Các ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình để phát triển thẻ và khuyến khích chi tiêu bằng thẻ - Ảnh: Hoài Nam

Các ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình để phát triển thẻ và khuyến khích chi tiêu bằng thẻ - Ảnh: Hoài Nam

Thị trường thẻ chuẩn bị cuộc đua 2011

(ĐTCK-online) Tăng tỷ trọng doanh thu dịch vụ là mục tiêu quan trọng của nhiều ngân hàng trong năm 2011. Trong định hướng đó, thị trường thẻ được ưu tiên số 1. Tận dụng lợi thế và mạng lưới cổ đông "ruột" đang là hướng đi mà một số ngân hàng tập trung triển khai.

Theo số liệu của CTCP Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn), cho đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có 11.000 máy ATM, 42.000 điểm chấp nhận thẻ (POS); hơn 40 ngân hàng phát hành thẻ, với trên 27 triệu thẻ thanh toán được phát hành. Chủ thẻ có thể sử dụng mạng lưới ATM/POS rộng khắp của tất cả ngân hàng, thay vì chỉ được thực hiện giao dịch tại các máy ATM/POS của một số ngân hàng nào đó trong nội bộ hệ thống của mình. 3 hệ thống xử lý giao dịch thẻ lớn nhất là Banknetvn, Smartlink và VNBC đã được kết nối liên thông, hình thành một mạng lưới thanh toán gồm 42 ngân hàng thành viên, hơn 8.000 máy ATM, chiếm khoảng 90% số máy ATM hiện có trên thị trường.

Tốc độ phát triển và tiềm năng của thị trường thẻ được đánh giá rất cao. VCB hiện có hơn 4 triệu thẻ ghi nợ nội địa, Dong ABank có 3 triệu tài khoản thẻ. Chỉ với số dư tối thiểu của thẻ 50.000 đồng, các ngân hàng này đã huy động được nguồn vốn rất lớn và rất rẻ qua dịch vụ thẻ. Những ngân hàng nhập cuộc sau cũng có tốc độ tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), tính đến ngày 31/10/2010, sau gần 1 năm giới thiệu thẻ Flexicard, PGBank đã phát hành được 424.580 thẻ. Doanh số mua xăng dầu, mua hàng hóa thanh toán bằng thẻ đạt 3.629 tỷ đồng.

Tuy vậy, lượng thẻ mà các ngân hàng phát hành ra thị trường ngày một nhiều, nhưng kết quả thu về chưa được như mong muốn. Theo kết quả khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam, có đến 23% khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ và 1% sử dụng thẻ tín dụng, trong khi 100% là biết về thẻ ATM. Khảo sát này cho thấy, tỷ lệ sử dụng thẻ là chưa cao. Trên thực tế, ngay từ giữa năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thanh toán thẻ qua POS, tạo cơ sở thuận lợi cho các ngân hàng phát triển dịch vụ thẻ. Các ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, ACB, PG Bank... triển khai hàng loạt chương trình để phát triển thẻ và khuyến khích chi tiêu bằng thẻ. Các ngân hàng ngoại như HSBC, ANZ cũng chạy đua cạnh tranh thị phần bán lẻ thông qua việc mời chào trên các trang web, gửi email và gọi điện thoại trực tiếp đến từng khách hàng mời mở thẻ.

Trong cuộc đua phát hành thẻ, lợi thế cổ đông "ruột" của mỗi ngân hàng được tận dụng tối đa. Đại diện Petrolimex - cổ đông lớn của PG Bank cho biết, khách hàng có thể mua xăng dầu, rút, nạp tiền bằng thẻ tại 1.800 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, cùng hơn 60 điểm giao dịch của PG Bank trên toàn quốc. Thẻ Flexicard không chỉ được phát hành tại các chi nhánh, phòng giao dịch của PG Bank, mà còn được phát hành tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.

Hiện dịch vụ ATM chủ yếu phục vụ các giao dịch rút tiền mặt. Do đó, để giảm lượng thanh toán bằng tiền mặt trong lưu thông, cần thiết phải phát triển rộng rãi POS. Petrolimex và PG Bank cho biết, sẽ tiếp tục liên kết để phát triển mạng lưới POS. Đồng thời, bổ sung các tính năng mới cho sản phẩm hiện tại nhằm gia tăng dịch vụ cho chủ thẻ và mở rộng phạm vi thanh toán thẻ tới các lĩnh vực: thanh toán tại trung tâm thương mại, siêu thị, trường học, bệnh viện; thanh toán tiền taxi, xe bus; các dịch vụ công cộng khác...

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình phát triển dịch vụ, ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank cho biết, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của khách hàng và sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh thẻ đòi hỏi ngân hàng phải nỗ lực rất nhiều.

Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, Petrolimex xác định thanh toán xăng dầu bằng thẻ Flexicard là một trong những chương trình lớn của mình nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và tạo cơ sở để từng bước triển khai bán hàng tự động.

Sự liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng và các đơn vị bán lẻ là điều kiện rất tốt để phát triển thị trường thẻ thanh toán tại Việt Nam Cùng với chất lượng được cải thiện thì khách hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong việc tìm kiếm dịch vụ phù hợp và tiện lợi nhất.