“Thúc” động lực tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với các động lực tăng trưởng “truyền thống” là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, như đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số…
Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho nền kinh tế liên tục được thực hiện. Ảnh: Đức Thanh

Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho nền kinh tế liên tục được thực hiện. Ảnh: Đức Thanh

Sức ép điều hành vĩ mô vẫn còn lớn

Xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế tiếp tục được khẳng định, khi tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng cơ bản ổn định. Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước”.

Trong hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, giải ngân vốn đầu tư công có lẽ là một trong những chỉ số quan trọng nhất. Tính đến cuối tháng 7/2023, con số ước tính là 267.630 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Nếu tính về con số tuyệt đối, thì mức giải ngân của 7 tháng năm nay cao hơn so với 7 tháng năm ngoái tới gần 81.000 tỷ đồng - một con số không nhỏ.

Cùng với giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viện dẫn để nhấn mạnh về xu hướng dần phục hồi của nền kinh tế. Không chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, mà tình hình doanh nghiệp cũng tích cực hơn. Tương tự, xuất nhập khẩu tích cực hơn, thu hút đầu tư nước ngoài cũng vậy. Một con số đáng chú ý mới được cập nhật, đó là xuất siêu của nền kinh tế đã lên tới 16,5 tỷ USD sau 7 tháng, chứ không phải là trên 15,23 tỷ USD như ước tính trước đó.

Điều quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Ngay trước khi Chính phủ họp thường kỳ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tổ chức họp bàn và những đánh giá tương tự đã được đưa ra.

Thậm chí, theo kịch bản lạm phát năm 2023 được Bộ Tài chính cập nhật, thì ở kịch bản cao nhất, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 3,7%. Ở kịch bản thấp hơn, con số là 3,2%. Như vậy, ở cả hai kịch bản, lạm phát năm nay đều thấp hơn mục tiêu 4,5% đã đề ra. “Dư địa điều hành giá những tháng còn lại năm nay sẽ dễ thở hơn”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Không chỉ là dư địa điều hành giá, mà lạm phát được kiểm soát tốt, dư địa để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng nới lỏng hơn, cũng lớn hơn.

Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá là chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

“Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc trao đổi gần đây với báo giới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhắc đến việc nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hai “cơn gió ngược” từ bên ngoài là sự suy giảm kinh tế thế giới và các điều kiện tài chính, tiền tệ ngặt nghèo; và hai “vòng gió xoáy” từ nội tại nền kinh tế là những áp lực về tỷ giá, lãi suất, các vấn đề về thanh khoản và sự sụt giảm của nền kinh tế, nhất là đối với xuất khẩu. Tất cả khiến việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay là một thách thức lớn.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Tháng 7/2023 là tháng thứ hai liên tiếp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân. Khi giải ngân đầu tư công tích cực hơn, sẽ hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà cả dài hạn.

Không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà Chính phủ cũng rất thấu hiểu những thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Bởi thế, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho nền kinh tế liên tục được thực hiện.

Ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. “Một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong một sớm một chiều. Song tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết…”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng để tăng tổng cung và tổng cầu; cũng như tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo Chính phủ đã đề xuất một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một điểm đáng chú ý, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước, nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công), xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lần đầu tiên nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

“Phải tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng hydrogen...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Nếu kinh tế số được thúc đẩy, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thông tin đáng mừng là cuối tháng 10/2023, dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Ngay từ khi kế hoạch triển khai NIC được bắt đầu vào năm 2019, nhiều quan điểm cho rằng, đấy chính là một cú hích quan trọng và là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nhảy vọt, trở thành một nền kinh tế ngàn tỷ USD.

Dù đó là một triển vọng mang tính dài hơi, song sự kiện khánh thành NIC cũng sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, kể cả trong ngắn hạn.

Tất nhiên, giải pháp cần kíp trước mắt vẫn là tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hiện vẫn còn hơn 400.000 tỷ đồng chờ được giải ngân. Sau 7 tháng, vẫn còn 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó, kích cầu tiêu dùng, phát triển dịch vụ, du lịch cũng rất quan trọng. Nửa đầu năm, khu vực dịch vụ đã đóng góp trên 3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, lớn nhất trong ba khu vực kinh tế. Nửa cuối năm, một khi các chính sách kích cầu, tăng lương, giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách visa cho du khách quốc tế… được thực thi hiệu quả, khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và là trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế cả năm.

Tin bài liên quan