“Thời tiết” thất thường

(ĐTCK) Mười năm cầm bút trên TTCK, tôi cảm thấy những gì đang diễn ra trên hai sàn chứng khoán kịch tính như một bộ phim cao bồi Miền Tây: người ta "khủng bố" nhau bằng những lệnh mua hàng triệu cổ phiếu vào những phút đầu tiên (dù biết làm vậy sẽ khủng bố người bán), mỗi ngày hàng nghìn tỷ đồng tung ra dễ dãi như thể nếu không xài vội thì sẽ rắc rối.

Về những kẻ thất bại

Cuối năm 2008, giám đốc đầu tư một quỹ chứng khoán tại Hồng Kông tên Lee cay cú nói với tôi: rush to money, rush to die (vội vã kiếm tiền, vội vã đi chết). Đó là khi cả thế giới đầu tư và những cao bồi lừng lẫy nhất trên TTCK Việt Nam "chết hoặc trọng thương", chỉ số chứng khoán teo tóp như một công thức sắc thuốc Bắc: 3 chén còn 1 chén…

Khi sự bi quan đã tràn ngập cả thế giới hiện đại, người ta đã và đang buộc phải khôi phục lại những hành vi thương mại nguyên thủy và cách giải quyết công việc của quá khứ để tồn tại. Theo dõi tin tức thế giới hôm nay rất dễ bắt gặp đâu đó những kiểu kinh doanh hàng đổi hàng (như thế giới nguyên thủy đã làm) và những giải pháp tiết kiệm cả tiền ăn uống và nhu cầu thiết yếu (như thể thế giới lâm vào nạn đói).

Nhưng những kẻ thất bại, đối tượng đề cập ở đây lại là những người không thuộc dạng đói kém, mất nhà cửa và công việc như kể trên. Trong đợt hồi phục như có phép lạ của thị trường từ trung tuần tháng 2/2009 đến nay, những NĐT "sống sót" qua khủng hoảng và cảm thấy vẫn ổn… đã không tham gia đáng kể trong mùa săn bắn ê hề rượu thịt lần này (nhiều cổ phiếu đã tăng gần gấp 2 lần chỉ trong một tháng), trong số này có cả các tổ chức đầu tư tài chính sừng sỏ. Xin chia buồn với họ!

Tú tài thi trượt

Người xưa ví von như thế về những người học nhiều nhưng áp dụng kém vào thực tế nên lâm vào hoàn cảnh tiến thoái đều dở, đứng đó nhìn đời mà thở than. Cũng có thể bắt gặp tình cảnh những kẻ thất bại (như đề cập ở phần trên), vì họ quá quan tâm đến mục tiêu tồn tại và sống sót. Ngay đến những cây viết thích bình luận về thị trường cũng cảm thấy mình gàn dở (đương nhiên có cả tôi) không dám viết gì nhiều, vì quả thật không hiểu. Rồi mọi chuyện tự nhiên lại xảy ra quá tốt đẹp, đến mức có người tưởng tượng tiền đổ vào chứng khoán dễ dàng như đi cướp được.

Giữa tuần qua, Finance Times có đăng ý kiến cảnh báo của Giám đốc điều hành NYSE Euronext, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới. Ông này cảnh báo rằng, việc thị trường tăng điểm vào tháng 3/2009 dẫn đến việc "người ta hy vọng kinh tế đang hồi phục chỉ khiến đánh lừa cảm giác của NĐT". Trên thực tế, những NĐT có nguồn tài chính thực sự vẫn đang đứng ngoài thị trường.

Ít nhất thông tin trên cũng chia sẻ một thực tế rằng, những kẻ thất bại, những tú tài thi trượt trong mùa bội thu chứng khoán một tháng qua là đông vô thiên lủng.

Hai mặt của đồng tiền

Sự hấp dẫn chính của TTCK tất nhiên là lượng tiền khổng lồ ra vào mỗi ngày và tốc độ kiếm tiền mà kênh đầu tư này mang lại. Số tiền giao dịch ngày càng lớn chứng tỏ tương lai ngày càng sáng lạn và NĐT kiếm được nhiều tiền. Những kỷ lục về giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HASTC trong tháng 3/2009, nhiều phiên vượt 2.000 tỷ đồng, có thể hiểu như vậy.

Tuy nhiên, rất nhiều tiền không phải là không có vấn đề của nó. Vì chưa hiểu rõ những vấn đề này, người viết chỉ xin liệt kê ra đây để chia sẻ một suy nghĩ:

- TTCK thế giới từ đầu năm 2009 đến nay sống bởi rất nhiều gói cứu trợ khẩn cấp và kích thích kinh tế hàng ngàn tỷ USD. Khắp mọi nơi trên thế giới, chính phủ bơm tiềm ra không chần chừ và mỗi lần như thế thị trường lại khởi sắc được một số ngày. Điều đáng suy nghĩ là ngày xưa người ta cho rằng 780 tỷ USD đầu tiên mà nước Mỹ bỏ ra là đã đủ, nhưng đến nay gấp 4 lần con số trên dường như vẫn chưa đủ cho nước Mỹ. Và không hiểu nếu không có thêm tiền nữa thì TTCK thế giới sẽ thế nào?

- Cháy nhà ra mặt chuột. Thế giới bàng hoàng vì những vụ siêu lừa trong thế giới tài chính với số tiền lừa đảo có vụ lên đến hàng chục tỷ USD. Người ta cũng nghi ngờ về tính chính xác và trung thực của các số liệu tài chính, đánh giá của những cơ quan đánh giá chất lượng tín dụng (nếu không thì khủng hoảng tài chính đã không xảy ra). Vấn đề là chúng ta có thể phải mất thời gian để nhận thức hết điều này.

- TTCK Việt Nam đang tràn ngập tinh thần lạc quan. NĐT có vẻ cũng hài lòng hoặc thông cảm vì kết quả kinh doanh 2008 của phần lớn DN niêm yết trong hoàn cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, không thể không có chút băn khoăn vì những chuyện nhập nhằng đã xảy ra tại Bông Bạch Tuyết, Tribeco…, hay những công ty niêm yết có kết quả kiểm toán từ lời chuyển sang lỗ. Mà sao các công ty niêm yết dùng công ty kiểm toán nước ngoài lại phải điều chỉnh lợi nhuận nhiều như thế mà số còn lại thì không?

- Cuối cùng thì việc hàng ngàn tỷ đồng mỗi ngày đổ vào TTCK trong khi các tổ chức đầu tư và NĐT nước ngoài tham gia hạn chế cho thấy sức mạnh của nội lực. Bảo bối của nền kinh tế châu Á, nội lực, đang là cơ sở để châu Á thoát ra khủng hoảng sớm nhất. Tuy nhiên, người ta lại không thấy một dấu hiệu đáng kể nào của nội lực vào đầu tư sản xuất - kinh doanh, bất động sản… là một điều đáng để đặt dấu hỏi.

Nếu nói đến tính mùa vụ của TTCK Việt Nam thì có thể kết luận sơ sài rằng, đa số  công ty niêm yết gieo hạt tháng 3 - 4 (mùa ĐHCĐ), tháng 5 - 9 thu hoạch trái vụ và tháng 11 đến tháng 2 là chính vụ. Năm nay, thời tiết có lẽ thay đổi thất thường!