Ông Lương Trung Dũng

Ông Lương Trung Dũng

Thua lỗ vì không thừa nhận sai lầm

Giai đoạn vừa qua chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng của chỉ số chứng khoán trên 2 sàn giao dịch, đồng nghĩa với việc tài sản của nhà đầu tư bị thua thiệt khá lớn. ĐTCK-online đã trao đổi với ông Lưu Trung Dũng, nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, kinh qua nhiều vị trí chủ chốt tại các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và hiện là sáng lập viên Công ty Đào tạo Đầu tư DoBF.

TTCK Việt Nam hiện đang điều chỉnh giảm sâu như giai đoạn 2001 - 2002. Ông nhận thấy sự giống và khác nhau như thế nào giữa 2 đợt sụt giảm này?

Về cơ bản, nền kinh tế thời kỳ 2001 - 2002 không có nhiều điểm tương đồng với hiện tại. Tốc độ tăng GDP giai đoạn đó khoảng 6,7 - 7%/năm và đang xu thế đi lên. Thời gian đó, chúng ta vừa qua thời kỳ thiểu phát, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất thấp, chỉ khoảng 1 - 2%/năm. Lãi suất tiền gửi chỉ xoay quanh 6,5%/năm. TTCK thời kỳ 2001 - 2002 còn rất nhỏ bé, khi đó mới có trên dưới 10 công ty niêm yết và giá trị giao dịch lúc đỉnh điểm chỉ đạt khoảng 2 - 3 tỷ đồng/phiên.

Nhưng giai đoạn 2001 - 2002 và giai đoạn 2007 - 2008, thị trường có một số đặc điểm tương đối giống nhau. Chỉ số P/E tại mức đỉnh điểm của VN - Index trước khi suy giảm đều ở mức cao gần như nhau. Vào tháng 6/2001, chỉ số P/E là 35 lần, xấp xỉ mức 33 lần của HOSE vào tháng 3/2007 và mức 30 lần vào tháng 10/2007. Thị trường đi lên thì cực kỳ khó mua, nhưng khi xuống thì lại cực kỳ khó bán. Tính thanh khoản của thị trường suy giảm mạnh khi giá chứng khoán xuống sâu.

Ông cho rằng, không thừa nhận sai lầm là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ nặng. Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ, nhưng một phần có lẽ nằm chính tại ý chủ quan của mỗi nhà đầu tư. Với kinh nghiệm 8 năm tham gia thị trường và tham khảo những câu chuyện viết về các nhà đầu tư lỗi lạc trên thế giới, tôi nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ nặng là khi mua cổ phiếu, chúng ta đã không nghĩ rằng, dự đoán của mình có thể  sai hoặc có sai thì cũng chỉ sai chút ít thôi. Đến khi giá cổ phiếu giảm qua mức mình nghĩ thì lại đưa ra những biện pháp xử lý không phù hợp. Chúng ta thường không nghiêm khắc với cái sai của mình, mà hay có xu hướng bao dung cho nó. Thay vì bán, chấp nhận thua lỗ thì chúng ta lại có khuynh hướng tiếp tục giữ cổ phiếu, với hy vọng giá cổ phiếu sẽ lên trở lại.

Nhưng thanh khoản thị trường hiện nay quá yếu nên nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng hết sức khó bán. Vậy trong tình huống này, nhà đầu tư phải làm gì?

Ra quyết định bán khi lỗ là một việc khó khăn, khi muốn bán mà lại không bán được thì quả thực còn khó khăn hơn nhiều. Chúng ta đang phải đối mặt với một sự thực là tính thanh khoản của thị trường hiện rất yếu và đây là một trong những điều khó lường của TTCK. Tôi nhớ có một câu danh ngôn rằng: "Tạo tâm lý thư thái, chấp nhận nghịch cảnh là một trong những yếu tố giúp chúng ta có được những quyết định sáng suốt".

 

Được biết, sắp tới DoBF sẽ tổ chức những khóa tập huấn cho nhà đầu tư. Những nội dung nào sẽ được trình bày ở đó?

Chúng tôi mong muốn chia sẻ với nhà đầu tư về những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong việc nhìn nhận TTCK, cách lựa chọn cổ phiếu, xác định thời điểm mua bán, xây dựng nguyên tắc và rèn luyện tâm lý đầu tư một cách phù hợp theo triết lý "Do It Best Fit". DoBF muốn gửi một thông điệp tới nhà đầu tư rằng, tuy thị trường tạm thời mang cho ta sự thua lỗ, nhưng với bài học rút ra từ quá khứ, chúng ta sẽ biết cách để thành công trên những chặng đường tiếp theo.