Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu bất động sản nổi sóng, nhưng vị thế mua mới cần cân nhắc kỹ

Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu bất động sản nổi sóng, nhưng vị thế mua mới cần cân nhắc kỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ về 1.065 điểm; Hạ lãi suất được không?; Cổ phiếu bất động sản tạo sóng... trong bão; Doanh nghiệp tiếp tục mạnh tay cắt giảm lao động; Phố Wall không tin Fed sẽ thành công đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 23/5 giảm 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,8 USD xuống 1.971,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp và về gần 1.955 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.670 đồng/USD, giảm 14 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ về 26.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên 27.400 USD trước khi lùi về 27.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,03 USD (+0,04%), lên 72,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,04 USD (+0,05%), lên 76,03 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ về 1.065 điểm

Thị trường lùi bước trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng tại nhóm bluechip, chỉ số VN-Index có thời điểm rơi xuống 1.065 điểm trước khi bật trở lại ngưỡng này ở những phút cuối.

Đáng chú ý là cổ phiếu ACB, dù chỉ có mức tăng 1,2% lên 25.350 đồng, nhưng ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ đầu tháng 2/2022 với hơn 21,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Thông tin khiến ACB nhận được sự chú ý của nhà đầu tư có lẽ đến từ việc Ngân hàng này mới đây đã thông báo, ngày 02/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền theo tỷ lệ 10% và cổ phiếu theo tỷ lệ 15%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 20,58 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 608,5 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/5: VN-Index giảm 4,79 điểm (-0,45%), xuống 1.065,85 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,05%), xuống 215,79 điểm; UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,27%), xuống 81,00 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính trên Phố Wall kết thúc trái chiều vào thứ Hai (22/5), với Nasdaq được hỗ trợ bởi mức tăng của Alphabet và Meta Platforms, trong khi S&P 500 gần như đi ngang khi các nhà đầu tư thận trọng trước vòng đàm phán mới về việc nâng trần nợ của Mỹ.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thông báo sẽ gặp nhau để đàm phán vào thứ Hai, sau khi các cuộc thảo luận của họ gần như thất bại vào thứ Sáu tuần trước.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 140,05 điểm (-0,42%), xuống 33.286,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65 điểm (+0,01%), lên 4.192,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 62,88 điểm (+0,50%), lên 12.720,78 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh từ mức cao nhất trong 33 năm, khi một số nhà đầu tư chốt lời sau một đợt tăng kéo dài tám ngày liên tiếp.

Đóng cửa, Chỉ số Nikkei giảm 0,42% xuống 30.957,77 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,66% xuống 2.161,49 điểm.

Trong một động thái bất thường khiến các nhà giao dịch bối rối, Toyota Motor Corp đã giảm 4,77% trong những giây phút giao dịch cuối cùng để trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất của Nikkei 225.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng khoảng 7,7% kể từ ngày 10/14 để đạt mức cao nhất vào thứ Ba, đưa chỉ báo RSI lên 85 điểm, gần tiệm cận với với mức quá mua.

Đáng chú ý nhất phiên này là cổ phiếu Nippon Paper Industries Co, đã tăng 15% sau khi Nomura nâng hạng cổ phiếu lên "mua".

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi những người tham gia thị trường vẫn lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm lại của nước này, trong khi đồng nhân dân tệ suy yếu và rủi ro địa chính trị cũng khiến tâm lý nhà đầu tư mong manh.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,52% xuống 3.246,24 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,41% xuống 3.913,19 điểm.

Thị trường tài chính đang mất niềm tin vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc", Wei He, nhà kinh tế Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết, khi dữ liệu tuần trước cho thấy sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế đang mất đà.

Đồng Nhân dân tệ suy yếu một lần nữa vào thứ Ba, xuống gần mức thấp mới trong 5 tháng, bị đè nặng bởi sự phục hồi yếu kém của Trung Quốc và khi những bình luận diều hâu từ các ngân hàng trung ương Mỹ đã hỗ trợ đồng USD tăng giá.

"Sự mất giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ có thể làm xáo trộn tốc độ dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và gây lo ngại về khả năng nới lỏng chính sách nhiều hơn", Li Lifeng, chiến lược gia trưởng tại Huaxi Securities cho biết trong một lưu ý.

Hầu hết các lĩnh vực trên thị trường Trung Quốc đều giảm, với các công ty bảo hiểm giảm 3,3%, trong khi cả các công ty liên quan đến chất bán dẫn và các công ty liên quan đến du lịch đều giảm 2%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các cuộc đàm phán trần nợ kéo dài của Mỹ và căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục đè nặng lên tâm lý.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,25% xuống 19.431,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,35% xuống 6.603,57 điểm.

Sự không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ và triển vọng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư Hồng Kông trong thời gian tới, theo Zhang Sida, một nhà phân tích tại Guoyuan International.

Tiếp tục đè nặng thị trường đến từ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Sun Weidong, cáo buộc hội nghị thượng đỉnh G7 do Mỹ dẫn đầu đã thể hiện "tâm lý Chiến tranh Lạnh" vào thứ Hai, làm tiêu tan sự lạc quan về sự hạ nhiệt trong căng thẳng địa chính trị.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ bảy liên tiếp, được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất pin.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,47 điểm, tương đương 0,41%, lên 2.567,55 điểm.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ giữ lãi suất không thay đổi lần thứ ba vào thứ Năm để đánh giá tác động của các đợt tăng trước đó đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.

Phiên hôm nay, cổ phiếu các nhà sản xuất pin tăng mạnh nhất trong số các cổ phiếu trọng số lớn, với LG Energy Solution tăng 2,5%, công ty mẹ LG Chem tăng 2,71% và các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt tăng 1,43% và 1,83%.

Kết thúc phiên 23/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 129,05 điểm (-0,42%), xuống 30.957,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 50,23 điểm (-1,52%), xuống 3.246,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 246,92 điểm (-1,25%), xuống 19.431,25 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,47 điểm (+0,41%), lên 2.567,55 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Hạ lãi suất được không?

Với việc điều tiết cung tiền lỏng tay hơn thông qua các công cụ trên thị trường mở như OMO, không loại trừ khả năng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành vài lần nữa..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản tạo sóng... trong bão

Nhiều cổ phiếu bất động sản nổi sóng trong thời gian qua, giá tăng từ 20 - 50%. Dư địa tăng được nhận định vẫn còn, nhưng vị thế mua mới cần cân nhắc kỹ..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp tiếp tục mạnh tay cắt giảm lao động

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, môi giới bất động sản vẫn đang mạnh tay cắt giảm nhân sự để giảm chi phí, cầm cự qua khó khăn..>> Chi tiết

- Phố Wall không tin Fed sẽ thành công đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%

Một số chuyên gia tại Phố Wall cho rằng đến cả suy thoái cũng không thể đưa lạm phát của nước Mỹ xuống mức mục tiêu của Fed..>> Chi tiết

Tin bài liên quan