Bảo lãnh phát hành hiện chỉ được thực thi ở một số CTCK lớn

Bảo lãnh phát hành hiện chỉ được thực thi ở một số CTCK lớn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm “bà đỡ” tốt

(ĐTCK) Để kế hoạch huy động trái phiếu của doanh nghiệp thành công, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của nhà tư vấn phát hành. Các “bà đỡ” này nếu “lành nghề” sẽ cho ra phương án huy động vốn phù hợp.

Ở các nước phát triển, nghiệp vụ này được gọi là “ngân hàng đầu tư” và là nghiệp vụ có truyền thống lâu đời nhất, cung cấp các dịch vụ tư vấn, bảo lãnh trên thị trường sơ cấp, bao gồm các chứng khoán nợ (trái phiếu) và chứng khoán vốn (cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi). Sau này, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư dần được mở rộng ra bao gồm tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập và tái cơ cấu, quy mô vốn của doanh nghiệp có sự thay đổi, vì thế, đây được coi là nghiệp vụ nối dài của nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, ngân hàng đầu tư đã xuất hiện ở một số công ty chứng khoán (CTCK) và công ty quản lý quỹ. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tập đoàn tài chính cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, đây còn là nghiệp vụ khá mới mẻ với thị trường Việt Nam và hiện chưa có quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.

Luật Các tổ chức tín dụng không đề cập đến khái niệm ngân hàng đầu tư, mà chỉ cho phép các tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số nghiệp vụ chứng khoán thông qua công ty con, công ty liên kết. Trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011, các NHTM vẫn được phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán sau khi đăng ký với cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong Luật Chứng khoán, khái niệm “hoạt động ngân hàng đầu tư” không được nêu chi tiết. Luật chỉ định nghĩa đối với từng loại hình hoạt động riêng lẻ, chẳng hạn như tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn, M&A, đấu giá cổ phần lần đầu (IPO)...

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc mức độ chuyên biệt hóa của các mặt bằng hoạt động ngân hàng đầu tư ở các thị trường phát triển cao hơn rất nhiều so với tại Việt Nam. Nếu không tính các NHTM (do đa số các CTCK công ty quản lý quỹ hiện nay tại Việt Nam đều có phần góp vốn của các NHTM) thì trong số gần 100 CTCK và công ty quản lý quỹ được ghi nhận đang hoạt động tại Việt Nam, theo ước tính của thành viên thị trường, chỉ có khoảng 1/3 có thể coi là có hoạt động tốt về lĩnh vực tư vấn huy động vốn cho các doanh nghiệp, căn cứ vào tính chất thường xuyên và mức độ thu xếp vốn của những đơn vị này như SSI, HSC, VCBS, VNDirect, MBS, MSI, BSC, BVS…

Tuy nhiên, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư của các tổ chức này thường tập trung ở mảng môi giới tư vấn thu xếp vốn, trong khi hầu như thiếu một mảng “miếng” được coi là quan trọng, thậm chí được coi là quan trọng hơn cả là bảo lãnh phát hành.

Bản thân nhà bảo lãnh tham gia và ràng buộc trách nhiệm vào các đợt phát hành, vấn đề của họ không chỉ cam kết mua lại bao nhiêu, với giá nào, mà đầu tiên họ sẽ phải kiểm định khả năng thành công của đợt phát hành. Điều này có nghĩa là chính họ phải phân tích, sàng lọc về khả năng tài chính trong thời điểm hiện tại của doanh nghiệp liệu có đủ điều kiện và triển vọng để phát hành hay không.

Trong 5 năm trở lại đây, nghiệp vụ này gần như “mất hút”, rất ít CTCK duy trì nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và nếu có cũng chủ yếu bảo lãnh phát hành cho những đối tác quen thuộc, khả năng phát hành thành công cao. Trong số các CTCK đang hoạt động, chỉ còn một vài cái tên như SSI, VCBS, BSC, VPBS, BVS, VCBS còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một CTCK lớn có trụ sở tại Bà Triệu, Hà Nội cho rằng, việc thiếu đi mảng miếng “bảo lãnh phát hành” là lý do khiến cho các thương vụ thu xếp vốn cho doanh nghiệp tồn tại những rủi ro khá lớn, khiến khả năng huy động vốn của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, có vấn đề không nhỏ là do quy định về hoạt động này còn chưa thông thoáng và có nhiều thiếu sót dẫn đến khó khăn trong việc triển khai. Tuy nhiên, phần nhiều lý do lại là hạn chế về nguồn lực tài chính, con người, công nghệ… dẫn đến không nhiều CTCK dám triển khai.

 “Dẫu vậy, với mục tiêu tiến tới một thị trường chuẩn hóa hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn thì rất cần nhà tư vấn cũng phải chuyên nghiệp hơn, có nhiều bước tiến đột phá nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng”, vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan