Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thủ đoạn của nhân viên bưu điện chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của bị cáo Lê Thị Lưu (SN 1983, cựu nhân viên Bưu điện huyện Tam Kỳ, Nghệ An) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, Lưu được tuyển dụng vào Bưu điện tỉnh Nghệ An từ năm 2006. Đến năm 2012, bị cáo được giao thêm nhiệm vụ làm giao dịch viên, dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện Tân An thuộc Ngân hàng LienVietPostBank để thu, nhận tiền của người dân đến gửi tiền tiết kiệm. Năm 2015, bị cáo vay mượn tiền của nhiều người dân, không có khả năng trả nợ nên thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Khi có người dân đến gửi hoặc rút tiền tiết kiệm, Lưu đưa ra thông tin giả là “ngân hàng đang có chương trình khuyến mại với lãi suất cao từ 0,6% đến 1% trên một tháng, nhưng không được in sổ tiết kiệm”.

Nhằm chiếm lòng tin của mọi người, sau khi nhận tiền, Lưu viết cho họ giấy xác nhận đã thu tiền, thời hạn gửi, lãi suất theo chương trình khuyến mại rồi ký tên, đóng dấu phòng giao dịch hoặc dấu của bưu cục.

Mặc dù năm 2019, Phòng giao dịch Tân An đã chấm dứt hoạt động dịch vụ tiết kiệm bưu điện, nhưng Lưu vẫn thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người dân. Bị cáo cho họ rút tiền lãi còn tiền gốc vẫn gửi tiết kiệm, có người sau khi được tính tiền lãi tiếp tục nhập vào tiền gốc.

Theo cáo buộc, từ năm 2017 - 2019, bị cáo đã chiếm đoạt tiền của 27 người với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Bị cáo khai nhận, sử dụng số tiền chiếm đoạt được để trả tiền nợ, trả tiền lãi cho các bị hại và sử dụng chi tiêu cá nhân. Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo tù Chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hủy án để điều tra lại

Sau phiên tòa sơ thẩm, có 25/27 bị hại kháng cáo, đề nghị giải quyết lại vụ án, xem xét trách nhiệm liên quan của cán bộ bưu điện, ngân hàng trong việc quản lý đơn vị để xảy ra vụ án. Các bị hại cũng đề nghị xác minh, thu hồi tài sản để nhận lại tiền.

Viện kiểm sát cũng có ý kiến cho rằng, hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm 2 tội ở 2 giai đoạn khác nhau. Vào giai đoạn đầu, bị cáo lợi dụng nhiệm vụ được giao, nhân danh đơn vị lừa dối khách hàng, sử dụng con dấu để chiếm đoạt tiền, có dấu hiệu tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Sau khi phòng giao dịch chấm dứt, bị cáo vẫn gian dối, hứa hẹn khách hàng gửi tiền hưởng lãi suất cao là dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa phúc thẩm nhận định, việc bị cáo sử dụng con dấu của phòng giao dịch bưu điện đóng vào các tờ giấy, sổ tay xác nhận việc nhận tiền của khách hàng chỉ là thủ đoạn lợi dụng nhiệm vụ được giao trong việc quản lý con dấu không đúng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các giấy tờ, sổ tay nhận tiền gửi giao cho khách hàng không phải là các chứng từ, hóa đơn, sổ tiết kiệm do ngân hàng, bưu điện phát hành theo quy định.

Theo tòa án, hành vi của bị cáo không phải là vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm xử lý bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có một số thiết sót.

Quá trình điều tra, bị cáo khai nhận đã sử dụng một phần tiền chiếm đoạt để bù vào quỹ đơn vị số tiền hơn 471 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo cũng khai nhận số tiền 471 triệu đồng nộp vào quỹ là do chiếm đoạt của các bị hại mà có. Nhưng cơ quan tố tụng không điều tra, xác minh tình tiết này, không đưa Bưu điện Tam Kỳ vào tham gia tố tụng là không đúng, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại.

Tương tự, bị cáo còn sử dụng tiền để trả các khoản nợ cá nhân khác nhưng chưa được xác minh, làm rõ.

Đặc biệt, vụ án xảy ra còn có liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo phòng giao dịch Bưu điện Tân An giai đoạn 2015-2019 trong việc quản lý, điều hành hoạt động tại đơn vị nhưng chưa được xem xét, xử lý theo quy định.

Với các lý do trên, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tin bài liên quan