Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng mức thuế sẽ được điều chỉnh theo hướng giữ được tính cạnh tranh so với các đối thủ xuất khẩu

Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng mức thuế sẽ được điều chỉnh theo hướng giữ được tính cạnh tranh so với các đối thủ xuất khẩu

Thích ứng, tìm thêm cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều thay đổi của môi trường kinh doanh trong, ngoài nước, nhưng chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy, họ đã chủ động chuẩn bị phương án ứng phó linh hoạt với các kịch bản.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là kết thúc thời hạn 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế quan đối ứng với gần 60 đối tác thương mại lớn (ngày 8/7). Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị các kịch bản đối phó, trong đó kịch bản xấu nhất là mức thuế trên 20%, trung bình 10 - 20% và tốt là 10% trở xuống.

Kết quả cuối cùng của chính sách thuế quan Mỹ - Việt Nam cũng sẽ là một yếu tố quan trọng để xác định quá trình đầu tư. Nếu kịch bản tiêu cực xảy ra và thuế quan được áp dụng ở mức cao, triển vọng lợi nhuận toàn thị trường sẽ cần được đánh giá lại toàn diện, không chỉ ở các ngành xuất khẩu mà còn trong mô hình tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.

Việc thị trường đã “chiết khấu” kịch bản thuế 46% vào giá các cổ phiếu xuất khẩu và khu công nghiệp hoàn toàn thay đổi động lực phản ứng. Thay vì một cú sốc mới, việc công bố mức thuế thấp hơn đáng kể sẽ được xem là thông tin tích cực, kích hoạt tâm lý.

Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, mức thuế được ấn định từ 15 - 20%, đây sẽ là sự giải tỏa áp lực tâm lý. Các cổ phiếu đã giảm sâu trước đó được kỳ vọng sẽ có một nhịp hồi phục kỹ thuật mạnh mẽ. Về dài hạn, dù mức thuế này vẫn là một gánh nặng, nhưng không phải là “án tử”. Thị trường sẽ bắt đầu phân hóa và định giá lại, tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành có khả năng đàm phán chia sẻ chi phí với đối tác và tối ưu hóa hoạt động để duy trì cạnh tranh.

Trong kịch bản xấu hơn là mức thuế trên 20%, nhịp hồi phục ban đầu sẽ yếu và ngắn hơn đáng kể. Dù tốt hơn nhiều con số 46%, mức thuế này vẫn đủ gây sức ép lên lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp. Sau cú nảy kỹ thuật ngắn hạn, áp lực bán có thể quay trở lại khi nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng kinh doanh thực tế trong tương lai.

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Pha Lê (PLP)

Sau hơn hai năm tái cấu trúc toàn diện, Công ty bước vào năm 2025 với những tín hiệu tích cực đầu tiên. Quý I/2025 ghi nhận doanh thu 561 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,9 tỷ đồng so với khoản lỗ 10,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận quý II duy trì tích cực khi Nhà máy ván sàn SPC tại Hải Phòng chính thức đi vào vận hành ổn định.

Hiện tại, Nhà máy ván lát sàn công nghệ cao đã vận hành 8 dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất đạt gần 9 triệu m2/năm, và đang tiếp tục mở rộng, dự kiến trong quý III năm nay sẽ hoàn tất lắp đặt đủ công suất 11 triệu m2/năm với 10 dây chuyền. Ván sàn SPC - với hơn 75% thành phần từ bột đá CaCO3 - đang là xu hướng tiêu dùng tại các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Australia… nhờ đặc tính chống nước, chống mối mọt, độ bền cao và thân thiện với môi trường.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức tuần qua, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, với doanh thu mục tiêu 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng - tương đương mức tăng 184% so với kết quả năm 2024. Các chỉ tiêu này hoàn toàn khả thi, dựa trên nền tảng vận hành ổn định của Nhà máy SPC, sự gia tăng đơn hàng xuất khẩu, cũng như tín hiệu tích cực từ chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế.

PLP đặt mục tiêu đến năm 2027 đạt sản lượng xuất khẩu 45 triệu m2 sàn/năm và doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng, từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín từ khai thác nguyên liệu đến tiêu dùng cuối cùng.

Bà Nguyễn Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần One Capital Hospitality (mã OCH)

Năm nay, OCH đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng ổn định trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, đồng thời tiếp tục triển khai các kế hoạch củng cố sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực quản trị trên toàn hệ thống nhằm tối ưu hóa vốn. Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 1.098 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 81,09 tỷ đồng. Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, với sự đồng thuận và nhất trí cao.

OCH không theo đuổi tăng trưởng nóng mà tập trung phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài sản hiện có để tạo đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Năm 2025 được xác định là năm mà OCH sẽ tập trung vào tái cấu trúc và khai thác hiệu quả hơn các tài sản hiện có, từ đó tạo đà tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là các biện pháp mà Ban lãnh đạo đã triển khai trong năm 2024 và đạt kết quả khả quan.

Trong lĩnh vực khách sạn - bất động sản, hai khách sạn 5 sao là StarCity Hotel và Sunrise Nha Trang Beach Hotel & Spa của OCH đã ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực nhờ chiến lược tái cấu trúc toàn diện. Tuy nhiên, những khó khăn như dư cung lưu trú và áp lực từ các địa phương lân cận Nha Trang vẫn là thách thức hiện hữu. Hoạt động kinh doanh của các khách sạn sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng trong nước và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kinh doanh để thu hút khách du lịch quốc tế.

Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thực phẩm (bánh Girval, kèm Tràng Tiền…) tiếp tục duy trì ổn định. Song song với phát triển sản phẩm, Công ty đẩy mạnh công tác R&D, cho ra mắt các dòng sản phẩm mới và mở rộng mạng lưới phân phối, kênh bán lẻ trên toàn quốc.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM)

Thời hạn cho việc đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam - Mỹ đang đi đến những ngày cuối cùng. Chúng tôi hy vọng rằng, các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tích cực, giúp duy trì môi trường thương mại ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, trong đó có TCM. Chúng tôi mong muốn hai bên có thể đạt được các thỏa thuận mang tính hợp tác, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành, đồng thời giảm thiểu tác động đến doanh nghiệp và người lao động.

Thứ nhất, giảm thuế xuất khẩu để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Thứ hai, duy trì hoặc giữ nguyên mức thuế xuất khẩu như trước đây nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tránh các biến động không thuận lợi.

Thứ ba, quy định rõ về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là phân biệt giữa nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc hay các quốc gia khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam và tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định về nguồn gốc nguyên liệu.

Về phía TCM, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh không bị gián đoạn, bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường các hoạt động liên kết, mở rộng các thị trường khác ngoài Mỹ như EU, CPTPP… Điều này nhằm tối ưu hóa và tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, CPTPP, dựa trên lợi thế quy trình sản xuất khép kín của mình, rút ngắn thời gian giao hàng, cũng như tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh về giá.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đa dạng hóa sản phẩm, chủng loại để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, Công ty còn theo dõi sát sao các diễn biến đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các đối tác, khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hành mới để có thể điều chỉnh chiến lược phù hợp, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra.

Với chiến lược linh hoạt, trong 5 tháng đầu năm 2025, doanh thu của chúng tôi đạt 1.607,5 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, hoàn thành khoảng 36% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 138,7 tỷ đồng, tăng 25% và hoàn thành xấp xỉ 50% kế hoạch năm. Về đơn hàng, TCM đã tiếp nhận gần 80% kế hoạch doanh thu quý III/2025 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý cuối năm.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc

Mức thuế 46% từ Mỹ đang được tạm hoãn trong 90 ngày và sẽ có kết quả đàm phán chính thức vào ngày 10/7 tới. Trong thời gian này, Việt Nam tiếp tục theo sát các diễn biến và kỳ vọng có thể đạt được kết quả tích cực trong quá trình đàm phán. Một số ý kiến từ đoàn công tác gần đây của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường sang Mỹ cho rằng, có hơn 50% khả năng sẽ tiếp tục gia hạn đàm phán để các bên có thêm cơ hội thương lượng sâu hơn.

Dù chưa có quyết định chính thức, nhưng trong kịch bản có biểu thuế mới, các doanh nghiệp Việt vẫn kỳ vọng mức thuế được điều chỉnh theo hướng giữ được tính cạnh tranh so với các đối thủ xuất khẩu. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam vẫn đang trong quá trình giải trình liên quan tới cuộc điều tra theo Mục 232 của Mỹ, liên quan đến nguy cơ khẩn cấp đối với an ninh quốc gia trong nhập khẩu gỗ và gỗ xẻ.

Trong khi đó, thị trường Mỹ chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta. Từ đầu năm đến nay, dù tình hình thuế có phần giằng co, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 6% vào thị trường này. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều đơn hàng mới từ các nhà nhập khẩu dịch chuyển khỏi những thị trường rủi ro như Trung Quốc sang Việt Nam. Đây được coi là cơ hội mới trong thách thức, giúp củng cố vị thế của ngành gỗ Việt Nam.

Về chiến lược ứng phó, ngành gỗ xác định cần tập trung xây dựng chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ từ nguyên liệu - nhà máy - logistics nhằm tối ưu chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. Trong trường hợp thuế được áp trở lại, doanh nghiệp có thể áp dụng công thức phân bổ chi phí: nếu thuế tăng 10%, sẽ chia đều cho ba bên - nhà sản xuất, nhà thương mại và nhà bán lẻ (mỗi bên gánh 3%). Nếu thuế tăng lên 15 - 20%, giá bán tới người tiêu dùng cuối có thể phải tăng thêm khoảng 5%, nhưng vẫn ở mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh Mỹ khó có thể nội địa hóa hoàn toàn ngành sản xuất đồ gỗ do thiếu hụt lao động.

Song song với việc giữ vững thị trường Mỹ, ngành gỗ Việt Nam cũng đang mở rộng khai thác các thị trường khác nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tận dụng tốt các FTA, đặc biệt tại châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết hợp với tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho doanh nghiệp. Đây là hướng đi chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường và gia tăng độ bền vững cho xuất khẩu của ngành gỗ.

Về dài hạn, các doanh nghiệp ngành gỗ đặt mục tiêu chuyển từ sản xuất OEM sang ODM, đẩy mạnh thiết kế, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, ngành đã và đang chủ động đáp ứng các yêu cầu mới về ESG, giảm phát thải CO2 và tuân thủ các chứng chỉ như FSC - vốn là tiêu chuẩn quen thuộc với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu nhiều năm qua.

Tin bài liên quan