dao động với biên độ lớn trong nhiều phiên sau đó. Trong đó, phiên 10/4 cũng là một phiên lịch sử khi VN-Index tăng 6,77%...

Về diễn biến các chỉ số chính, nếu xét riêng về tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, từ năm 2015 đến nay, VN-Index tương đối cân bằng với 5 lần tăng, 5 lần giảm và năm 2023 gần như không đổi.

Cụ thể, VN-Index có tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ là vào năm ngoái 2024, với mức tăng gần 3%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2018 với mức giảm 6,22%.

Trong tuần giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ, tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index là vào năm 2020 với mức tăng 5,8% và giảm mạnh nhất là vào năm 2022 khi mất 2,7%.

Trong tháng giao dịch tiếp theo, tháng 5 với hiệu ứng “Sell In May, Go Away” - do thường rơi vào thời điểm thị trường thiếu vắng thông tin, khiến cho tâm lý giao dịch cầm chừng, nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn. Thậm chí, một số còn quyết tâm bán, “hold” lại tiền mặt và danh mục để tìm kiếm cơ hội trong tháng mới.

Mặc dù vậy, theo thống kê của Báo đầu tư Chứng khoán, trong tháng 5 của 10 năm giao dịch gần nhất, hiệu ứng “Sell In May” đã bị lấn át bởi “Buy In May”, khi có tới 7 lần tăng và chỉ 3 lần giảm.

Nhìn chung khoảng 5, 6 năm trở lại đây, tháng 5/2020 là đáng chú ý nhất, khi đó là thời điểm đời sống xã hội bị đảo lộn bởi dịch Covid-19, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ, với hiệu ứng dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới – F0, thanh khoản đạt hơn 111.682 tỷ đồng, tăng gần 33% so với tháng trước đó và giúp VN-Index tăng 12,4%.

Trong tháng 5 gần nhất, năm 2024, chỉ số VN-Index tăng hơn 4,3% so với tháng trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 826 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 21.594 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm nhẹ 1,96% về khối lượng và tăng 1,03% về giá trị so với tháng 4/2024.

Tháng 5 năm 2025 này sẽ diễn biến ra sao ?

Tâm điểm thu hút sự chú ý trong tháng 5/2025 đối với thị trường chứng khoán, cũng như nền kinh tế là hai vấn đề chính.

Một là các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ của nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý nhất có lẽ là những diễn biến đối thoại, đàm phán với Trung Quốc, khi trong những ngày gần đây xuất hiện những thông tin nhiễu loạn từ cả phía chính phủ Mỹ và Trung Quốc.

Điểm tích cực là cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đã có những tín hiệu dịu giọng, ôn hòa hơn trước đó.

Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 4/2025, Trung Quốc thông báo đã hủy bỏ mức thuế 125% cho một số mặt hàng là dược phẩm do Mỹ sản xuất. Đây là mức thuế mà Bắc Kinh đưa ra để đáp trả mức thuế 145% của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cùng với dược phẩm, khoảng 131 danh mục sản phẩm cũng được xem xét miễn trừ thuế, bao gồm, hóa chất, động cơ máy bay…

Trước đó ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập khả năng giảm mạnh mức thuế 145% đang áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, nếu tiến trình đàm phán giữa hai bên đạt được tiến triển.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng thừa rằng thế bế tắc với Trung Quốc là "khó có thể duy trì lâu dài", và dự báo “thương chiến” có thể sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới...

Đối với Việt Nam, dự kiến đoàn đàm phán sẽ tới Mỹ vào ngày 1/5. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm các nước được Mỹ ưu tiên đàm phán cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia...

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Mỹ.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương đàm phán ký kết trong tháng 5 các hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản... nhằm bảo đảm cân bằng thương mại bền vững.

Vấn đề tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là trong nước, với việc hệ thống giao dịch mới KRX sẽ chính thức được vận hành ngay sau kỳ nghỉ lễ, bắt đầu từ phiên ngày 5/5/2025.

Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ xử lý lệnh, đảm bảo giao dịch thông suốt với khối lượng lớn, cung cấp công cụ kiểm soát thị trường theo thời gian thực, tăng tính minh bạch và an toàn.

Nhà đầu tư có thể tham khảo một số khác biệt về tính năng của hệ thống KRX sắp triển khai tại ảnh minh dưới đây.

Hệ thống KRX mới so với hiện tại. Nguồn: VCBS.

Hệ thống KRX mới so với hiện tại. Nguồn: VCBS.

Tin bài liên quan