Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 - buổi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 - buổi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững nền kinh tế vĩ mô và những giải pháp thiết thực, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ.

Thị trường tăng trưởng cả về lượng và chất

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm mới 2023 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp niêm yết, thành viên thị trường và công chúng đầu tư đã chung sức, đồng lòng nỗ lực ủng hộ và chia sẻ cùng với cơ quan quản lý trong công tác phát triển thị trường chứng khoán năm 2022.

Trong năm 2022, thế giới vừa phải khắc phục những hậu quả nặng nề về mặt kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới từ sự bất ổn chính trị.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và chỉ đạo quyết liệt thực hiện những quyết sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Các chủ trương, chính sách đồng bộ của Đảng và Chính phủ đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện một cách đồng bộ. Do đó, nước ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Cụ thể, GDP tăng trưởng 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Các cân đối vĩ mô được ổn định, lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát, thu ngân sách tiếp tục giữ vững, nợ công và bội chi ngân sách nhà nước nằm trong kiểm soát và theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội. Trong đó, thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 125% dự toán được Quốc hội giao và tăng gần 20% so với năm 2021.

Trong năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam không thoát khỏi xu thế chung của toàn thế giới khi chỉ số VN-Index lao dốc từ trên 1.500 điểm xuống còn 880 điểm vào tháng 11/2022, nhưng đến cuối năm đã hồi lên trên 1.000 điểm.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam dù trải qua một năm nhiều biến động, song giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, huy động vốn trên thị trường vẫn đạt được ở mức cao. Đa số các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng...”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá.

Ở giai đoạn hiện tại, các thành viên thị trường đều kỳ vọng, những sự thay đổi về mặt chính sách theo hướng tích cực, quyết liệt nhưng không siết chặt của Chính phủ sẽ giúp thị trường vận hành một cách trơn tru, hiệu quả hơn, qua đó không chỉ tăng về lượng mà còn nâng cao về mặt chất lượng, nhằm hướng tới mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra đến năm 2025 sẽ có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán…

Hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, thị trường chứng khoán đang ngày càng nâng cấp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Chính phủ đang thể hiện sự rốt ráo, quyết liệt trong việc ban hành chính sách và chỉ đạo nâng tầm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng gia tăng cả về chất và lượng, đáp ứng mong đợi của các thành viên thị trường.

Với sự quan tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn, thị trường này sẽ phát triển chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán 2023 được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Thị trường chứng khoán 2023 được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Bước sang năm 2023, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, tập trung thực hiện thắng lợi một số công việc trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán và các văn bản có liên quan để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, xây dựng một kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư.

Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường.

Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của thị trường.

Thị trường chứng khoán sẽ phát triển cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng rằng, năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ với sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của công chúng đầu tư.

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Ủy ban sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay 5 nhiệm vụ quan trọng của ngành chứng khoán, nỗ lực hoàn thành rà soát Luật Chứng khoán, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, tăng cường giám sát đảm bảo thị trường hoạt động một cách minh bạch, ổn định, kỷ cương, đồng thời hoàn thành kế hoạch đưa sản phẩm mới, hệ thống công nghệ thông tin mới vào triển khai, áp dụng theo đúng lộ trình trong năm 2023.

... Và mục tiêu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Về phía Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở đã đặt ra mục tiêu cho năm mới, đó là duy trì, phát triển và đảm bảo các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh vận hành công khai, minh bạch, an toàn và thông suốt.

Đồng thời, tổ chức tốt công tác đấu thầu và giao dịch trái phiếu chính phủ nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách nhà nước; chuẩn bị các điều kiện để đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vào vận hành theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giám sát và nâng cao tính minh bạch của thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo được sự tin cậy và thu hút các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức; tăng cường chất lượng tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin và quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu xây dựng phát triển các sản phẩm mới, nhất là trên thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh; hoàn thành tiếp nhận và kiểm thử hệ thống giao dịch thuộc gói thầu KRX theo tiến độ của chủ đầu tư, phấn đấu đưa vào vận hành theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Tin bài liên quan