Thư gửi những người “nghiện” chứng khoán!

(ĐTCK) Tôi và bạn đang trải qua một giai đoạn lạ lùng và bất ổn của thị trường tài chính thế giới. Đến mức những học giả uyên thâm phải công nhận đây là thời điểm bối rối chưa từng có trong lịch sử hơn 70 năm qua (kể từ Đại suy thoái 1930). Riêng lý do trên cũng đáng để chúng ta nhìn lại một năm thất bát 2008, để bước một chân vào năm 2009 chưa nói chắc điều gì.

Hiển nhiên đó là 1 năm mà cả thế giới tài chính điên điên đảo đảo. Thiên hạ mấy ai giàu trí tưởng tượng đến mức nghĩ rằng chuyện nhà đất ở Mỹ lại ảnh hưởng đến bát cơm của người thổ dân châu Úc…

Những điều xấu xảy ra dồn dập trong năm 2008, hầu hết các tài sản của NĐT đều bốc hơi hơn phân nửa.

Khó chấp nhận!

Là khi báo giới nước Việt cám cảnh trước hàng ngàn công nhân nghèo mất việc. Là khi nhân loại nói đến những tập đoàn toàn cầu, thậm chí cả một quốc gia (trường hợp Iceland) cách này hay cách khác phải rao bán mình để mưu cầu sự sinh tồn.

Nghe nói, nếu đến tháng 3/2009 mà ba hãng ôtô lớn nhất nước Mỹ không trụ nổi thì 3 triệu người ở Mỹ mất việc. Mất việc, mất nhà, tài sản bốc hơi…, thật là họa vô đơn chí.

Hệ quả mà năm 2008 để lại thật nặng nề, giá như

Thực ra, ngay ở Việt Nam, chúng ta đã biết có gì đó không ổn từ những ngày đầu năm 2008. Bởi bất chấp tất cả các dự báo lạc quan, VN-Index đã giảm mạnh 15% trong tháng 1 (từ mức 921 điểm) và mất đến 43,5% chỉ trong quý I. Người ta có thể tự an ủi với lòng rằng: tiền kiếm dễ thì mất cũng dễ.

Nhưng việc được hay mất trên TTCK, thực tế là cảm giác của chúng ta khác nhau đến vô lý. Kiếm được 1 tỷ đồng thì chỉ thấy hơi vui vui (không dễ gì sướng điên), nhưng mất 300 triệu đồng thì khác, xót như xát muối.

Vậy mà nỗi đau lại đến nhanh như thế!

Về lý thuyết, thị trường đột nhiên giảm mạnh hơn 20% là dấu hiệu đáng báo động. Khi đó, chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn trọng gấp 3 lần trước mọi vấn đề. Ít nhất cũng có thể phần nào nhận ra tình huống nguy cấp ngay khi vở diễn chứng khoán năm 2008 mới chỉ mở màn.

Nhìn lại năm 2008, nhiều người trong chúng ta có lẽ phải tiếc nuối.

Tiếc bởi đã không đủ bản lĩnh thoát ra ngoài thị trường khi cuộc chơi đột nhiên diễn biến xấu và vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Tiếc bởi không phải chúng ta đã không thấy tương lai màu xám của thị trường để tránh những ngày mưa bão.

Bởi chúng ta cũng từng ở những thời điểm không quá muộn để thu xếp công nợ và đề phòng cho trường hợp xấu nhất.

Và cái đáng tiếc nhất, với nhiều người, là không làm đúng những điều chúng ta đã quyết tâm. 

Ôi quá khứ ngọt ngào!

Nếu lòng tham và nỗi sợ hãi xem như phần linh hồn khó kiểm soát của mỗi NĐT, thì kỷ luật lại như phần thể xác khó kiềm chế. Nhiều người trong chúng ta đã từng có lúc chiến thắng và kết quả đã có rất nhiều NĐT đạt đến giá trị tài sản tỷ đồng, 100 tỷ đồng và những cá nhân xuất sắc từng kiếm được nhiều nghìn tỷ đồng trên TTCK.

Còn nhớ những mùa vàng của năm 2007, giới đại gia bất động sản phải lè lưỡi trước việc hầu hết các biệt thự đắc địa tại khu vực Quận 3 rơi hết vào tay dân chứng khoán. Người Sài Gòn vẫn chẳng có câu  "ăn Quận 5, nằm Quận 3" đó sao? Chiếc Mayback giá triệu USD làm um xùm dư luận, thuộc về một nhân vật của TTCK. Cũng chẳng bao lâu có hàng chục siêu xe khác do dân chứng khoán tậu về làm lu mờ con Mayback… Sự nghèo đói giống như chuyện cổ tích.

Sau cơn say, sự tụt dốc và xuống sức đã ào ào xô đến. Khi ngân hàng cuống lên trước mối lo nợ xấu bất động sản và Repo chứng khoán, nhiều đại gia đã nhanh chóng quay về trạng thái đói tiền, phải xoay từng triệu đồng để tiêu hay trả nợ.

Và rất nhiều NĐT, kể cả tôi, bây giờ vẫn hàng ngày đến sàn và nhìn lên bảng điện xanh đo, tin rằng phép màu sẽ xảy ra và lấy lại những gì đã mất vào ngày mai.

Bất chấp xu hướng tụt dốc của thị trường toàn cầu, chúng ta vẫn ngồi chờ.

Bất chấp doanh nghiệp đối diện với vô vàn khó khăn, chúng ta vẫn tin lời họ hứa.

Bất chấp các khoản đầu tư đều hư hỏng và liên tục phải cắt lỗ, chúng ta thỉnh thoảng vẫn mua. Và vẫn tiếp tục mất tiền.

Thôi thì chúng ta đã lỡ nghiện chứng khoán rồi, nếu không dứt ra được thì ráng bớt liều lượng lại. Có thể vẫn đến sàn, nhưng bớt lướt sóng đi. Dưỡng sức.

Người ta dự đoán, cơn khủng hoảng này có thể kéo dài đến hết năm 2009, thậm chí là hết năm 2010. Tôi thì tin rằng, chúng ta có thể hy sinh để bước vào cuộc chơi từ cuối năm 2009. Nhưng cho dù như thế, lúc này chúng ta nên dưỡng sức.

Thân mến!