Thừa Thiên Huế sẽ có 4 quận, 1 thành phố trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 108/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thành phố Huế hiện nay sẽ chia thành 2 quận Bắc- Nam sông Hương trong tương lai gần. Ảnh: Dinh Xinh

Thành phố Huế hiện nay sẽ chia thành 2 quận Bắc- Nam sông Hương trong tương lai gần. Ảnh: Dinh Xinh

Theo Quy hoạch, đô thị Thừa Thiên Huế có tính chất đô thị là đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù; là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…

Cũng theo Quy hoạch này, từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận (trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 3 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Từ sau năm 2025 đến năm 2030: Là thành phố trực thuộc trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Từ sau năm 2030 đến năm 2045: Là thành phố trực thuộc trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện: 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 01 thành phố (Chân Mây), thị xã Phong Điền và các huyện; tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.

Từ sau năm 2045 đến năm 2065: Ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tuân thủ các chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia và Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Quy hoạch này cũng dựa trên cơ sở kế thừa các nội dung của quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, các quy hoạch xây dựng đã phê duyệt về định hướng mở rộng không gian khu vực đô thị trung tâm, các trung tâm (Trung tâm hành chính sự nghiệp, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ...), hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, đề xuất tầm nhìn, tính chất, dự báo quy mô dân số và đất đai, định hướng phát triển không gian, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi hành chính toàn đô thị.

Tin bài liên quan