Thị trường tài chính 24h: Với nhà đầu tư mới, đây là cơ hội tốt để giải ngân dần

Thị trường tài chính 24h: Với nhà đầu tư mới, đây là cơ hội tốt để giải ngân dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt hơn 35 điểm; Không nên siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Giữ cổ phiếu chờ nhịp tăng mới; Hẹp dần "sân chơi” trái phiếu; Trung Quốc hối thúc các ngân hàng tăng cường cho vay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/5 giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 750.000 đồng/lượng chiều mua vào và 650.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 68,10 – 69,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,9 USD/ounce lên 1.866,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 1.857 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,21 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.103 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.070 – 23.350 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 29.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và có thời điểm vượt 30.000 USD trước khi bị đẩy nhẹ về 29.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,63 USD (+1,48%), lên 110,40 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,43 USD (+1,24%), lên 114,97 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 35 điểm

Dòng tiền nhập cuộc tích cực hơn hẳn các phiên gần đây, nên dù chịu chút áp lực cho VN-Index về ngưỡng 1.245 điểm đầu phiên sáng, nhưng thị trường đã nhanh chóng bật mạnh trở lại.

Bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động mạnh mẽ hơn, trong khi cung giá thấp không còn, sắc tím đã dần lan rộng và chốt phiên với 48 mã, VN-Index tăng vọt hơn 35 điểm lên gần 1.270 điểm khi đóng cửa.

Nhóm dầu khí sắc tím xuất hiện tại PGC, PVT, PET, PVD… Nhóm phân bón 2 mã đầu ngày DPM và DCM cũng kịch trần.

Nhóm thủy sản, ngoài IDI còn có hàng loạt mã khác khoe sắc tím như ANV, VHC, CMX, FMC, ACL, hay nhóm xây dựng bất động sản có thêm CTD, SZC…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,92 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 41,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/5: VN-Index tăng 35,05 điểm (+2,84%), lên 1.268,43 điểm; HNX-Index tăng 8,96 điểm (+2,93%), lên 314,91 điểm; UPCoM-Index tăng 1,66 điểm (+1,78%), lên 94,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq trên phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ vào thứ Ba (24/5), do lo ngại rằng các động thái cứng rắn nhằm kiềm chế lạm phát của Fed và cảnh báo đáng lo ngại của Snap Inc.

Phần lớn gánh nặng tâm lý gây ra đối với thị trường là áp bán tháo tại Snap Inc, với cổ phiếu giảm tới hơn 43%, sau khi thông báo công ty có thể không đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong quý hiện tại và cảnh báo sự suy giảm trong tuyển dụng lao động.

Các cổ phiếu truyền thông, mạng xã hội khác theo đó chịu ảnh hưởng và giảm sâu, với Meta Platforms (Facebook) Alphabet (Google), Twitter và Pinterest đã giảm từ 5% đến 24%, và kéo lĩnh vực Dịch vụ truyền thông của S&P 500 giảm 3,7%.

Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Dow Jones tăng 48,38 điểm (+0,15%), lên 31.928,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,27 điểm (-0,81%), xuống 3.941,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 270,83 điểm (-2,35%), xuống 11.264,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm theo chân phố Wall đêm qua, mặc dù đà đi xuống được hạn chế do một số nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu giảm mạnh gần đây.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,26% xuống 26.677,80 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,09% xuống 1.876,58 điểm.

Shuji Hosoi, Chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ tín hiệu nào về biến động thị trường và các nhà đầu tư đã thận trọng đặt cược trước cuộc họp tiếp theo của FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ). Không có bất kỳ dấu hiệu nào có thể làm giảm bớt lo ngại về suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, cổ phiếu Nhật Bản đã giảm xuống mức mà các nhà đầu tư có thể mua chúng với giá rẻ”.

Phiên này cổ phiếu Recruit Holdings giảm 3,31% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, trong khi SoftBank Group giảm 1,71%.

Tập đoàn Toshiba tăng 2,41% sau khi một báo cáo cho biết quỹ được nhà nước hậu thuẫn Japan Investment Corp (JIC) đang xem xét việc mua lại Tập đoàn.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi lo lắng về tăng trưởng chậm lại trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,19% lên 3.107,46 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,61% lên 3.983,18 điểm.

Khi Covid-19 bùng phát và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt gây ảnh hưởng đến Trung Quốc, các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế nước này xuống thấp nhất là 3%, đánh dấu sự khác biệt lớn so với mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 5,5%

Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc cam kết giữ tăng trưởng tín dụng ổn định trong lĩnh vực bất động sản và giúp những người mua nhà bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể hoãn thanh toán thế chấp và ngân hàng trung ương nước này cho biết, họ sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để tăng tín dụng một cách thích hợp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu công nghệ vào cuối ngày.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,29% lên 20.171,27 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,22% lên 6.898,56 điểm.

Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông đã tăng 0,3% sau khi giảm 1% trong giao dịch buổi sáng.

“Các vấn đề quan trọng vẫn còn” trong việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về tranh chấp kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, một quan chức của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho biết hôm thứ Ba.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, khi giới đầu tư cũng tìm mua nhóm cổ phiếu đã giảm mạnh gần đây.

Đóng cửa, chỉ số chuẩn KOSPI tăng 11,35 điểm, tương đương 0,44% lên 2.617,22 điểm. Chỉ số này đã giảm 1,57% trong phiên trước.

Nhà phân tích Huh Jae-hwan của Eugene Investment and Securities cho biết thị trường chứng khoán trong nước vẫn giao dịch không ổn định và không có định hướng rõ ràng trong bối cảnh tâm trạng lo lắng.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có khả năng sẽ tăng lãi suất chuẩn trong cuộc họp vào thứ Năm để chống lạm phát tăng cao, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

Kết thúc phiên 25/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 70,34 điểm (-0,26%), xuống 26.677,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,54 điểm (+1,19%), lên 3.107,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 59,17 điểm (+0,29%), lên 20.171,27 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,35 điểm (+0,44%), lên 2.617,22 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Không nên siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp không nhất thiết phải thắt chặt các quy định..>> Chi tiết

- Giữ cổ phiếu chờ nhịp tăng mới

Những nhà đầu tư bản lĩnh đang vượt qua cơn bão khắc nghiệt của thị trường chứng khoán, còn với nhà đầu tư mới, đây là cơ hội rất tốt để giải ngân dần..>> Chi tiết

- Hẹp dần "sân chơi” trái phiếu

Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ được điều chỉnh theo hướng càng sửa càng siết chặt, có thể khiến nhiều đối tượng tham gia thị trường khó trụ lại ở “sân chơi” này..>> Chi tiết

- Trung Quốc hối thúc các ngân hàng tăng cường cho vay

Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đang kêu gọi các ngân hàng tăng cường cho vay khi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát Covid làm đe dọa tăng trưởng kinh tế trong năm nay..>> Chi tiết

Tin bài liên quan