Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ những nguyên nhân và giải pháp để Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Thứ trưởng, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để đóng góp vào kết quả chung hiện tại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/1 (ảnh: Nhật Bắc)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/1 (ảnh: Nhật Bắc)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra tối 3/1, phóng viên đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương như sau: Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng GDP trên 8%, con số này giúp chúng ta trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu ASEAN. Xin hỏi Thứ trưởng, để có được kết quả như vậy, trong năm vừa qua chúng ta đã thực hiện những giải pháp gì?

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu khái quát một số nhóm nguyên nhân và giải pháp để đạt được kết quả tăng trưởng 8,02% trong năm 2022.

Thứ trưởng thông tin, vừa qua, phục vụ cho phiên họp Chính phủ, Bộ KH&ĐT có xây dựng một báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2022 để phục vụ xây dựng Nghị quyết 01 mới cho năm 2023.

Trong Nghị quyết 01 năm 2022 có 12 nhóm nhiệm vụ lớn, chẻ nhỏ ra hơn 200 nhiệm vụ nhỏ, giải pháp nhỏ, cho thấy khối lượng công việc khổng lồ mà các bộ, ngành, địa phương đã triển khai trong năm 2022 để đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chính phủ cũng rất thường xuyên, liên tục để có những nghị quyết thường kỳ cũng như các nghị quyết mang tính chuyên đề. Ví dụ như các nghị quyết của Bộ KH&ĐT về hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn, nghị quyết về giải ngân vốn đầu tư công… và hàng loạt giải pháp mang tính chuyên ngành của các bộ chủ quản, cũng như của các địa phương.

"Khái quát lại, thứ nhất là xuất phát từ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực từ phòng chống dịch, cho đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh…

Từ những chủ trương đúng đắn như vậy, hệ thống cơ quan của Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đã có những quyết sách, chính sách kịp thời, hiệu quả, tác động đến các mặt của nền kinh tế để đạt được kết quả tích cực hơn.

Trên cơ sở các cái quyết sách như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua hết sức quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Bên cạnh đó, theo ông Phương, một nhóm giải pháp không thể bỏ qua là công tác tổ chức, triển khai thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương. Trong năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp hết sức mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật là công tác điều hành sản xuất kinh doanh, giá cả, chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như giải ngân vốn đầu tư công…

Cuối cùng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói đến nhóm giải pháp không thể không nhắc đến là sự đồng lòng, đoàn kết, nhất trí và sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp này, có cả sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực về hỗ trợ nguồn lực và hỗ trợ tư vấn chính sách, tham mưu giúp cho Việt Nam có những quyết sách rất chính xác.

Buổi họp báo Chính phủ tối 3/1 (ảnh: Nhật Bắc)

Buổi họp báo Chính phủ tối 3/1 (ảnh: Nhật Bắc)

Trước đó, phát biểu khai mạc buổi họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sáng 3/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Song cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, năm 2022 có hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới, trong đó nổi lên là:

(1) Sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn.

(2) Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm.

(3) Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

(4) Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn.

(5) Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm.

(6) Phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm.

(7) Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Tin bài liên quan